Chủ Nhật, 14 tháng 5, 2023

Cần nhận thức đúng về lấy phiếu tín nhiệm

 

Lấy phiếu tín nhiệm là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta, nhằm giúp người được lấy phiếu tín nhiệm thấy được mức độ tín nhiệm của mình để phấn đấu, rèn luyện, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động; làm cơ sở để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét đánh giá cán bộ. Sự thật rõ ràng, rành mạch như vậy nhưng những phần tử phản động vẫn cố tình xuyên tạc nhằm chống phá Đảng và Nhà nước.

Trên trang “Vietnamthoibao”, kẻ tự xưng Nguyễn Nam bịa đặt ra cái gọi là: “Lấy phiếu tín nhiệm để phe nhóm có cớ trị nhau?” Hay “Luật hóa việc phe nhóm triệt nhau?” gây nghi ngờ, hoang mang trong dư luận xã hội vào một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Trước những việc làm sai trái, thiếu thiện chí của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên và người dân cần hết sức cảnh giác, nhận diện chính xác bộ mặt thật của chúng, kiên quyết đấu tranh bác bỏ những luận điệu chống phá Đảng và Nhà nước ta của Nguyễn Nam.

Như chúng ta đã biết, hoạt động lấy phiếu tín nhiệm nhằm tăng cường hiệu quả giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; qua đó, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước. Việc lấy phiếu tín nhiệm giúp những người được lấy phiếu thấy được mức độ tín nhiệm của mình để có phương hướng khắc phục khuyết điểm, thiếu sót, tiếp tục phấn đấu, rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, nâng cao bản lĩnh dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, phát huy tối đa năng lực và nhiệt huyết để cống hiến, nâng cao hiệu quả công việc, chứ hoàn toàn không có “phe nhóm” nào hết, càng không có chuyện “trị nhau” như Nguyễn Nam cố tình bịa đặt.

Đối với đội ngũ cán bộ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn chăm lo đào tạo, bồi dưỡng; khách quan, công tâm, thận trọng vì sự trưởng thành, tiến bộ của đội ngũ cán bộ; những người mắc phải sai lầm khuyết điểm, Tổng Bí thư luôn đối xử nhân văn, độ lượng, nhân ái, chân tình, có sức cảm hóa, thuyết phục cao, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ. Tổng Bí thư đã rất trăn trở khi cho rằng: Lấy phiếu tín nhiệm không phải cốt là truy trách nhiệm hay thay đổi cán bộ ngay. Việc lấy phiếu có tính răn đe, ngăn ngừa, giáo dục, cảnh tỉnh là chính. Đương nhiên, ai thấp dưới 50% là phải xử lý rồi. Ta chẳng mong gì phải thay cán bộ. Sai rồi phải sửa, thấy rồi thì rút kinh nghiệm. Thế mới là nhân văn, là tốt.

Ngoài ra, trước sự đòi hỏi của thực tiễn, để xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, ngày 2-2-2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 96-QĐ/TW về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị. Quy định số 96-QĐ/TW có sự kế thừa Quy định số 262-QĐ/TW, đồng thời, cập nhật tình hình, thể hiện sự đồng bộ, liên thông với Quy định số 41-QĐ/TW về việc từ chức, miễn nhiệm cán bộ và Thông báo kết luận số 20-TB/TW về bố trí cán bộ sau khi bị kỷ luật mà có năng lực, uy tín giảm sút.

Quy định 96-QĐ/TW có sự phát triển mới đó là: Việc lấy phiếu tín nhiệm không còn đơn thuần là một trong những kênh thông tin tham khảo quan trọng cho việc đánh giá, bố trí sử dụng cán bộ như tại Quy định 262-QĐ/TW. Quy định 96-QĐ/TW xác định, những trường hợp có trên 50% nhưng dưới 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp thì cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ đưa ra khỏi quy hoạch các chức vụ cao hơn; xem xét cho thôi giữ chức vụ đang đảm nhiệm, bố trí công tác khác hoặc cho từ chức hoặc tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm theo quy định. Những trường hợp có từ 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp trở lên thì cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ thực hiện miễn nhiệm chức vụ đang đảm nhiệm và bố trí công tác khác (thấp hơn) mà không chờ đến hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm.

Như vậy, quy định của Đảng đã xác định rất cụ thể, rõ ràng, kết quả phiếu tín nhiệm được sử dụng để đánh giá cán bộ, làm cơ sở cho công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, miễn nhiệm và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ. Làm gì có chuyện “Lấy phiếu tín nhiệm để phe cánh có cớ trị nhau?” hay “Luật hóa việc phe nhóm triệt nhau?” như sự xuyên tạc, bịa đặt của Nguyễn Nam./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét