Thứ Ba, 23 tháng 8, 2022

KHÁT VỌNG HÙNG CƯỜNG

          Kết thúc năm 2021, GDP của Việt Nam tăng khoảng 2,58%. Trước đó, sau khi nới lỏng các biện pháp phòng dịch và kiềm chế được dịch bệnh, GDP quý IV/2021 ước tính tăng 5,22%, tuy cao hơn tốc độ tăng 4,61% của năm 2020 nhưng thấp hơn tốc độ tăng của quý IV các năm 2011 - 2019. Dù mức tăng trưởng đó thấp hơn chỉ tiêu nhưng trong bối cảnh nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội trong nhiều tháng liền, một số “đầu tàu kinh tế” bị tăng trưởng âm, thì tăng trưởng này vẫn là một tín hiệu tích cực.

Tuy nhiên, từ thực tế đó, có một số người đã “tranh thủ” công kích, phê phán năng lực lãnh đạo, điều hành của Đảng, Chính phủ và mai mỉa, giễu cợt các định hướng lớn về phát triển đất nước được đặt ra tại Đại hội XIII của Đảng. Chẳng hạn, Đài Á châu Tự do (RFA) cho rằng, sau một năm nhìn lại, tình hình kinh tế - xã hội, trái lại, có phần ảm đạm hơn, những khó khăn và thách thức vẫn rất lớn cho những năm sắp tới của nhiệm kỳ 2021 - 2026 cũng như chiến lược phát triển... Thái độ này thực ra rất bình thường đối với một cơ quan truyền thông cực kỳ thành kiến với Việt Nam. Dẫu vậy, vẫn có một số người nhẹ dạ và nhân đó tỏ ra hoài nghi về các mục tiêu phát triển đất nước trong thời gian tới.

Chúng ta đều nhớ rằng, Đại hội XIII của Đảng đã đề ra mục tiêu phát triển tổng quát của đất nước là “phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI nước ta trở thành một nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Đại hội cũng xác định rõ: “Trên nguyên tắc bảo đảm tính khoa học và thực tiễn; kế thừa và bổ sung phù hợp với những thay đổi trong từng giai đoạn phát triển của đất nước; đồng thời nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm của các nước và những chuẩn mực phát triển chung của thế giới, chúng ta xác định các mục tiêu cụ thể không chỉ trong nhiệm kỳ khóa XIII mà hướng tới những dấu mốc phát triển quan trọng của đất nước ta trong những thập niên sắp tới, như: Đến năm 2025, là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030: Là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Các cột mốc 2030 gắn liền với kỷ niệm 100 năm ra đời của Đảng, còn mốc 2045 là tròn 100 năm thành lập nước. Định hướng này rõ ràng là có tầm chiến lược và mang tính phấn đấu rất cao. Chính văn kiện Đại hội cũng nêu rõ: “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại”. Tức là mục tiêu đó là một chỉ dẫn quan trọng, cần được sự đồng lòng, chung tay, góp sức của tất cả mọi người Việt Nam, ở trong nước cũng như ở ngoài nước, tất cả cán bộ, đảng viên, dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Như vậy, mục tiêu luôn là một định hướng để người ta có thể đi xa, bởi khi đó người ta biết rằng mình đi về phía nào và từ đó có thể chuẩn bị đi bằng phương tiện gì. Dù đối với từng cá nhân, tổ chức hay một đất nước, một dân tộc, mục tiêu với những định hướng rõ ràng, cụ thể vẫn luôn có ý nghĩa dẫn dắt, thúc đẩy sự phấn đấu tích cực nhằm đạt đến cái đích đó (để rồi tiếp tục có những cái đích khác theo những điều kiện cụ thể).

Do đó, những mục tiêu ở các cột mốc năm 2025, 2030, 2045 hoàn toàn không phải đặt ra cho có hoặc để làm đẹp văn kiện mà chính là ý chí của Đảng nhằm vươn tới những mục tiêu tốt đẹp cho nhân dân, cho dân tộc, cho đất nước. Ý chí đó cũng không phải mang tính chủ quan của Đảng hay của Ban Chấp hành Trung ương mà chính là nguyện vọng, mong mỏi của mọi người Việt Nam, của toàn dân tộc, đồng thời căn cứ vào những tính toán mang tính khoa học với rất nhiều thông số đã có, như dân số, tài nguyên, khả năng tăng trưởng qua các năm, tiềm lực quốc gia, sự ổn định chính trị - xã hội, xu hướng vận động của đất nước và của thế giới… Và, các định hướng này cũng hoàn toàn phù hợp dự báo của các tổ chức quốc tế, vốn cho rằng Việt Nam sẽ trở thành một nước phát triển và nằm trong nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới vào giữa thế kỷ này.

Năm 2021, Việt Nam với GDP khoảng 400 tỷ USD, đứng thứ 41 trong số các nền kinh tế của thế giới. Quy mô kinh tế đó dĩ nhiên vẫn còn rất khiêm tốn (chỉ chiếm 0,4% tổng GDP toàn cầu) và vẫn là nước đang phát triển, có thu nhập trung bình thấp. Dẫu vậy, đó vẫn là sự tiến bộ vượt bậc ở một đất nước chỉ thực sự tập trung cho phát triển kinh tế trong hơn 35 năm, sau hơn 40 năm bị xâm lược và phải chiến đấu kiên cường với rất nhiều tổn thất, hy sinh. Ở thời điểm khi vừa thành lập nước, năm 1945, cái tên Việt Nam thậm chí còn chưa xuất hiện trên bản đồ thế giới, vốn vẫn được gọi bằng những cái tên do kẻ thống trị đặt hoặc bằng cách gán ghép với những quốc gia khác…

Nhưng hiện nay, vị thế của Việt Nam đã hoàn toàn khác. Không chỉ có sự tiến bộ vượt bậc về kinh tế và các yếu tố liên quan đến chất lượng sống của người dân mà còn vị thế, vai trò của đất nước trên trường quốc tế. Những điều đó đã minh chứng đường lối lãnh đạo đất nước của Đảng ta là đúng đắn, đồng thời khẳng định những mục tiêu từ nay đến năm 2045 là phù hợp thực tiễn và xu hướng phát triển của đất nước, chứ hoàn toàn không phải là viển vông hay ảo tưởng.

Tình hình đất nước năm 2021 cực kỳ khó khăn không phải hoàn toàn bất ngờ mà đã được dự báo từ trước. Đại hội XIII đã xác định: “Kinh tế thế giới lâm vào khủng hoảng, suy thoái nghiêm trọng và có thể còn kéo dài do tác động của đại dịch Covid-19”; đồng thời “Nền kinh tế phát triển chưa bền vững, còn nhiều hạn chế, yếu kém, đứng trước nhiều khó khăn, thách thức mới do tác động của đại dịch Covid-19 và khủng hoảng kinh tế toàn cầu gây ra”. Và cũng vì không bất ngờ nên Ban Chấp hành Trung ương, Quốc hội, Chính phủ đã thống nhất không điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng để thể hiện sự quyết tâm hoàn thành các mục tiêu đã được đề ra trong nhiệm kỳ.

Năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII đã có những thử thách lớn lao chắc chắn sẽ thúc đẩy những năm còn lại phải nỗ lực nhiều hơn, phấn đấu cao hơn, quyết tâm lớn hơn. Điều đó cũng có nghĩa là toàn Đảng, toàn quân, toàn dân phải tự mình đặt các mục tiêu cao hơn, đồng thời thực hiện các nhiệm vụ có hiệu quả hơn để góp phần bù đắp lại những thiếu hụt, tổn thất do dịch bệnh gây ra trong năm 2021. Tinh thần “mỗi người làm việc bằng hai” như trong kháng chiến chống Mỹ giờ đây cần được khơi gợi, thúc đẩy để từng người trong vai trò, vị trí của mình đều phải thực sự cố gắng và có được kết quả như mong muốn.

Do đó, chúng ta phải cùng thống nhất một nhận thức rằng: Khát vọng hùng cường là phù hợp ý nguyện của mọi người Việt Nam… Vì vậy, đã có khó khăn thì chúng ta càng cần phấn đấu chứ không nên nghe theo những lời “bàn ra”. Và, càng có nhiều thử thách thì chúng ta càng kết đoàn, bền chí, như đúng cách mà cha ông ta đã thể hiện…

Đ.H

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét