Thứ Ba, 15 tháng 2, 2022

QUAN ĐIỂM SAI LẦM VỀ LÀM BÁO ĐỘC LẬP CỦA TẤN THÀNH!

 

Báo chí Việt Nam luôn thể hiện đầy đủ vai trò, chức năng thông tin, ngôn luận như báo chí thế giới, đồng thời vẫn đảm bảo giữ vững tính cách mạng, nguyên tắc, tự do dân chủ trong khuôn khổ pháp luật của Việt Nam. Thế nhưng, với góc nhìn thiển cận, Tấn Thành trong bài: “Làm báo độc lập là làm gì?” đăng trên Doithoaionline đã phản bác lại sự thật đó! Nguy hiểm hơn, Y còn đưa ra quan điểm sai lầm về làm báo độc lập và nhà báo độc lập! Thực chất Y cố tình cổ súy cho tính tự do vô chính phủ, tùy tiện và nhằm tách báo chí ra khỏi sự định hướng, quản lý của Đảng, Chính phủ Việt Nam. Tấn Thành và những kẻ như Y cần phải hiểu rõ là:

Thứ nhất, chất lượng của báo chí không phụ thuộc vào việc làm báo độc lập như Tấn Thành quan niệm! Báo chí với tư cách là phương tiện chính trị – văn hóa – tư tưởng, cho dù công nghệ và hình thức báo chí có thay đổi đến đâu thì chất lượng của báo chí vẫn chủ yếu được quyết định bởi trí tuệ, tài năng, nghiệp vụ, đạo đức của người làm báo; mục đích, tôn chỉ, nguyên tắc, quy định làm báo của tổ chức, cơ quan báo chí. Bên cạnh đó, để báo chí phát huy tốt vai trò tuyên truyền, thông tin đúng góp phần ổn định xã hội thì cần phải có sự định hướng, quản lý, chỉ đạo nâng cao chất lượng báo chí của nhà nước. Điều này, cho thấy quan điểm của Tấn Thành về: “Báo chí chất lượng cao trước hết phải là báo chí độc lập” là không đúng và thiếu sức thuyết phục.

Sai lầm hơn, khi Y còn cho rằng hoạt động báo chí ở Việt Nam “hoàn toàn bị nhà nước điều khiển”; “kiểm duyệt”. Thực tiễn hoạt động báo chí ở tất cả các quốc gia đều chứng minh: sự giám định, kiểm duyệt và định hướng, quản lý báo chí của nhà nước là cần thiết. Theo Hiến pháp Mỹ thì Tòa án tối cao được phép đưa ra những trừng phạt pháp lý khi phát hiện báo chí có hành vi phá hoại, lăng nhục, vu khống, xúc xiểm nhà nước, xã hội và cá nhân. Hiến pháp Việt Nam cũng nêu rõ các quyền về sáng tạo văn học, nghệ thuật; tiếp cận các giá trị văn hóa, tham gia đời sống văn hóa, sử dụng và thụ hưởng lợi ích từ các hoạt động đó (Điều 40, Điều 41), Luật Báo chí Việt Nam đã quy định rất rõ về quyền tự do báo chí; chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn; tổ chức và hoạt động báo chí;quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia và có liên quan đến hoạt động báo chí; quản lý nhà nước về báo chí.

Như vậy, việc kiểm duyệt, quản lý, điều hành của nhà nước là duy trì hoạt động báo chí đúng nguyên tắc, tôn chỉ, mục đích và nâng cao chất lượng báo chí, định hướng hoạt động báo chí đúng vì lợi ích của quốc gia, dân tộc; phát hiện xử lý kịp thời các sai phạm trái với Hiến pháp, luật quy định và các hành vi lợi dụng báo chí làm mất ổn định an ninh, chính trị xã hội. Theo đó, hoạt động báo chí không thể tự do tùy tiện, độc lập như Tấn Thành đã quan niệm, vì tự do một cách vô nguyên tắc, xa rời khuôn khổ của pháp luật và sự định hướng, quản lý của nhà nước thì xã hội sẽ rối loạn về thông tin  bởi ai thích nói gì thì nói thành ra nói nhăng nói cuội, vu khống, bịa đặt.

Thứ hai, đã là nhà báo thì không thể tự do vô chính phủtùy tiện, muốn làm gì thì làm như Tấn Thành quan niệm về nhà báo độc lập. Báo chí cách mạng Việt Nam là một nền báo chí kiểu mới, do Đảng Cộng sản tổ chức, lãnh đạo, lấy chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng chính trị tư tưởng. Lý tưởng, mục tiêu, tôn chỉ cao nhất của báo chí cách mạng Việt Nam là góp phần vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, mang lại tự do, hạnh phúc cho nhân dân; xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước theo hướng xã hội chủ nghĩa. Từ mục đích, tôn chỉ đó, báo chí cách mạng Việt Nam có lập trường chính trị kiên định, tính chiến đấu cao và người làm báo cách mạng là người hoạt động cách mạng. Người làm báo cách mạng tự do, độc lập làm báo nhưng trong khuôn khổ pháp luật và được pháp luật tôn trọng, bảo vệ cũng như sẽ bị xử lý nếu đi ngược lại với tôn chỉ, đạo đức nghề làm báo, làm tổn hại đến lợi ích của nhân dân, gây mất ổn định, trật tự an ninh xã hội.

Chính Tấn Thành đã thừa nhận để trở thành một nhà báo độc lập cần: “tự thiết kế lịch làm việc của mình”, “làm việc một mình, tự mình tìm chủ đề, tự mình quyết định cách viết, tự mình chuẩn bị một chuyến phỏng vấn” nhưng đây không phải là quan niệm mới và không thể như Y khẳng định về sự hấp dẫn khi làm báo độc lập “có điều chắc chắn là bạn sẽ không phải chịu sự kiểm duyệt của chính quyền”. Bởi lẽ, những liệt kê trên là yêu cầu đã có từ lâu và là công việc bình thường, sơ đẳng của những người làm báo, đồng thời người làm báo càng phải tuân thủ nguyên tắc, tôn chỉ, nghiệp vụ, mục đích làm báo.

Ở Việt Nam, từ khi báo chí cách mạng ra đời (21/6/1925), đã luôn đồng hành cùng sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xứng đáng là đội quân xung kích trên mặt trận tư tưởng, văn hoá của Đảng và Nhà nước; đồng thời là vũ khí sắc bén chống lại các thế lực thù địch của cách mạng, đấu tranh chống tiêu cực bảo vệ lợi ích của nhân dân. Kết quả đó, khẳng định những quan điểm về làm báo độc lập và nhà báo độc lập của Tấn Thành là sai lầm. Mỗi người dân Việt Nam cần nêu cao cảnh giác trước một số người sử dụng mạng xã hội cũng như những hình thức thông tin khác để cổ súy cho tự do vô chính phủ, tùy tiện, vô nguyên tắc và tiếp tục đấu tranh chống luận điệu lệch lạc về làm báo độc lập như Tấn Thành đã đăng tải./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét