Thứ Ba, 27 tháng 11, 2018

NẠN THAM NHŨNG VÀ NGUY CƠ CỦA NÓ


Tham nhũng không phải là loại tệ nạn xã hội chỉ mới xuất hiện trong thời đại chúng ta; trái lại, trong lịch sử nhân loại nó đã tồn tại từ rất lâu ở hầu hết tất cả các quốc gia. Tuy nhiên, tham nhũng trong xã hội hiện đại tồn tại dưới rất nhiều biến thể vô cùng tinh vi, hết sức khéo léo, cực kỳ xảo quyệt, nhiều khi rất khó phát hiện, mặc dù mọi người đều có thể cảm nhận được. Đáng nói là, trong lịch sử đương đại, ở các nước phát triển, nơi có nhà nước pháp quyền và ít sử dụng tiền mặt trong mọi giao dịch kinh tế thì việc phát hiện tham nhũng, kể cả những vụ đã diễn ra nhiều năm trước đó, có nhiều điều kiện hơn các nước kém phát triển.
Tham nhũng, theo định nghĩa của Từ điển Bách khoa Việt Nam, là “hành vi của những người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ và quyền hạn để sách nhiễu, tham ô, nhận hối lộ hoặc cố ý làm trái chính sách, chế độ, thể lệ về kinh tế - tài chính vì động cơ vụ lợi, gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước, tập thể và cá nhân, xâm phạm hoạt động đúng đắn của các cơ quan nhà nước và tổ chức chính trị, xã hội” . Luật phòng, chống tham nhũng ban hành năm 2005 của Việt Nam coi “tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi”, trong đó, “người có chức vụ, quyền hạn bao gồm: a) Cán bộ, công chức, viên chức; b) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sỹ quan, hạ sỹ quan nghiệp vụ, sỹ quan, hạ sỹ quan chuyên môn - kỹ thuật trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân; c) Cán bộ lãnh đạo, quản lý trong doanh nghiệp của Nhà nước, cán bộ lãnh đạo, quản lý là người đại diện phần góp vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp; d) Người được giao nhiệm vụ thực hiện nhiệm vụ, công vụ có quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó”.
Như vậy, tham nhũng không thể liên quan đến những người dân bình thường, bởi vì họ không nắm quyền lực, không có quyền lực, không liên quan đến quyền lực, đến công vụ; nghĩa là họ không có điều kiện, không có cơ hội để vụ lợi cho cá nhân mình hoặc gia đình mình. Nói cách khác, tham nhũng chỉ giới hạn trong phạm vi những người gánh vác một trách nhiệm công quyền nào đó thuộc các lĩnh vực khác nhau của Nhà nước, từ vị thế cấp thấp nhất cho đến vị thế cấp cao nhất.
Những biến cố trong lịch sử nhân loại và những sự kiện nóng hổi vừa xảy ra trong thế giới đương đại cùng những bài học rút ra từ đó cho phép chúng ta chỉ ra các nguy cơ do nạn tham nhũng có thể gây ra cho đất nước ta. Về mặt lý thuyết và đối chiếu với hiện thực đang diễn ra trên thế giới thì tham nhũng có nhiều loại như tham nhũng trong kinh tế, tham nhũng về quyền lực, thậm chí cả tham nhũng trong chính trị. Trong nhiều trường hợp các loại tham nhũng này liên kết với nhau, gắn bó chặt chẽ với nhau, bao che cho nhau, đổi chác và mặc cả với nhau. Một khi quyền lực câu kết với sức mạnh kinh tế thì đó là nguy cơ vô cùng lớn đối với sự tồn vong của chế độ, của đất nước, của dân tộc. Phải thẳng thắn thừa nhận rằng, ở nước ta hiện nay bất kể ngành nào, từ ngành xây dựng, giao thông, thuế vụ, hải quan, tài chính, ngân hàng, đăng kiểm, v.v., cho đến các cấp trong ngành giáo dục, trong các cơ quan nghiên cứu khoa học và bất kể địa phương nào, cấp nào cũng đều có tham nhũng tuy mức độ có khác nhau.
Trước hết, nói về tham nhũng trong lĩnh vực kinh tế. Tham nhũng trong lĩnh vực kinh tế là loại tham nhũng phổ biến nhất từ trước đến nay trên thế giới. Ở nước ta tình hình cũng không khác là bao và đã kéo dài nhiều năm, nhưng chưa có thuốc chữa trị đặc hiệu. Người nắm kinh tế hoặc làm việc trong lĩnh vực kinh tế là người có môi trường thuận lợi nhất để tham nhũng. Những người nắm quyền điều hành trong lĩnh vực này càng dễ có điều kiện hơn những người khác để tham nhũng. Các vụ án lớn ở nước ta trong thời gian vừa qua là minh chứng cụ thể nhất cho điều này. Hàng chục, hàng trăm nghìn tỷ đồng tiến thuế của dân, tiền ngân sách nhà nước đã bị bọn sâu mọt này lấy làm của riêng hoặc tiêu xài phung phí theo nhiều cách khác nhau. Điển hình là các vụ tham nhũng ở Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển Nông thôn Việt Nam, PMU18, Vinashin, Vinalines, Công ty cho thuê tài chính 2 cũng thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển Nông thôn Việt Nam, v.v.. Khi các vụ tham nhũng bị phát hiện, thì khả năng thu hồi thường là rất nhỏ. Chẳng hạn, trong vụ án tại Công ty cho thuê tài chính 2 thất thoát tới 531 tỉ đồng, nhưng chỉ thu giữ được 5,8 tỉ đồng. Tệ hại hơn nữa, loại tham nhũng trong lĩnh vực này còn tồn tại dưới dạng mách nước, vạch đường, bảo kê để trốn thuế, khai man thuế, phá rừng nguyên sinh, rừng đầu nguồn, vườn quốc gia, v.v. để rồi nhận phần chia chác, kể cả chia chác với các đối tác nước ngoài gây thiệt hại rất lớn cho đất nước.
Tham nhũng quyền lực và tham nhũng nhờ quyền lực, bằng quyền lực, nhờ vị trí công việc đang được giao cũng phổ biến không kém. Điều này thể hiện rõ nhất trong khâu tuyển công chức các cấp, kể cả tuyển giáo viên, nhất là giáo viên bậc phổ thông, trong việc mở trường, mở ngành, v.v., đã rộ lên từ nhiều năm nay mà nhiều người dân đều biết, nhưng đến nay mới được người có trách nhiệm nói đến. Một số người có quyền lực, dù là rất nhỏ, vẫn đang cố níu kéo thủ tục hành chính cũ để thu lợi ích bất chính. Không quá khó để nhận diện những loại tham nhũng này.
Để chống lại nạn tham nhũng thì cần phải: Thứ nhất, Nhà nước pháp quyền phải được củng cố thật sự vững chắc. Luật pháp phải được nhanh chóng bổ sung, nhất là bịt ngay những lỗ hổng nhằm ngăn chặn có hiệu quả tình trạng lợi dụng rất phổ biến những lỗ hổng này, trước hết là bổ sung Luật Công vụ vì tham nhũng chỉ gắn với những người thực thi công vụ các cấp, chứ không liên quan đến người dân bình thường. Thứ hai, Quốc hội phải thực sự là cơ quan lập pháp, chứ không phải chỉ là cơ quan thông qua luật pháp do các bộ, các ngành chấp bút đệ trình nhằm tránh tình trạng lợi ích nhóm, lợi ích ngành chi phối luật pháp và các chính sách. Thứ ba, cơ quan phòng chống tham nhũng phải có thực quyền, có cơ chế đặc biệt dưới sự giám sát của Quốc hội và độc lập đối với mọi thành phần của Chính phủ. Cơ quan này được lập ra để kiểm soát hoạt động của Chính phủ, của các cơ quan công quyền thì người đứng đầu Chính phủ không thể là người đứng đầu cơ quan này. Thứ tư, phải đẩy nhanh tiến trình kiểm soát tài sản và kiểm soát thu nhập. Việc kê khai tài sản của công chức đứng đầu các cơ quan, của những người có trách nhiệm nhất định phải được công khai tại nơi công tác và nơi cư trú như Nghị quyết Trung ương 4 đòi hỏi. Nói cách khác, mọi thứ phải được công khai, minh bạch và thực chất chứ không hình thức. Tình trạng không công khai, không minh bạch là điều kiện hết sức thuận lợi cho hành vi tham nhũng. Thứ năm, phải minh bạch trong thông tin và minh bạch trong việc trao quyền; chấm dứt tình trạng gửi gắm, mặc cả, dọn sẵn chỗ tốt và vị trí quan trọng cho người thân có lý lịch gia đình tốt, nhưng bất tài, kém đức, không đáp ứng đòi hỏi của công việc được giao. Thứ sáu, sửa đổi Luật phòng, chống tham nhũng, khuyến khích tố giác người tham nhũng; không đánh đồng người đòi hối lộ với người buộc phải đưa hối lộ nếu người bị buộc đưa hối lộ tự giác và tố cáo người đã đòi hối lộ, đã hoặc sẽ nhận hối lộ với nhà chức trách. Đồng thời, phải xử lý thật nghiêm những kẻ mắc tội tham nhũng, dù kẻ đó ở bất cứ cương vị nào, dù đang làm việc hay đã “hạ cánh an toàn” và cần coi tham nhũng là nội xâm phải kiên quyết diệt trừ.
Tham nhũng đang là quốc nạn, là nạn nội xâm cực kỳ nguy hiểm. Nó đang làm xói mòn lòng tin của người dân vào chính quyền các cấp, vào Nhà nước, vào sự lãnh đạo của Đảng. Các cơ quan công quyền cần lấy lại niềm tin của người dân chứ đừng phung phí niềm tin ấy. Mất niềm tin của dân là nguy cơ lớn nhất đối với sự tồn tại và sự bền vững của đất nước, của chế độ. Mất niềm tin của dân là mất tất cả, bởi vì “chở thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân”. Không thể dẹp được nạn tham nhũng ngay tức khắc, nhưng nếu không kiên quyết và nếu luật pháp không công minh, thì nguy cơ đối với chế độ do quốc nạn tham nhũng gây ra sẽ vô cùng to lớn.
Nguồn: Tạp chí khoa học xã hội Việt Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét