Thứ Tư, 3 tháng 5, 2023

Đập tan luận điệu sai trái về sở hữu đất đai ở Việt Nam hiện nay

 

Mới đây, trang Bureau CTM Media – Âu Châu đã đăng tải bài viết “Góp ý bảo vệ “quyền cướp đất””.  Nội dung đưa ra các quan điểm sai trái, phủ nhận sạch trơn giá trị của việc đất đai thuộc sở hữu toàn dân và xuyên tạc rằng: Đảng CSVN tiếp tục móc túi dân “tung tiền sửa luật”, “gia cố, tăng cường cho quyền cướp đất”; Họ cho rằng để chống tham nhũng, tiêu cực, để thúc đẩy phát triển kinh tế Việt Nam phải thừa nhận sở hữu tư nhân về đất đai hoặc thừa nhận chế độ đa sở hữu đất đai. Có thể thấy, đồng nhất sở hữu toàn dân về đất đai với thực trạng tham nhũng, tiêu cực có liên quan tới đất đai là không đúng bản chất của vấn đề, chỉ lừa phỉnh được những người thiếu hiểu biết. Đây là âm mưu tuy không mới nhưng rất nguy hiểm, chúng ta phải hết sức cảnh giác.

Sở hữu toàn dân về đất đai không đồng nhất với sở hữu Nhà nước về đất đai. Sở hữu toàn dân về đất đai phải được hiểu là đất đai không thuộc sở hữu của riêng ai, toàn thể nhân dân là chủ sở hữu đối với đất đai, Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và được giao nhiệm vụ thống nhất quản lý.

Việc quy định Nhà nước ở nước ta là đại diện chủ sở hữu đất đai và thống nhất quản lý xuất phát từ bản chất của Nhà nước là Nhà nước xã hội chủ nghĩa, Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Mọi tài sản, tư liệu sản xuất do Nhà nước đại diện cho dân là chủ sở hữu đều được sử dụng vào mục đích phục vụ lợi ích chung của toàn thể nhân dân. Thực hiện sở hữu toàn dân về đất đai không làm hạn chế đến quyền của tổ chức, cá nhân sử dụng đất. Luật Đất đai và các văn bản pháp luật liên quan đã trao cho người dân khá nhiều quyền: sử dụng (theo quy hoạch chung của Nhà nước), chuyển đổi, chuyển nhượng, thế chấp vay vốn, thừa kế, góp vốn… Về cơ bản người dân đã có gần hết quyền của chủ sở hữu cho phép họ đầu tư, sử dụng đất hiệu quả theo năng lực của họ.

Trong điều kiện nước ta, nếu việc thiết lập chế độ sở hữu tư nhân về đất đai là một yếu tố cản trở đầu tư cho phát triển kinh tế-xã hội. Bởi vì, trong chế độ sở hữu tư nhân đất đai, không ai có quyền ngăn cản người chủ đất sử dụng đất theo ý họ, vì đất là tài sản riêng của họ. Lý do này còn khiến đất đai có xu hướng được sử dụng không hiệu quả, chỉ bảo vệ lợi ích của chủ đất mà không quan tâm tới lợi ích sinh tồn của phần lớn dân cư, khi cần xây dựng những công trình công cộng thì sở hữu tư nhân về đất đai sẽ gây ra những trở lực lớn. Nếu thừa nhận sở hữu tư nhân đất đai hoặc đa sở hữu về đất đai, sẽ diễn ra các cuộc tranh chấp đòi lại quyền sở hữu nhà, đất trong quá khứ mà không cần tính đến các yếu tố lịch sử và hiện trạng, như vậy xã hội dễ lâm vào tình trạng bất ổn.

Trong thời gian qua, ở nước ta nảy sinh một số tiêu cực, hạn chế trong quản lý, sử dụng đất đai, song những hạn chế, tiêu cực đó không phải do bản chất của sở hữu toàn dân về đất đai gây ra. Những hạn chế, tiêu cực đó một mặt, do sự yếu kém trong quản lý đất đai của Nhà nước ta, chính sách đất đai thay đổi qua nhiều thời kỳ, đến nay, chủ trương, chính sách, pháp luật về đất đai còn một số nội dung chưa đủ rõ, chưa phù hợp; tổ chức bộ máy, năng lực đội ngũ cán bộ về quản lý đất đai còn không ít hạn chế, yếu kém, một bộ phận còn lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi, tham nhũng; mặt khác, do nước ta trải qua nhiều thời kỳ, giai đoạn lịch sử khác nhau, đất đai có nguồn gốc rất phức tạp. Từ thực trạng đó, Luật Đất đai sửa đổi đã có những điều chỉnh, bổ sung để việc quản lý, sử dụng đất đai chặt chẽ, hiệu quả hơn, hạn chế nảy sinh những tiêu cực.

Sở hữu toàn dân về đất đai tạo điều kiện để Nhà nước xã hội chủ nghĩa bảo vệ lợi ích của người dân tốt nhất. Những sai lầm và thiếu sót của cơ quan nhà nước thời gian qua trong lĩnh vực đất đai không phải là bản chất của Nhà nước xã hội chủ nghĩa và có thể sửa chữa được. Việc quy định đất đai là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý theo quy định của pháp luật là sự cần thiết và đúng đắn, bảo đảm sự thống nhất lợi ích của người dân và lợi ích quốc gia. Vì thế, cần tỉnh táo nhận thức rõ mưu đồ của kẻ xấu xuyên tạc chính sách đất đai của Đảng, Nhà nước ta hòng kích động, gây bất ổn môi trường chính trị – xã hội của đất nước. Từ đó, các cơ quan, bộ, ngành, đơn vị, địa phương cần vận động nhân dân kịp thời nhận diện, đấu tranh với những quan điểm sai trái, thù địch./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét