Thứ Ba, 1 tháng 8, 2023

Ngày Thương binh liệt sĩ – Truyền thống hiếu nghĩa, “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam

 

Kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2023) – ngày cả nước thể hiện sự biết ơn và tình cảm sâu sắc đối với những người có công với cách mạng, những người đã hiến dâng tuổi thanh xuân, chiến đấu, hy sinh tính mạng và một phần xương máu của mình vì độc lập, tự do và thống nhất của Tổ quốc, vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của Nhân dân. Thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công là truyền thống hiếu nghĩa, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta; thể hiện lòng quý trọng và biết ơn của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đối với những người đã hi sinh, cống hiến vì độc lập, tự do và thống nhất của Tổ quốc, vì hạnh phúc của Nhân dân.

Việt Nam là một đất nước anh hùng! Hiếm quốc gia nào trên thế giới lại có nhiều anh hùng, liệt sĩ và bà mẹ anh hùng như Việt Nam. Khi đất nước lâm nguy, mọi người dân đất Việt luôn sẵn sàng đứng lên để bảo vệ Tổ quốc. Những con người bình thường bỗng hóa phi thường, sẵn sàng đánh đổi thanh xuân, hy sinh xương máu vì độc lập, tự do và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Đó là truyền thống quý báu được hun đúc, rèn luyện qua những thăng trầm lịch sử và được nối tiếp bởi lòng biết ơn của thế hệ hôm nay với những đóng góp, hy sinh của thế hệ đi trước. Trong Diễn văn tại Lễ kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 – 3/2/2020), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc ta đã chứng minh rằng, yêu nước và giữ nước, kiên quyết chống ngoại xâm, bảo vệ độc lập, chủ quyền và thống nhất đất nước là truyền thống cực kỳ quý báu của dân ta”, “đó là những truyền thống vẻ vang mà hôm nay chúng ta có trách nhiệm phải ra sức giữ gìn và phát huy”.

Đăc biệt, kể từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và đảm nhiệm sứ mệnh lãnh đạo cách mạng Việt Nam, theo tiếng gọi thiêng liêng vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hòa bình, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân, lớp lớp thế hệ đã lên đường, chung sức, đồng lòng “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Họ đã hi sinh cả mạng sống của mình cho độc lập, thống nhất của Tổ quốc. Để ghi nhớ sự hi sinh đó, ngày 16-2-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 20/SL ban hành chế độ hưu bổng thương tật và tiền tuất tử sĩ, đồng thời đồng ý với đề xuất chọn ngày 27-7 hằng năm là Ngày Thương binh toàn quốc, là dịp tôn vinh công ơn các Anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh và những người có công với cách mạng.

Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, mặc dù đất nước còn gặp nhiều khó khăn, nhưng Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng lãnh đạo, chỉ đạo công tác thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng. Từ năm 1947 đến nay, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng đã được xây dựng, ban hành tương đối toàn diện, đầy đủ và kịp thời; được ghi trong Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và được chế định thành các văn bản, như Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” cùng nhiều chính sách ưu đãi khác; đã thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước thành cơ sở pháp lý cho việc triển khai thực hiện đồng bộ các chính sách, chế độ ưu đãi đối với người có công và thân nhân. Đồng thời, các chính sách ưu đãi người có công được cả hệ thống chính trị triển khai đồng bộ, toàn diện, xuyên suốt từ Trung ương đến cơ sở; chế độ, chính sách đối với người có công được mở rộng về đối tượng thụ hưởng với mức trợ cấp được nâng lên hằng năm theo điều kiện kinh tế của đất nước, đặc biệt là vấn đề giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận thương binh, liệt sĩ tại các địa phương, cơ quan công an, quân đội đã được giải quyết căn bản

Trong giai đoạn cách mạng mới, Đại hội XIII của Đảng tiếp tục xác định: “Tiếp tục thực hiện việc nâng mức trợ cấp xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công, giải quyết căn bản chính sách đối với người có công; nâng cấp các công trình “đền ơn đáp nghĩa”. Phong trào đền ơn đáp nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của các cấp chính quyền, sự đồng hành của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội đã lan tỏa rộng khắp cả nước với nhiều chương trình thiết thực và ý nghĩa. Trong những năm qua, các cấp, các ngành và địa phương trên cả nước luôn phấn đấu thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với người có công với cách mạng, quan tâm chăm lo đời sống cho các đối tượng và đẩy mạnh phong trào “đền ơn đáp nghĩa”, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người có công.  Đó là minh chứng rõ ràng nhất khẳng định Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta không bao giờ quên ơn các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh và người có công với cách mạng. Đồng thời, khẳng định truyền thống hiếu nghĩa, “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam.

Thế nhưng, thay vì đồng lòng, ủng hộ các hoạt động thể hiện đạo lý truyền thống tốt đẹp của dân tộc, những năm gần đây đâu đó vẫn có tiếng nói lạc lõng, xuyên tạc về chính sách Thương binh – Liệt sĩ, phủ nhận sự hi sinh đóng góp của họ. Thâm độc hơn, chúng còn đánh đồng những người hy sinh, hiến thân vì sự nghiệp cách mạng, vì ấm no, hạnh phúc của Nhân dân, vì hòa bình của đất nước và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc với những kẻ làm tay sai cho thực dân đế quốc, phản bội Tổ quốc, phản bộ nhân dân. Chúng phát tán trên mạng xã hội những thông tin bịa đặt, trắng trợn xuyên tạc, đánh tráo giá trị, “đổi trắng, thay đen” nhằm gây xáo trộn tư tưởng, tạo hoài nghi về chính sách ưu đãi đối với người có công; hạ thấp sự hy sinh của các anh hùng liệt sỹ, thương binh trong quá trình giải phóng dân tộc; xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người có công, qua đó, nhằm kích động, chống phá chế độ, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Song, với truyền thống hiếu nghĩa, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” toàn thể dân tộc Việt Nam luôn ghi nhớ tới công lao và sự hy sinh to lớn của các thương binh, liệt sĩ, các Mẹ Việt Nam Anh hùng. Việc chăm sóc sức khoẻ, nâng cao đời sống tinh thần và vật chất, giảm bớt một phần khó khăn trong cuộc sống cho thương bệnh binh và gia đình liệt sĩ là tình cảm, trách nhiệm và bổn phận của toàn xã hội. Mỗi chúng ta từ những việc làm nhỏ bé, thiết thực hãy làm tốt hơn nữa công tác chăm sóc thương binh và gia đình chính sách, coi đây là nghĩa vụ, trách nhiệm xã hội. Điều này không chỉ góp phần ổn định và nâng cao mức sống của thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ mà còn góp phần ổn định tình hình chính trị xã hội, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước; có tác dụng giáo dục toàn dân, đặc biệt là thế hệ trẻ về lòng yêu nước, đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc ta; về lòng tự hào, tự tôn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét