Chủ Nhật, 6 tháng 8, 2023

CẢNH GIÁC VỚI LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC NỀN DÂN CHỦ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA Ở VIỆT NAM HIỆN NAY

 

Tiếp tục với những chiêu bài mà các thế lực thù địch thường sử dụng là đưa các thông tin sai lệch về dân chủ nhằm xuyên tạc chế độ chính trị ở Việt Nam. Chúng cho rằng dưới sự cai trị của Đảng cộng sản, Việt Nam trở thành một xã hội phi dân chủ. Thực tế, các thế lực thù địch đang cố tình không hiểu và xuyên tạc tình hình dân chủ ở Việt Nam.

1. Dân chủ là một phạm trù lịch sử. Theo C. Mác và Ph.Ăng-ghen, dân chủ là phương tiện tất yếu để con người đạt tới tự do, giải phóng toàn diện những năng lực vốn có của mỗi cá nhân, tức quyền con người được bảo đảm và thực hiện đầy đủ. Đặc trưng cơ bản của dân chủ là tất cả các công dân đều có quyền tham dự vào đời sống chính trị, quyền lực cao nhất của đất nước thuộc về đại diện của nhân dân; mọi công dân đều có quyền bình đẳng trước pháp luật. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, dân chủ có nghĩa dân là chủ và người dân làm chủ. Đảng cộng sản Việt Nam khẳng định: dân chủ ở Việt Nam là dân chủ xã hội chủ nghĩa. Đây là bản chất của chế độ chính trị do Đảng lãnh đạo, dân chủ vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước. Dân chủ xã hội chủ nghĩa ở nước ta kết tinh toàn bộ những giá trị dân chủ đã đạt được trong lịch sử, vừa thể hiện những giá trị dân chủ đặc sắc truyền thống của dân tộc, vừa nảy sinh những giá trị dân chủ mới về chất, đây chính là biểu hiện quan điểm giá trị cốt lõi của chủ nghĩa xã hội, là nhân tố tạo nên sự đồng thuận, ổn định, phát triển của xã hội. Nội dung cốt lõi của dân chủ xã hội chủ nghĩa là tôn trọng, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, quyền làm chủ của nhân dân, gắn với trách nhiệm và nghĩa vụ công dân; được vận hành theo cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” bảo đảm tất cả quyền lực thuộc về nhân dân. Thực hiện đúng đắn, hiệu quả dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, đặc biệt là dân chủ ở cơ sở. Thực hiện tốt, có hiệu quả trên thực tế phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Dân chủ gắn liền với kỷ luật, kỷ cương và được thể chế hóa bằng pháp luật, được pháp luật bảo đảm. Việc thực hiện dân chủ không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, bất cứ ai vi phạm các quyền này đều bị xử lý theo quy định của pháp luật.

2. Thực tế chứng minh rằng, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa ngày nay, nếu không phát huy được dân chủ của nhân dân thì sẽ thất bại. Vì vậy, quá trình lãnh đạo phát triển kinh tế – xã hội, Đảng ta luôn quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc quan điểm “dân là gốc”; nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân; lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu, củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa. Thành quả hơn 35 năm đổi mới đã khẳng định, Đảng, Nhà nước đã ban hành và thực hiện có hiệu quả nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện ngày càng tốt hơn quyền làm chủ của nhân dân trong việc quyết định những vấn đề lớn và hệ trọng của đất nước.

Như vậy, dân chủ ở nước ta là chế độ dân chủ thực sự, không phải là dân chủ hình thức, cực đoan, vô chính phủ. Nói cách khác, dân chủ xã hội chủ nghĩa là nền dân chủ thấm nhuần đầy đủ, sâu sắc nhất tính pháp lý và tính nhân văn, không như luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, dân chủ xã hội chủ nghĩa đã được phát huy cao độ. Vì thế, chúng ta đã đạt được những thành tựu vô cùng quan trọng và thật đáng tự hào trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa – xã hội, giáo dục, y tế, quốc phòng, an ninh… được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Việt Nam được bạn bè thế giới mến phục, coi là biểu tượng của sự ổn định chính trị, đề cao dân chủ, giá trị, nhân nghĩa trong thế kỷ XXI. Ngày 11/10/2022, với 145 phiếu ủng hộ, Việt Nam là một trong 14 thành viên trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc. Đây là lần thứ hai Việt Nam trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, điều này khẳng định sự tiến bộ vượt bậc của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam nên các thế lực thù địch không thể phủ nhận, xuyên tạc./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét