Thứ Ba, 16 tháng 8, 2022

Giọng điệu xuyên tạc, chống phá của Lý Trần

 

Vừa qua, trên không gian mạng xuất hiện bài viết của Lý Trần với tựa đề: “Loa phường: Đảng CSVN vẫn kiên định chính sách ngu dân”. Trong bài viết đó, Lý Trần đã vu khống, xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta trên lĩnh vực văn hóa, truyền thông, nhưng thực tế đã bác bỏ những luận điệu đó, bởi lẽ:

Trong những năm qua, quyền được tiếp cận thông tin của người dân đã được ghi nhận trong hệ thống pháp luật Việt Nam, cụ thể như Hiến pháp năm 1992 quy định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, có quyền được thông tin theo quy định của pháp luật” (Điều 69). Đến Hiến pháp năm 2013 quyền tiếp cận thông tin của công dân được quy định một cách chủ động thay vì quy định quyền được thông tin của công dân như trong Hiến pháp năm 1992. Tại Điều 25 Hiến pháp 2013 quy định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Đồng thời, lần đầu tiên, Hiến pháp năm 2013 đã hiến định các nguyên tắc thực hiện quyền con người, quyền công dân trong đó có quyền tiếp cận thông tin. Cụ thể hóa quy định của Hiến pháp, thực hiện chủ trương của Đảng, đồng thời nội luật hóa một số quy định trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, nhiều văn bản pháp luật và văn bản dưới luật đã được ban hành quy định về quyền được thông tin và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc cung cấp thông tin do cơ quan nhà nước tạo ra và nắm giữ.

Lý Trần cố tình lờ đi sự thật là hệ thống thông tin, truyền thông, báo chí, mạng xã hội… ở Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ trong suốt hàng chục năm qua và thực sự bùng nổ trong những năm gần đây với hàng chục triệu người dùng internet qua các thiết bị máy tính, điện thoại di động, ti vi thông minh có kết nối internet. Các nguồn thông tin đa chiều cả ở trong nước và trên thế giới đều được cung cấp đến người dân. Người dân có thể tiếp cận các thông tin từ kinh tế, đến chính trị, văn hóa, thể thao… từ các kênh truyền hình, phát thanh, báo in, trang web, mạng xã hội … mang tính toàn cầu cũng như các nguồn thông tin từ trong nước, trong đó “loa phường” cũng là một hình thức nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin của người dân. Do đó, ở Việt Nam không hề có cái gọi là kiểu truyền thông một chiều, “nhồi sọ” xuất phát từ “tuyên giáo cộng sản” như Lý Trần bịa đặt ra.

Tuy nhiên, quyền tự do tiếp cận và truyền bá thông tin của người dân phải tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật. Ở đây, chúng ta thấy sự vi phạm pháp luật rõ ràng của Lý Trần khi Y đã bịa đặt, vu khống, chống phá Nhà nước. Đã có nhiều trường hợp tuyên truyền chống phá Nhà nước bị xử lý, thậm chí khởi tố, xử tù được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tại Điều 117 Bộ luật hình sự năm 2015, luật sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định rất rõ về tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam như sau: “Người nào có một trong những hành vi sau đây nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:a) Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân;b) Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân;c) Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm gây chiến tranh tâm lý”.

Như vậy, có thể thấy luận điệu xuyên tạc của Lý Trần về “loa phường” không ngoài mục đích nhằm bôi nhọ, chống phá Đảng, Nhà nước. Do đó, mỗi người dân cần nêu cao cảnh giác, kiên quyết vạch trần và đấu tranh bác bỏ./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét