Chủ Nhật, 17 tháng 1, 2021

Vấn đề “di cư” trong bối cảnh hội nhập quốc tế và âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch

1.Di cư là vấn đề lớn của mọi quốc gia trong giai đoạn hiện nay

Di cư vẫn luôn tồn tại như một phần tất yếu của lịch sử xã hội loài người. So với các yếu tố bất ổn chính trị, kinh tế – xã hội, chiến tranh, thảm họa thiên nhiên, biến đổi khí hậu… thì di cư vì mục đích kinh tế vẫn là loại hình di cư nổi trội. Trong điều kiện toàn cầu hóa và tự do kinh tế, sự chênh lệch về mức sống, cơ hội việc làm với thu nhập cao hơn ở trong nước vẫn là động lực chính, thúc đẩy người dân di cư đi tìm những cơ hội mới, cho dù chỉ là tạm thời ở nước ngoài. Chưa có thời kỳ nào trong lịch sử nhân loại, di cư lại diễn ra với quy mô lớn như hiện nay. Theo ước tính của tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), có khoảng 215 triệu người đang sống và làm việc ngoài đất nước của mình, chiếm khoảng 3,3% dân số toàn cầu. Liên hiệp quốc dự báo đến năm 2050 sẽ có khoảng 290 triệu người di cư giữa các nước. Nhận thức được vai trò của di cư, các nước ngày càng quan tâm đến việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, quyền được làm việc và an sinh xã hội đối với bản thân người di cư và gia đình họ.

2.Lợi dụng vấn đề di cư để chống phá Việt Nam – thủ đoạn quen thuộc của các thế lực thù địch

Lợi dụng việc di cư hòng thực hiện mưu đồ chống phá cách mạng nước ta là một thủ đoạn quen thuộc của các thế lực thù địch. Nhìn lại lịch sử, sau thất bại ở Điện Biên Phủ, hòng chia cắt lâu dài đất nước ta, thực dân Pháp cấu kết với đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm tiến hành chiến dịch di cư, một mặt gây cho ta những xáo trộn lớn về kinh tế, xã hội, một mặt, vừa tạo ra dư luận xấu về chế độ ta ở miền Bắc, vừa ngăn chặn sự ủng hộ của nhân dân thế giới đối với cuộc đấu tranh thống nhất đất nước của nhân dân ta. Tờ Revue Socialist (Pháp) ra ngày 2/11/1954, viết: “Cuộc di cư này trước hết là một hành động chính trị, nhằm làm cho dư luận thế giới ngỡ rằng nhân dân Việt Nam chán ghét Việt Minh và chủ nghĩa cộng sản”[1]. Tiếp sau sự kiện 30/4/1975, thực hiện kế hoạch thời hậu chiến, một lượng lớn ngụy quân và những người liên quan đến chế độ ngụy quyền được tổ chức di tản ra nước ngoài, được nuôi dưỡng và từ đó hình thành nên các tổ chức phản động lưu vong, tiếp tục các hoạt động chống phá cách mạng nước ta.

Sau 25 năm đổi mới, nhất là sau khi gia nhập WTO, Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều loại hình di cư, đặc biệt là di cư lao động, vì mục tiêu kinh tế. Đồng thời, quá trình mở cửa và hội nhập quốc tế cũng đã tạo điều kiện cho công dân Việt Nam đi lao động, học tập, du lịch, chữa bệnh, làm việc và cư trú ở nước ngoài. Các hình thái di cư của công dân Việt Nam ngày càng đa dạng, phức tạp, quy mô, số lượng người Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài ngày càng gia tăng. Tận dụng cơ hội này, các thế lực thù địch đã và đang thực hiện các hoạt động cài cắm, móc nối, tập hợp lực lượng, tạo dựng ngọn cờ ngay trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài, nhất là trong số du học sinh, trí thức trẻ, những người mà theo cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger, trong tuyên bố kế hoạch hậu chiến 30/4, luôn kỳ vọng trong tương lai sẽ giúp Mỹ giành chiến thắng trước Việt Nam, không phải bằng súng, đạn, mà bằng chính những tờ đô la và sự “đổi màu” từ bên trong của những thế hệ kế cận sẽ lãnh đạo đất nước ta.

Hiện nay, một thủ đoạn cũng vô cùng thâm độc liên quan đến vấn đề di cư mà các thế lực thù địch đang đẩy mạnh thực hiện, đó là ra sức tuyên truyền cho cái gọi là “tị nạn niềm tin”, “ai cũng muốn bỏ đi”… như trong bài viết tựa đề “ĐI” của Tưởng Năng Tiến đăng trên danlambao mới đây. Bài viết đã tô vẽ về Việt Nam như là một nơi đầy rẫy những “bất an”, rằng người dân đang “sống tạm trên mảnh đất quê hương” bởi “luật đất đai là sở hữu toàn dân, nên có thể bị thu hồi bất cứ lúc nào”. Không ngại bịa chuyện, những kẻ như Tưởng Năng Tiến cho rằng “không ai thiết tha chi đến một mảnh đất mà mình chỉ được quyền sống ké”, rằng “cái chế độ hiện hành còn tồn tại ở Việt Nam thì xây dựng là điều bất khả”. Kỳ lạ hơn, chúng còn cho rằng những ngư dân Việt Nam đang hằng ngày vươn khơi bám biển để khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc chỉ như là những tên “kẻ trộm”, “lấm lét”… Có lẽ, chỉ có những kẻ lưu vong phản động, mang trong mình dã tâm phá hoại mới có cái nhìn lệch lạc, cay cú về sự phát triển của đất nước, nơi là cội nguồn của mình như vậy.

Là một nước có cơ cấu dân số trẻ, Việt Nam có lợi thế về sức lao động, song cũng đòi hỏi chúng ta cần có chính sách thỏa đáng để giải quyết bài toán việc làm và thu nhập ổn định. Với vị thế và diện mạo đất nước đang không ngừng lớn mạnh và thay đổi từng ngày, đi đôi với việc tiếp tục xây dựng, khẳng định hình ảnh tốt đẹp về một Việt Nam hòa bình, phát triển trong lòng bạn bè quốc tế, thì điều quan trọng là chúng ta cần nêu cao tinh thần cảnh giác trước những luận điệu xuyên tạc về tình hình thực tiễn của đất nước, kiên quyết đấu tranh, loại bỏ những thông tin xấu độc đó ra khỏi đời sống xã hội./.

[1] Trần Văn Giàu, Miền Nam giữ vững thành đồng, Tập 1, Nxb Khoa học Xã hội, H.1964, tr. 50.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét