Thứ Ba, 1 tháng 8, 2023

Phê phán quan điểm của Đỗ Kim Thêm “Bàn về khái niệm Nhà nước Pháp quyền Xã hội Chủ nghĩa”

 

Mới đây, Đỗ Kim Thêm đăng bài trên “Baotiengdan” với tiêu đề “Bàn về khái niệm “Nhà nước Pháp quyền Xã hội Chủ nghĩa”. Y cho rằng: Nhìn chung, khái niệm NNPQXHCN có các điểm nghịch lý chủ yếu: Đảng đứng trên và đứng ngoài Hiến pháp và luật pháp để điều khiển toàn bộ mọi hoạt động của nhà nước; Hiến pháp là một bản sao nghị quyết của Đảng”. Đây là luận điệu sai trái, thù địch nhằm phủ nhận cơ chế lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội Việt Nam; phủ nhận, xuyên tạc, bóp méo những thành tựu to lớn của Đảng trong lãnh đạo Nhà nước, xã hội và nhân dân ta thực hiện công cuộc xây dựng đất nước.

Như chúng ta đã biết, trong cơ cấu tổ chức và nguyên tắc vận hành của hệ thống chính trị ở Việt Nam: Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quản lý và nhân dân Việt Nam làm chủ. Quyền làm chủ của nhân dân được thực hiện bằng hình thức dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện thông qua các cơ quan dân cử và các tổ chức chính trị – xã hội.

Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội bằng cương lĩnh, chiến lược, các định hướng về chính sách, chủ trương lớn; bằng công tác tuyên truyền, thuyết phục, vận động, tổ chức, kiểm tra, giám sát và bằng hành động gương mẫu của đảng viên. Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với nhân dân, nên mọi chủ trương, đường lối của Đảng đều bắt nguồn từ lợi ích chính đáng của nhân dân, ngoài ra không có, không vì lợi ích nào khác.  Điều 4 của Hiến pháp năm 2013 quy định: “Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”. Như vậy, sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam không phải là áp đặt, độc quyền, đứng ngoài Hiến pháp và luật pháp mà xuất phát từ quyền và lợi ích của nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình. Đảng lãnh đạo hệ thống chính trị, nhưng đồng thời là bộ phận của hệ thống ấy. Vì vậy, các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật, không có chuyện Đảng đứng ngoài Hiến pháp và luật pháp như những luận điệu xuyên tạc đưa ra, mà bình đẳng trước pháp luật như các chủ thể chính trị khác trong xã hội.

Đảng không hòa mình vào Nhà nước, làm thay Nhà nước, nhưng Đảng không thể đứng ngoài Nhà nước, “Đảng giới thiệu những đảng viên ưu tú có đủ năng lực và phẩm chất vào hoạt động trong các cơ quan lãnh đạo chính quyền và các đoàn thể”. Trên cơ sở đó, Quốc hội bầu, phê chuẩn các chức danh lãnh đạo Nhà nước và miễn nhiệm, bãi nhiệm các chức danh đó khi cần thiết. Đảng đề ra chủ trương, đường lối theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Nhà nước thể chế hóa, cụ thể hóa các nhiệm vụ do Đảng đề ra, mà thực chất đó là nhiệm vụ mà nhân dân giao phó cho Đảng và Nhà nước. Nhà nước ban hành Hiến pháp và pháp luật để quản lý toàn xã hội. Đảng là một tổ chức chính trị trong xã hội, cho nên hoạt động của Đảng phải tuân theo những quy định chung của Hiến pháp và pháp luật. Đảng cũng là một thành viên của hệ thống chính trị, nhưng có vai trò lãnh đạo các tổ chức của hệ thống chính trị, trong đó có Nhà nước, do đó không có chuyện Hiến pháp là một bản sao nghị quyết của Đảng.

Do đó, trước luận điệu sai trái, thù địch của Đỗ Kim Thêm mỗi Cán bộ, đảng viên và người dân yêu nước Việt Nam cần thống nhất cao về nhận thức, luôn đề cao cảnh giác, tỉnh táo nhận diện rõ bản chất xấu xa của các thế lực thù địch, kiên quyết đấu tranh, vạch rõ âm mưu đen tối, phản bác các luận điệu sai trái, thù địch, tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trong tình hình mới. Đó cũng là cách để chúng ta góp phần thực hiện tốt cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét