Chủ Nhật, 19 tháng 11, 2023

Cảnh giác trước luận điệu sai trái đòi xóa bỏ điều 331 trong bộ luật hình sự nước ta

 

An ninh quốc gia Việt Nam hiện nay luôn chịu sự tác động từ nhiều yếu tố bên ngoài, trong đó có sự chống phá của các thế lực thù địch, chúng lợi dụng chiêu bài dân chủ, nhân quyền để vu khống, xuyên tạc Đảng, Nhà nước Việt Nam.

Mới đây, trên đài RFA tổ chức phản động núp dưới bóng Mạng lưới nhân quyền Việt Nam có trụ sở tại Hoa Kỳ và Hội Anh em Dân chủ đã đưa ra nhiều yêu sách phi lý, những lập luận mang tính phản động, kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết ở Việt Nam, chúng phê phán và cho rằng: “…Việt Nam đàn áp quyền tự do ngôn luận, tự do lập hội và tự do hội họp….”, cùng với đó chúng đưa ra yêu sách “… gỡ bỏ tất cả những điều luật đó ở trong Bộ luật Hình sự và thay thế vào đó là những điều luật bảo vệ những quyền con người cơ bản của công dân…”.

Phụ họa và làm tay sai cho nước ngoài là những phần tử phản động người Việt, vì lợi ích và động cơ cá nhân bán rẻ đất nước. Để nhận được những đồng tiền tài trợ của nước ngoài, những phần tử này đã thực hiện nhiều hành vi phá hoại sự nghiệp đổi mới của đất nước, bôi nhọ, vu khống, xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, xuyên tạc lịch sử, bôi đen những thành quả mà nhân dân ta đã phải đổ mồ hôi, xương máu mới có được. Nguy hiểm hơn, chúng lại thực hiện hành vi phạm tội dưới những hình thức hết sức tinh vi, xảo quyệt. Một mặt, chúng vừa công khai, trắng trợn chống phá chế độ, mặt khác, chúng lợi dụng các quyền tự do dân chủ hợp pháp mà Hiến pháp và pháp luật quy định để thực hiện các hoạt động chống đối.

Thực tiễn hơn 90 năm lãnh đạo cách mạng và cầm quyền của Đảng ta cho thấy, Đảng đã lãnh đạo cách mạng, đưa nhân dân thoát khỏi nô lệ, lầm than, vươn lên làm chủ đất nước và cùng nhau xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, vì sự nghiệp “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Nhân dân Việt Nam đã một lòng theo Đảng, đoàn kết dưới ngọn cờ của Đảng, làm nên những kỳ tích vĩ đại, những thành tựu mang tầm vóc lịch sử. Đặc biệt, với những kết quả toàn diện đạt được sau gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới, Việt Nam từ một đất nước nghèo nàn, cơ sở vật chất – kỹ thuật, kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội lạc hậu, trình độ thấp, đã vươn lên trở thành một nước đang phát triển có mức thu nhập trung bình; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân ngày càng được cải thiện; khối đại đoàn kết dân tộc không ngừng được củng cố; chính trị – xã hội ổn định, quốc phòng – an ninh, độc lập, chủ quyền được giữ vững.

Trong thực tế, việc áp dụng quy định của pháp luật hình sự về tội lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân là một yêu cầu hoàn toàn mang tính khách quan, xuất phát từ yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới; đòi hỏi về bảo vệ nhân quyền ngày một cao trong xã hội và nhân dân; đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền, phát huy dân chủ, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa trong công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm.

Ở Việt Nam, các quyền tự do dân chủ của công dân luôn được tôn trọng, đảm bảo và được quy định rõ trong Hiến pháp và pháp luật. Theo đó, công dân có các quyền như tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội, quyền khiếu nại, tố cáo và các quyền tự do dân chủ khác. Công dân có thể thông qua nhiều hình thức đa dạng như qua báo chí, trang mạng xã hội để thực hiện quyền của mình theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, nguyên tắc chung là việc thực hiện các quyền tự do, dân chủ của mình không được xâm phạm đến quyền, lợi ích của cá nhân, tổ chức khác hay của Nhà nước. Nếu xâm phạm thì đó là hành vi vi phạm pháp luật và bị xử lý bằng nhiều hình thức tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, hậu quả,… trong đó có thể bị xử lý theo quy định tại Điều 331 Bộ luật Hình sự. Lợi ích của Nhà nước có thể kể đến là lợi ích về kinh tế, chính trị, ngoại giao, uy tín của chính quyền,… quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân bao gồm các quyền về kinh tế, chính trị, dân sự,… được pháp luật quy định.

Điều 331 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 đã quy định rất rõ về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân như sau: “Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm”.

Điều luật đã thể hiện được quyền bình đẳng, dân chủ, có tác dụng thúc đẩy sự phát triển sáng tạo của xã hội. Nhà nước ta luôn luôn coi trọng các quyền tự do cơ bản của công dân và coi đó là một trong những nguyên tắc xây dựng pháp luật Nhà nước. Mặt khác, điều luật được xây dựng nhằm duy trì xã hội trật tự, ổn định, trong đó không chỉ công dân, mỗi tổ chức, mà bản thân Nhà nước và những người đứng đầu chính quyền cũng phải tôn trọng pháp luật.

Việc ban hành quy định tại Điều 331 bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 là hoàn toàn mang tính khách quan nhằm đáp ứng yêu cầu phòng ngừa, răn đe, đấu tranh với loại tội phạm này trong xã hội, không để các thế lực thù địch và phần tử xấu lợi dụng vu cáo Đảng, Nhà nước ta vi phạm dân chủ, nhân quyền. Bên cạnh đó, cùng với việc sửa đổi, bổ sung bộ luật hình sự để nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng chống tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân, cần áp dụng đồng thời nhiều biện pháp để phát hiện kịp thời, xử lý nhanh chóng, chính xác công minh hành vi này; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nhất là các quy định pháp luật liên quan đến các quyền tự do dân chủ của công dân./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét