Thứ Ba, 15 tháng 2, 2022

LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC, BỊA ĐẶT CỦA PHẠM NHẬT BÌNH

 

Trên trang Bureau CTM Media – Á Châu Phạm Nhật Bình đăng tải bài viết với tựa đề: “Báo CAND: Dân chủ không đồng nghĩa với đa nguyên, đa đảng”. Theo đó, y cho rằng từ khi có sự xuất hiện nhà nước cộng sản, hai chữ dân chủ trở thành món hàng trang trí, … nguyên nhân là do một đất nước độc đảng, đây là quan điểm hoàn toàn xuyên tạc, bịa đặt của Phạm Nhật Bình về nền dân chủ xã hội chủ nghĩa mà nhân loại đang hướng đến xây dựng. Bởi vì:

Thứ nhất, dân chủ là một giá trị xã hội mang tính toàn nhân loại.

Dân chủ đã xuất hiện từ thời cổ xưa. Dân chủ là khát vọng của con người. Xuất phát từ một từ Hy Lạp cổ đại demokratia, dân chủ có nghĩa là quyền lực nhân dân, quyền lực của nhân dân, toàn bộ quyền lực thuộc về nhân dân.

Dân chủ là một phạm trù lịch sử. Theo C. Mác và Ph.Ăng-ghen, dân chủ là phương tiện tất yếu để con người đạt tới tự do, giải phóng toàn diện những năng lực vốn có của mỗi cá nhân, tức quyền con người được bảo đảm và thực hiện đầy đủ. Đặc trưng cơ bản của dân chủ là, tất cả các công dân đều có quyền tham dự vào đời sống chính trị, quyền lực cao nhất của đất nước thuộc về đại diện của nhân dân; mọi công dân đều có quyền bình đẳng trước pháp luật.

Dưới chế độ nô lệ và phong kiến, tư tưởng thần quyền và phân biệt đẳng cấp hà khắc đã tước bỏ tự do, dân chủ của nhân dân. Giai cấp tư sản đã lật đổ chế độ chuyên chế quân chủ, xác lập chế độ nghị viện, phổ thông đầu phiếu, hai đảng (hoặc chế độ đa đảng), phân quyền, bình quyền…, đây là những nội dung chủ yếu của chế độ dân chủ tư sản. Dân chủ tư sản được xây dựng trên cơ sở phủ định chế độ chuyên quyền phong kiến, vì thế, trong sự phát triển chung của lịch sử, nó có những đóng góp tích cực, thể hiện sự tiến bộ nhất định. Nhưng, dân chủ tư sản được xây dựng trên cơ sở chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, chỉ những nhà tư bản lớn mới là những người nắm giữ vai trò quyết định, điều đó có nghĩa dân chủ không bao giờ thuộc về quảng đại nhân dân. Do đó, dân chủ xã hội chủ nghĩa mới thực sự là nền dân chủ ưu việt, phát triển cao hơn dân chủ tư sản.

Thứ hai, xét về bản chất, dân chủ xã hội chủ nghĩa là chế độ quyền lực thuộc về nhân dân, do nhân dân quản lý và điều hành xã hội.

Chế độ đó do liên minh công nhân, nông dân và đội ngũ trí thức làm nòng cốt, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản lãnh đạo. Nhân dân làm chủ trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội thông qua các hình thức dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp. Đảng Cộng sản lãnh đạo nhà nước và xã hội thông qua nguyên tắc tập trung dân chủ, gắn dân chủ với kỷ cương, đảm bảo bằng luật pháp trên nguyên tắc thượng tôn pháp luật. Bên cạnh đó, dân chủ xã hội chủ nghĩa còn là chế độ gắn kết và đảm bảo tính dân tộc kết hợp với tính nhân loại sâu sắc, đảm bảo mọi quyền lợi thực tiễn của mọi cá nhân gắn liền với nghĩa vụ và trách nhiệm của cá nhân đối với cộng đồng xã hội.

Mỗi một quốc gia có quyền lựa chọn chế độ dân chủ phù hợp, không nhất thiết mô phỏng chế độ dân chủ của quốc gia khác. Chế độ dân chủ của một quốc gia phù hợp với đặc điểm lịch sử, văn hóa, thể chế chính trị, kinh tế… của từng nước. Thực tiễn chứng minh, chế độ chính trị phương Tây cũng đầy rẫy những bất công và tình trạng vi phạm dân chủ, không “hoàn hảo”, khác với nhiều người vẫn ra sức tán dương, ca tụng, chỉ nhìn bề ngoài mặt nạ (?!). Trái lại, một số quốc gia đã phải trả giá đắt cho việc bê nguyên xi mô hình dân chủ phương Tây, dẫn tới những bất ổn, thậm chí rơi vào vòng xoáy của khủng hoảng và nội chiến kéo dài.

Thứ ba, dân chủ không phụ thuộc vào chế độ một đảng hay đa đảng

Lịch sử hiện đại đã chứng minh, trình độ dân chủ không tỷ lệ thuận với với sự gia tăng số lượng đảng chính trị. Chẳng hạn Ácmênia có khoảng 40 đảng, Hà Lan có khoảng 25 đảng, Na Uy có 23 đảng… nhưng không thể kết luận Ácmênia dân chủ hơn Hà Lan, Na Uy. Hiện nay, trên thế giới có khoảng hơn 30 nước theo chế độ một đảng, như: Ăngtigoa, Arâp Xêút, Baren, Bênanh, Bôxnia, Bốtxoana, CuBa, Cômô, Fiji, Gămbia, Gana, Ghinê, Bítxao, Haiti, Hônđurat, Bờ Biển Ngà, Giamaica, Lào, Libi, Cộng Hoà Dân Chủ nhân dân Triều Tiên, Mônacô, Namibia, Ruanđa, Xômali, Tátgikixtan, Tôgô và Việt Nam… Trong các nước trên, chỉ có ba nước Triều Tiên, Lào, Việt Nam là do Đảng Cộng sản giữ vai trò cầm quyền. Điều đó nói lên: Thứ nhất, Chế độ chính trị do một đảng cầm quyền không phải là đặc điểm chỉ có ở các nước xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Thứ hai, không phải các nước theo chế độ một đảng không bảo đảm dân chủ.

Ngay trong chủ nghĩa tư bản, có những thời kỳ một số quốc gia, vùng lãnh thổ theo chế độ một đảng duy nhất cầm quyền vẫn đảm bảo dân chủ và phát triển mạnh mẽ. Như cuối những năm 1980, Xingapo, Hàn Quốc, Đài Loan… Vẫn theo chế độ một đảng duy nhất cầm quyền, nhưng vươn lên phát triển mạnh mẽ. Ngược lại, ở các nước đa đảng, dân chủ cũng không được thực hiện tốt.

Như vậy chúng ta thấy rằng, toàn bộ nội dung trong bài viết của Phạm Nhật Bình rõ ràng là sự vu cáo, bịa đặt, xuyên tạc 100%, xét về cả phương diện lý luận và thực tiễn. Bài viết của y, hòng lừa bịp, đánh tráo quan niệm và gây tâm lý hoang mang, phá hoại niềm tin của quần chúng nhân dân vào sự nghiệp cách mạng do Đảng Cộng sản lãnh đạo và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà nhân dân ta đã lựa chọn./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét