Chủ Nhật, 25 tháng 12, 2022

Sự xuyên tạc của Kỷ Nguyên về đội ngũ trí thức ở Việt Nam

 

Trong thời gian qua, các thế lực thù địch, phản động thường tán phát những tài liệu bịa đặt, xuyên tạc, nhằm hướng lái dư luận nhận thức sai lệch về vai trò của đội ngũ trí thức nhằm phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, chống phá cách mạng. Bài viết “Tâm hồn của trí thức và vận mệnh dân tộc” của Kỷ Nguyên là một trong số đó.

Bài viết cho rằng, “trong lịch sử của các dân tộc, trí thức luôn là lực lượng lãnh đạo và quyết định vận mệnh của một quốc gia”. Đảng Cộng sản Việt Nam ngay từ năm 1945 đã “khiến những người yêu nước lúc đó không những đã ít do các đợt tàn sát của Đảng cộng sản mà còn không thể tập hợp lại với nhau”. Từ đó đến nay, đội ngũ trí thức ở nước ta vì tham vọng cá nhân mà “sâu thẳm trong tâm hồn của họ, cái danh là cao nhất, trên cả quốc gia và dân tộc”. Kỷ Nguyên “lo lắng” khi “chính quyền cộng sản sụp đổ” ở Việt Nam thì xã hội sẽ “hỗn loạn”, cần có đội ngũ trí thức chính trị mới để thay thế “những người cộng sản vừa thiếu hiểu biết, vừa thiển cận, vừa không có lòng yêu nước”. Họ phải có “lý tưởng”, hệ “tư tưởng” riêng, đó là “Kỷ nguyên dân chủ đa nguyên”.

Đây hoàn toàn là những luận điệu bịa đặt, xuyên tạc, không có căn cứ, trái ngược với thực tiễn về đội ngũ trí thức và vai trò của đội ngũ này trong sự nghiệp cách mạng ở nước ta.

Lịch sử phát triển của xã hội loài người là sự thay thế nhau của các hình thái kinh tế – xã hội thông qua các cuộc cách mạng. Trong đó, giai cấp giữ vị trí trung tâm của xã hội có vai trò lãnh đạo. Trí thức chỉ là một đội ngũ xã hội đặc biệt, không tồn tại với tư cách là một giai cấp. Từ vị trí của mình trong phân công lao động xã hội, trí thức không có quan hệ riêng và trực tiếp với sở hữu tư liệu sản xuất, không giữ vị trí độc lập trong hệ thống sản xuất, các dấu hiệu quan trọng nhất để xác định giai cấp; do đó, họ không có khả năng đại biểu cho phương thức sản xuất nào, cho nên họ không phải là một lực lượng kinh tế, chính trị độc lập trước các giai cấp và tầng lớp xã hội khác. Trí thức cũng không có hệ tư tưởng độc lập mà luôn gắn với những giai cấp nhất định, với tư cách là một đội ngũ và ở trong một thể chế chính trị cụ thể, trí thức nói chung là của giai cấp thống trị do hệ thống giáo dục và đường lối đào tạo của Nhà nước của giai cấp thống trị ấy tạo ra. Đội ngũ này tự giác hoặc không tự giác phục vụ cho chế độ và giai cấp thống trị. Trí thức không đại diện cho lợi ích nhiều giai – tầng xã hội. Quá trình đấu tranh giai cấp và tác động nhiều mặt về lợi ích đã làm cho trí thức phân hóa thành những bộ phận khác nhau; những bộ phận khác nhau đó sẽ ngã theo lực lượng này hay lực lượng khác, giai cấp này hay giai cấp khác.

Thực tế lịch sử đã chứng minh, trí thức chưa bao giờ thay thế một giai cấp để lãnh đạo một cuộc cách mạng xã hội nhằm thay thế chế độ xã hội này bằng chế độ xã hội khác.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, trí thức Việt Nam là một lực lượng quan trọng của cách mạng, luôn xung kích đi đầu trên mặt trận khoa học – công nghệ và văn hoá.

Trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược, trí thức Việt Nam, bằng công sức và trí tuệ của mình, cùng với khối liên minh công nông đã góp phần thúc đẩy cuộc kháng chiến đi đến thắng lợi, thu non sông về một mối, thống nhất đất nước. Hàng loạt những học sinh, sinh viên yêu nước, giác ngộ cách mạng đã trở thành cán bộ, đảng viên, giữ vị trí quan trọng trong bộ máy Đảng, Nhà nước trong quá trình cách mạng giải phóng dân tộc như: Trần Phú, Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Đức Cảnh, Lê Duẩn, Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Tố Hữu…. Nhiều trí thức trưởng thành trong nước hay từ nước ngoài trở về như: Hồ Đắc Di, Đặng Văn Ngữ, Tạ Quang Bửu, Phạm Ngọc Thạch, Huỳnh Tấn Phát, Nghiêm Xuân Yêm, Trần Đại Nghĩa, Lương Định Của, Tôn Thất Tùng, Phạm Huy Thông, Trần Duy Hưng, Đặng Thai Mai, Nguyễn Đình Thi, Xuân Diệu … đã đi theo cách mạng ngay từ những ngày đầu độc lập, sẵn sàng chịu đựng những thử thách khó khăn, gian khổ, hy sinh trong kháng chiến chống thực dân, đế quốc, đóng góp tài năng, trí tuệ cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do cho đất nước.

Trong thời kỳ đổi mới, Đảng ta luôn nhất quán khẳng định tầm quan trọng của đội ngũ trí thức, có các chủ trương, chính sách phù hợp. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Xây dựng đội ngũ trí thức ngày càng lớn mạnh, có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới”.

Nhờ có các chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước, đã tạo ra những chuyển biến rất tích cực, góp phần tạo động lực cho sự phát triển của đội ngũ trí thức, để họ đóng góp tốt hơn cho quá trình đổi mới, phát triển đất nước. Những năm qua, đội ngũ trí thức trực tiếp tham mưu, góp ý, phản biện vào những quyết sách lớn của Đảng và Nhà nước, góp phần xây dựng và hoàn thiện chủ trương, đường lối, chính sách, hoạch định các chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của Đảng và chính quyền các cấp từ Trung ương đến cơ sở.

Từ những luận giải trên cho thấy, đội ngũ trí thức ở nước ta luôn gắn bó chặt chẽ với vận mệnh dân tộc, vì nước, vì dân chứ hoàn toàn không phải vì tham vọng cá nhân, đứng trên lợi ích quốc gia dân tộc. Từ khi có Đảng lãnh đạo, đội ngũ trí thức luôn được quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi để cống hiến cho nhân dân, đất nước chứ không hề bị “tàn sát” để rồi thiếu hiểu biết, thiển cận, không có lòng yêu nước. Chúng ta tự hào vì có những “nguyên khí quốc gia” luôn đồng hành cùng dân tộc, vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng. Chúng ta không cần và trừng trị nghiêm minh với thứ trí thức “rởm”, đội lốt “Việt gian” (mà các thế lực thù địch, phản động thường tung hô là những anh hùng, nhân sĩ, trí thức đấu tranh cho chủ nghĩa đa nguyên) vì tư lợi, bất mãn mà làm trái với luân thường đạo lý, đi ngược lại với nguyện vọng chung của dân tộc, phản nước, hại dân. Đồng thời, đây là cơ sở bác bỏ luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động về vai trò của đội ngũ trí thức trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét