Chủ Nhật, 19 tháng 11, 2023

Những thành tựu của nền giáo dục Việt Nam là không thể phủ nhận

 

Cùng với sự phát triển về kinh tế, văn hóa, xã hội, những năm qua, giáo dục Việt Nam có những chuyển biến tích cực, phát triển về nhiều mặt và đạt được những thành tựu to lớn. Điều này không chỉ là một trong những động lực thúc đẩy đất nước đi lên, mà góp phần làm cho diện mạo đời sống xã hội ngày càng khởi sắc. Tuy nhiên, thời gian gần đây, lợi dụng một số vụ việc đơn lẻ xảy ra trong ngành giáo dục, Mạc Văn Trang lại có cái nhìn thiếu khách quan, toàn diện, thậm chí phủ nhận những thành tựu của nền giáo dục Việt Nam, khi cho rằng “nền giáo dục Việt Nam đang gặp khủng hoảng nghiêm trọng, đang gây hoang mang cho giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh và dư luận xã hội”. Song sự thật đã hoàn toàn bác bỏ luận điệu sai trái này của Mạc Văn Trang.

Những năm qua, cùng với những thành tựu về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, giáo dục Việt Nam đã tích cực đổi mới và đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần to lớn vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Chất lượng giáo dục, đào tạo từng bước được nâng lên, hệ thống giáo dục quốc dân tiếp tục được hoàn thiện, mạng lưới cơ sở giáo dục, đào tạo từng bước được mở rộng ở tất cả các cấp học, bậc học, ngành học.

Chương trình giáo dục phổ thông cụ thể hóa mục tiêu giáo dục phổ thông, giúp học sinh phát triển hài hòa về thể chất và tinh thần; trở thành người học tích cực, tự tin, có ý thức chọn nghề nghiệp và học tập suốt đời; có những phẩm chất tốt đẹp và năng lực cần thiết để trở thành người công dân có trách nhiệm, người lao động có văn hóa, cần cù, sáng tạo, đáp ứng nhu cầu phát triển của cá nhân và yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước trong thời đại toàn cầu hóa và Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư.

Quan điểm xuyên suốt của Việt Nam, giáo dục luôn được xác định là quốc sách hàng đầu. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội. Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng khẳng định: “Chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo được tích cực triển khai, bước đầu có hiệu quả. Mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo tiếp tục được mở rộng về quy mô. Giáo dục và đào tạo ở những vùng khó khăn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số được chú trọng hơn. Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới được ban hành và đang tích cực triển khai; phương pháp giảng dạy và học tập có bước đổi mới. Giáo dục mầm non đạt chuẩn phổ cập cho trẻ em 5 tuổi và giáo dục phổ thông có chuyển biến tốt, được thế giới công nhận. Công tác thi, kiểm tra và đánh giá kết quả thực chất, hiệu quả hơn. Quản lý, quản trị đại học có bước đổi mới, chất lượng giáo dục đại học từng bước được nâng lên”.

Chứng minh cho sự phát triển của giáo dục Việt Nam, tháng 7/2023, tờ Thời báo kinh tế – The Economist của Anh có bài viết đánh giá cao hệ thống giáo dục Việt Nam, đề cao giá trị của giáo dục trong nước và đáng giá cao năng lực giáo viên. Bài báo chỉ ra rằng chất lượng giáo dục của Việt Nam ngày càng tốt đẹp hơn, “Học sinh Việt Nam được học một trong những hệ thống giáo dục tốt trên thế giới” và dẫn chứng các thành tích xuất sắc của học sinh Việt Nam trong các cuộc thi quốc tế.

Nhờ những thành tựu trong giáo dục, Việt Nam trở thành điểm sáng trong khu vực Đông Nam Á và châu Á-Thái Bình Dương về kết quả, thành tích các cuộc thi Olympic quốc tế dành cho học sinh. Năm 2022, 38 lượt học sinh dự thi Olympic quốc tế đều giành huy chương, đưa Việt Nam năm thứ 2 liên tiếp lọt vào nhóm 10 quốc gia và vùng lãnh thổ có thành tích tốt nhất tại các kỳ thi này. Năm 2023, cả 6 thành viên đội tuyển quốc gia Việt Nam dự thi Olympic Toán học quốc tế tại Nhật Bản từ ngày 2 đến 12/7 đã mang về cho Tổ quốc 6 tấm huy chương, gồm hai huy chương vàng, hai huy chương bạc và hai huy chương đồng. Với thành tích này, Việt Nam xếp thứ 6 toàn đoàn trên tổng số 112 quốc gia và vùng lãnh thổ có đội tuyển tham dự kỳ thi Olympic Toán quốc tế năm nay. Đội tuyển quốc gia Việt Nam dự thi Olympic Hóa học Quốc tế (IChO) năm 2023 gồm 4 học sinh dự thi, kết quả, 4/4 học sinh đoạt huy chương, gồm 3 huy chương Vàng và 1 huy chương Bạc, trong đó có 2 học sinh nằm trong tốp 10 điểm cao nhất…

Như vậy, có thể khẳng định rằng, cái nhìn của Mạc Văn Trang là hoàn toàn phiến diện và sai sự thật về nền giáo dục nói chung, giáo dục phổ thông nói riêng ở Việt Nam. Do đó, mọi người cần đề cao cảnh giác, tỉnh táo nhận diện rõ bản chất xấu xa của Mạc Văn Trang và các thế lực thù địch, kiên quyết đấu tranh phản bác những luận điệu sai trái của chúng./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét