Thứ Tư, 20 tháng 1, 2021

Đi lên chủ nghĩa xã hội, con đường tất yếu của cách mạng Việt Nam

 

Thời gian gần đây, bên cạnh việc có nhiều cán bộ, đảng viên, nhà khoa học và các tầng lớp nhân dân tích cực đóng góp những ý kiến tâm huyết góp phần xây dựng Đảng ngày càng trong sạch vững mạnh, đủ sức lãnh đạo đất nước phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa. Vẫn còn đâu đó những đối tượng, tự nhận mình là người yêu nước, có trách nhiệm với dân tộc, muốn đóng góp ý kiến với Đảng, nhưng thực chất là lợi dụng việc tham gia đóng góp ý kiến để chống phá Đảng, chống phá Nhà nước và chế độ.

Tự nhận mình là người “muốn góp ý kiến với Đảng Cộng sản Việt Nam, chứ không phải đả phá chế độ chính trị hiện hành”, nhưng trong bài “Đã không biết sao lại bắt dân chúng chờ cả trăm năm”, Mỹ Thuận đã đưa ra nhiều câu hỏi như: “Vì sao lại cứ buộc phải tìm kiếm con đường đi đến chủ nghĩa xã hội”. Với những ngôn từ lập lờ như vậy, nếu xem qua thì có thể nhầm tưởng đây là ý kiến của người có trách nhiệm với đất nước, chế độ, nhưng để ý một chút thì ai cũng có thể nhận ra đây là lý lẽ của kẻ phản động, chống Đảng, chống Nhà nước.

Thực ra, khi đặt vấn đề vì sao lại cứ buộc phải đi tìm kiếm con đường đi lên chủ nghĩa xã hội chỉ là cách nói tránh của luận điệu: Sao không đưa đất nước theo con đường tư bản chủ nghĩa? Có lẽ đó là câu hỏi vô nghĩa, bởi ai cũng hiểu rằng, Đảng lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là tất yếu của cách mạng Việt Nam. Điều này được minh chứng bởi:

Đi lên chủ nghĩa xã hội là sự lựa chọn của lịch sử dân tộc Việt Nam và phù hợp với xu thế của thời đại

Lịch sử Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX cho thấy, trong bối cảnh đất nước bị thực dân Pháp xâm lược, nhân dân chịu cảnh áp bức, bóc lột của cả chủ nghĩa thực dân và địa chủ phong kiến, đã có rất nhiều phong trào yêu nước nổ ra, song tất cả đều lâm vào bế tắc và thất bại. Đó là sự bế tắc và thất bại về đường lối cứu nước, giải phóng dân tộc.

Trong bối cảnh lịch sử ấy, Nguyễn Ái Quốc đã ra đi tìm đường cứu nước, qua quan sát và tìm hiểu chủ nghĩa tư bản, tìm hiểu cuộc sống của người dân ở chính quốc và các nước thuộc địa. Người đi đến kết luận, cách mạng giải phóng dân tộc Mỹ, cách mạng tư sản Pháp đều là những cuộc cách mạng vĩ đại, nhưng chưa đến nơi, vì cách mạng thành công chỉ đem lại lợi ích cho thiểu số, còn đông đảo quần chúng lao động vẫn chịu áp bức, bóc lột. Thực tiễn ở các nước tư bản chủ nghĩa những năm gần đây, là bằng chứng sinh động chứng minh những nhận định của chủ tịch Hồ Chí Minh là hoàn toàn chính xác. Khẩu hiệu chiếm phố Wall của người dân Mỹ những năm đầu thế kỷ XXI “chúng tôi chiếm 99% dân số, trong khi giới nhà giàu chỉ chiếm 1% nhưng lại đang nắm giữ 99% của cải của xã hội. chúng tôi không thể cứ im lặng mãi mà phải hành động” là bằng chứng rõ ràng nhất cho sự bất bình đẳng ở các nước tư bản ngày càng tăng.

Từ tiếng vang của cuộc Cách mạng tháng Mười Nga, Nguyễn Ái Quốc đã tìm đến với chủ nghĩa Mác – Lênin. Qua nghiên cứu, phân tích một cách thấu đáo, Người đi đến kết luận: Con đường cứu nước giải phóng dân tộc Việt Nam chỉ có thể là con đường cách mạng vô sản.

Thực tiễn cũng cho thấy, từ khi có Đảng Cộng sản, với đường lối cách mạng đúng đắn – độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta đứng lên đánh bại thực dân, đế quốc xâm lược, giành độc lập tự do cho dân tộc, đưa nhân dân từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ đất nước. Tiếp đó, Đảng lãnh đạo thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện đất nước đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao với mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”; đất nước ta chưa bao giờ có được vận hội và cơ đồ như ngày hôm nay.

Như vậy, việc lựa chọn con đường quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là hoàn toàn có cơ sở khoa học và thực tiễn. Đó là sự chọn của chính lịch sử dân tộc Việt Nam và phù hợp với xu thế phát triển của thời đại.

Đi lên chủ nghĩa xã hội là tất yếu, nhưng cần phải tìm tòi, sáng tạo

Chủ nghĩa xã hội là tất yếu trong sự phát triển của nhân loại. Tuy nhiên, nó không phải là cái đương nhiên có, thụ động ngồi chờ mà phải bằng sự nỗ lực hoạt động thực tiễn không mệt mỏi của toàn Đảng và Nhân dân ta để hiện thực hóa các mục tiêu xã hội chủ nghĩa.

Chủ nghĩa xã hội là một chế độ xã hội mới, ưu việt hơn các chế độ xã hội trước đó trong lịch sử phát triển của nhân loại, nhưng đòi hỏi Đảng ta, trên cơ sở những nguyên lý của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phải không ngừng sáng tạo, bám sát thực tiễn của đất nước để xác định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội một cách phù hợp. Bởi vì, hiện nay vẫn còn không ít vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta cần được nghiên cứu, vận dụng phù hợp vào điều kiện cụ thể của đất nước.

Bên cạnh đó, cần nhận thức rõ rằng việc xây dựng chủ nghĩa xã hội có tính lịch sử, cụ thể; tùy vào điều kiện cụ thể của đất nước trong mỗi giai đoạn để xác định nội dung, phương thức phù hợp.

Đưa đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội là mục tiêu xuyên suốt của Đảng và là nguyện vọng của nhân dân Việt Nam. Đó là sự lựa chọn của lịch sử dân tộc Việt Nam và phù hợp với xu thế phát triển của thời đại. Là quá trình khó khăn, phức tạp, cần phải thường xuyên tìm tòi, sáng tạo, xác định những nội dung, phương pháp, bước đi phù hợp; tránh tư tưởng chủ quan, nóng vội, hoặc bi quan, dao động. Do vậy, bên cạnh việc kiên định mục tiêu, con đường đã chọn, cần nêu cao tinh thần cảnh giác và kiên quyết đấu tranh đập tan những luận điệu xuyên tạc, phản động, chống phá Đảng, Nhà nước, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa của chúng ta./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét