Thứ Tư, 20 tháng 1, 2021

Nên bỏ hay giữ TẾT Nguyên đán

 

Cứ gần đến tết Nguyên đán lại rộ lên những tranh cãi về việc bỏ hay giữ Tết, hoặc gộp Tết cổ truyền vào Tết dương lịch như phương Tây. Dù chủ đề này không còn mới, nhưng tranh luận giữa các bên ủng hộ và phản đối việc bỏ Tết vẫn chưa bao giờ hết gay gắt. Những người phản đối giữ Tết cổ truyền cho rằng: Kỳ nghỉ Tết này đang dần trở nên lỗi thời, lạc hậu và không phù hợp trong điều kiện hội nhập về mọi mặt như hiện nay. Việt Nam cần phải chọn lựa hoặc bỏ Tết để giao thương với châu Âu, với Bắc Mỹ, hoặc mãi chỉ là quốc gia chậm phát triển với nền kinh tế què quặt. Có người còn đưa ra nhận định Tết là thủ phạm của sự đình trệ kinh tế; nền kinh tế Việt Nam đang hoạt động “lệch pha” so với các nước phương Tây. Khi họ nghỉ Giáng sinh, năm mới thì Việt Nam làm việc; còn khi Việt Nam ăn Tết cổ truyền thì họ trở lại guồng quay công việc. Điều này dẫn đến sự tăng trưởng chậm chạp của nền kinh tế những tháng đầu năm ở Việt Nam.

Phát triển kinh tế và ăn tết cổ truyền luôn có thể song hành cùng nhau: Không phải cứ nghỉ để ăn Tết là nền kinh tế sẽ đình trệ như cách nhìn méo mó của những người có tư tưởng bỏ Tết. Rất nhiều quốc gia vẫn phát triển thịnh vượng và vẫn ăn Tết Nguyên đán. Trung Quốc rất coi trọng Tết Nguyên đán và người lao động thường được nghỉ ít nhất 7 ngày trong dịp lễ này. Nhưng 30 năm qua, chúng ta thấy rõ nền kinh tế Trung Quốc vẫn tăng trưởng mạnh mẽ và giờ đã lớn thứ hai thế giới. Những năm 1950, Hàn Quốc là một trong những nước nghèo nhất thế giới, nhưng hiện nay nền kinh tế Hàn Quốc nằm trong top 20 thế giới và đã công nghiệp hoá, hiện đại hoá thành công mà vẫn không cần bỏ Tết cổ truyền. Trung Quốc, Hàn Quốc hay Singapore, Malaysia vẫn phát triển rất ổn định mà không hề bỏ Tết Nguyên đán.

 Nhìn một bức tranh tổng thể, cho chúng thấy rằng: Tết cổ truyền không phải là lực cản, mà là động lực thúc đẩy kinh tế, thông qua kích cầu tiêu dùng. Năm 2018, người Trung Quốc chi khoảng 900 tỷ NDT (3,085 triệu tỷ đồng cho hoạt động mua sắm, ăn uống, vui chơi. Ước tính, mỗi hộ gia đình tăng chi tiêu khoảng 60% so với ngày thường trong dịp Tết. Tiêu dùng trong một tháng Tết ở các hộ gia đình khu vực thành thị Việt Nam tăng 80% so với ngày thường. Sức mua dịp Tết năm 2018 ước tính đạt trên 45.000 tỷ đồng cho tổng thị trường Việt Nam, gần gấp đôi giá trị mỗi tháng thường, tương đương với 1% tổng GDP 2017.

Ngoài cách ăn Tết truyền thống, Tết còn là thời điểm không ít người dành để đi du lịch hoặc ăn uống nhà hàng. Một số khảo sát chỉ ra: Việc sử dụng kỳ nghỉ dài để đi du lịch khiến người lao động cảm thấy thoải mái hơn so với việc xin nghỉ phép trong năm để đi chơi. Trong 5 năm trở lại đây (thời điểm người lao động bắt đầu được nghỉ Tết 7-9 ngày), tăng trưởng giá tiêu dùng mảng nhà hàng, thực phẩm tháng 1 và tháng 2 tăng đều đạt cao nhất trong năm. Vì vậy, Tết chính là đòn bẩy cho tăng trưởng; phát triển kinh tế và ăn tết cổ truyền luôn có thể song hành cùng nhau.

Văn minh không có nghĩa là gạt bỏ giá trị văn hóa: Bất cứ một quốc gia nào muốn trở nên tiến bộ, văn minh không có nghĩa là gạt bỏ các giá trị văn hóa ra một bên. Tết là nét văn hóa truyền thống rất riêng của Việt Nam. Nếu người phương Tây nghỉ lễ Giáng sinh và năm mới theo phong tục của họ từ xưa đến nay tại sao Việt Nam lại cứ bận tâm câu chuyện bỏ hay giữ Tết cổ truyền. Trong email trả lời Phóng viên, bà Sin sử dụng từ Tet, thay vì Lunar New Year (Tết âm lịch), bởi theo bà Tet là nét đặc trưng của Việt Nam, không nên dùng cụm từ khác để thay thế. Bà Sin nói: Theo các chuyên gia, không có dịp lễ hội nào không mệt mỏi – bởi mua sắm, chi tiêu, bởi kẹt xe, tắc đường. Nhưng mục đích chung của các kỳ nghỉ lễ là trao thời gian cho người lao động, để họ có thể vui chơi, giảm mệt mỏi, lấy lại sức khỏe, để đoàn viên sum vầy bên gia đình.

Nếu cội nguồn truyền thống không giữ được thì đừng nói đến phát triển: Ông Henry Ford, người sáng lập công ty Ford Motor và cũng là người đặt nền móng cho việc quy định thời gian làm việc 8 tiếng/ngày, 5 ngày/tuần, luôn ủng hộ những kỳ nghỉ dài. Ông cho rằng: năng suất lao động sẽ giảm sau thời gian làm việc dài không ngừng nghỉ. Công nhân, kỹ sư hay nhân viên văn phòng đều cần có thời gian để nghỉ ngơi, mua sắm và tiêu thụ những sản phẩm do chính họ làm ra. “Chúng ta cố công làm ra những sản phẩm này không chỉ cho khách hàng mà cho chính chúng ta. Nếu cứ làm việc không có thời gian nghỉ để mua sắm như vậy thì những sản phẩm này sẽ bán cho ai?

 Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in từng phát biểu năm 2017, nếu không có những dịp nghỉ lễ dài ngày, người lao động sẽ rất e dè xin nghỉ phép để nghỉ ngơi hoặc du lịch. Kỳ nghỉ lễ là thời gian người lao động “danh chính ngôn thuận” tạm rời bỏ công việc để chăm sóc cho bản thân mình.

Thay vì tranh cãi về việc bỏ hay giữ Tết âm lịch, theo tết âm hay tết dương, thì chúng ta hãy nghĩ cách để hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của nó. Việc nghỉ tết theo lịch dương hay theo lịch âm, nghỉ dài hay nghỉ ngắn, đón năm mới như thế nào là quyết định của mỗi nước, dựa trên tín ngưỡng, văn hóa của dân tộc mình để thực hiện. Thái Lan một năm đón năm mới 3 lần, theo 3 loại lịch cũng đâu có sao. Nếu cội nguồn truyền thống của mình mà không giữ được thì đừng nói đến phát triển đất nước./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét