Thứ Hai, 19 tháng 12, 2022

T.K. Trần mới đích thực là kẻ “Treo đầu dê, bán thịt chó”

 

Trên trang “Baotiengdan”, T.K.Trần đăng bài viết: Luật “Thực hiện dân chủ ở cơ sở” có là bước đột phá, đem lại dân chủ thật sự?”. Trong bài viết Y đã đưa ra những luận điệu cho rằng: “Thực hiện dân chủ” = “Treo đầu dê, bán thịt chó” nhằm tạo sự hoài nghi, làm giảm sút lòng tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, những minh chứng sau đây đã bác bỏ luận điệu xuyên tạc của y.

Thứ nhất, tự do ngôn luận, tự do báo chí là những quyền cơ bản của con người đã được Việt Nam cam kết thực hiện theo những nguyên tắc chung của Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền. Không phải như lời lẽ xuyên tạc, vu khống một cách trắng trợn của T.K.Tran là, “người dân không được thông tin về mọi sự, dù chỉ ở phạm vi làng xã”, và “thông tin được sàng lọc, giấu giếm”.

Cộng đồng quốc tế đều biết, ngay sau khi Nhà nước Việt Nam được thành lập, Việt Nam đã sớm tham gia, ký kết các điều ước quốc tế về bảo đảm các quyền cơ bản của con người và quyền công dân, trong đó có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí. Bản Hiến pháp đầu tiên của Nhà nước Việt Nam, được Quốc hội thông qua ngày 9/11/1946 đã hiến định tại Điều thứ 10: “Công dân Việt Nam có quyền: Tự do ngôn luận; tự do xuất bản; tự do tổ chức và hội họp; tự do tín ngưỡng; tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài”. Những quyền cơ bản này đã được hiến định xuyên suốt trong các bản hiến pháp của Việt Nam và tiếp tục được hiến định tại Điều 25 Hiến pháp năm 2013: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình…”. Để bảo đảm, phát huy quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, năm 2016, Quốc hội Việt Nam đã ban hành “Luật Tiếp cận thông tin” và “Luật Báo chí”. Trong đó, Điều 3, Luật Tiếp cận thông tin quy định: “Mọi công dân đều bình đẳng, không bị phân biệt đối xử trong việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin; thông tin được cung cấp phải chính xác, đầy đủ; việc cung cấp thông tin phải kịp thời, minh bạch, thuận lợi cho công dân; Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để người khuyết tật, người sinh sống ở khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn thực hiện quyền tiếp cận thông tin”. Điều 10 của luật này cũng quy định công dân có quyền tự do tiếp cận thông tin được cơ quan nhà nước công khai, đồng thời được yêu cầu cơ quan nhà nước cung cấp thông tin.

Về quyền tự do ngôn luận trên báo chí được quy định tại Điều 11, Luật Báo chí năm 2016 đó là: “Phát biểu ý kiến về tình hình đất nước và thế giới; tham gia ý kiến xây dựng và thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; góp ý kiến, phê bình, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên báo chí đối với các tổ chức và cá nhân”. Đặc biệt, Điều 13 luật này nêu rõ: “Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí và để báo chí phát huy đúng vai trò của mình; báo chí, nhà báo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ. Không ai được lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân; báo chí không bị kiểm duyệt trước khi in, truyền dẫn và phát sóng”.

Thứ hai, xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền lực thực sự thuộc về nhân dân là một nhiệm vụ trọng yếu, là mục tiêu của cách mạng Việt Nam.

Ngay từ khi thành lập, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn đề cao dân chủ; vấn đề dân chủ đã được thể hiện trong các Văn kiện của Đảng, được hiến định trong Hiến pháp và thể chế trong các văn bản pháp luật của Nhà nước Việt Nam. Điều 2, Hiến pháp năm 2013 quy định: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức”; điều đó đã thể hiện nhất quán quan điểm của Đảng và Nhà nước Việt Nam về đề cao quyền làm chủ của Nhân dân trong Hiến pháp là bảo đảm tự do, dân chủ, nhân quyền. Mới nhất, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII nhấn mạnh, phải kiên trì thực hiện phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Để nâng cao chất lượng thực hiện dân chủ, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định cần phải: “Thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ và vai trò chủ thể của nhân dân”; “Thực hiện đúng đắn, hiệu quả dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, nhất là dân chủ ở cơ sở. Chống các biểu hiện dân chủ cực đoan, dân chủ hình thức”.

Để phát huy quyền tự do, dân chủ của Nhân dân, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã thực hiện nhiều nội dung như: lấy ý kiến của người dân trong xây dựng đường lối, chính sách, pháp luật, hương ước, quy ước, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền; truyền hình trực tiếp các phiên chất vấn trong các kỳ họp của Quốc hội; thực hiện đối thoại, tiếp xúc cử tri của các đại biểu Quốc hội…

Những nội dung trên là minh chứng rõ nét để chúng ta phản bác lại những luận điệu chống phá của  T.K.Tran và cho thấy chính T.K.Tran mới đích thực là kẻ “treo đầu dê, bán thịt chó”. Vì vậy, mỗi người dân cần tỉnh táo, đề cao cảnh giác, vạch trần và kiên quyết đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của Y và đồng bọn./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét