Chủ Nhật, 12 tháng 11, 2023

Không thể xuyên tạc tầm vóc thời đại của Cách mạng Tháng Mười Nga

 

Trên trang “Baotiengdan”, Trần Ngọc Vương đã đăng tải bài viết: “Về Cách mạng Tháng Mười Nga”, trong đó y đã xuyên tạc về tầm vóc thời đại của Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917, cũng như con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Bài viết cho rằng, Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 luôn bị lịch sử “nguyền rủa”, bởi “nó là tội ác, mở đầu cho nhiều tội ác hệ quả diễn ra trên quy mô thế giới”. Chính vì thế sự sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô là tất yếu. Y còn phủ nhận giá trị, cái gốc nền tảng của chủ nghĩa Mác – Lênin khi cho rằng, chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Trung Quốc, Việt Nam… hiện nay là chủ nghĩa tư bản, chẳng liên quan gì đến chủ nghĩa Mác – Lênin hay chủ nghĩa xã hội cả. Đối với cách mạng Việt Nam, Trần Ngọc Vương cũng trắng trợn xuyên tạc rằng, chúng ta tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa là “gượng ép, không phù hợp với thực tế Việt Nam” nên đã làm cho “khối đại đoàn kết thống nhất dân tộc bị tổn thương nặng nề, gây ra những tổn thất lớn, cả trong chiến tranh, trong xây dựng đất nước”. Thực tế đã bác bỏ những luận điệu xuyên tạc này.

Cách mạng Tháng Mười Nga là một trong những sự kiện vĩ đại nhất của thế kỷ XX, đánh dấu một mốc mới, bước ngoặt căn bản trong lịch sử phát triển của nhân loại. Nó đã lật đổ giai cấp tư sản, địa chủ và chế độ người bóc lột người, đưa giai cấp vô sản bị áp bức, bóc lột nặng nề ở nước Nga trở thành giai cấp đứng đầu và làm chủ xã hội; giải phóng nhân dân lao động, đưa người lao động Nga từ thân phận nô lệ trở thành chủ nhân của đất nước; ra đời nhà nước xã hội chủ nghĩa – nhà nước chuyên chính vô sản đầu tiên trong lịch sử và làm cho chủ nghĩa xã hội từ lý luận trở thành hiện thực trong đời sống chính trị thế giới. Kể từ đây, một thời đại mới trong lịch sử xã hội loài người đã được khai sáng – thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới. Cuộc cách mạng ấy không những đánh đổ chủ nghĩa đế quốc ở ngay “chính quốc” mà còn đánh vào hậu phương của nó là các nước thuộc địa của Nga hoàng; cổ vũ, lôi cuốn mạnh mẽ phong trào cách mạng giải phóng dân tộc trên toàn thế giới, trong đó có cách mạng Việt Nam.

Đầu thế kỷ XX, các phong trào yêu nước ở Việt Nam đều bị thất bại vì không có đường lối cứu nước đúng đắn. Giữa lúc đó, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, sau 10 năm bôn ba tìm đường cứu nước đã tiếp thu được ánh sáng của Cách mạng Tháng Mười Nga. Tháng 7 năm 1920, khi đọc Sơ thảo lần thứ nhất Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của V.Lênin, Người đã tìm ra chân lý của thời đại, tìm ra con đường duy nhất để cứu nước và giải phóng dân tộc Việt Nam, đó là con đường cách mạng vô sản. Con đường ấy đã thức tỉnh hàng triệu tia lửa nhỏ đang ẩn giấu sau sự phục tùng tiêu cực ở xứ An Nam, sẵn sàng bùng cháy, thiêu rụi bè lũ cướp nước và bán nước, giành độc lập cho dân tộc, tiến lên chủ nghĩa xã hội, viết tiếp câu chuyện “lạ đời” như đã xảy ra ở nước Nga. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời vào ngày 03/2/1930, đã khẳng định đường lối giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, coi đó là sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình cách mạng Việt Nam. Dưới ngọn cờ của Cách mạng Tháng Mười Nga, với đường lối đúng đắn, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân ta tiến hành cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài, gian khổ, vượt qua muôn ngàn khó khăn, thử thách và giành được những thắng lợi vĩ đại, lập nên trang sử vàng vinh quang nhất trong lịch sử hàng ngàn năm văn hiến.

Dù bị các thế lực thù địch, phản động ra sức phủ nhận, xuyên tạc, nhưng có một sự thật lịch sử là, trong thế kỷ XX và những năm đầu thập niên đầu thế kỷ XXI, không có một sự kiện nào lại được hàng triệu triệu người đồng tình, ủng hộ và trân trọng như những giá trị vĩnh hằng của lịch sử, đặc biệt là Liên bang Nga và nhân loại tiến bộ trên toàn thế giới. Sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô và Đông Âu do nhiều nguyên nhân, trong đó có sự chống phá quyết liệt của chính chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch. Song đó chỉ là sự sụp đổ của một mô hình chủ nghĩa xã hội cụ thể chứ hoàn toàn không phải là sự “lỗi thời” của lý luận chủ nghĩa Mác – Lênin về cách mạng vô sản và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.

 Việc nước Nga lựa chọn mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội có sự quản lý của nhà nước làm con đường phát triển kinh tế-xã hội trong điều kiện mới; chủ trương xây dựng trật tự thế giới mới, trong đó tất cả các quốc gia dù mạnh hay yếu, giàu hay nghèo, lớn hay nhỏ, đều được tôn trọng và có tiếng nói được lắng nghe khi giải quyết các vấn đề nghị sự toàn cầu; tiên phong trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố – hiểm họa chung đối với toàn thế giới, cho thấy, lý tưởng và những giá trị của Cách mạng Tháng Mười vẫn đang được Liên bang Nga – quốc gia kế thừa vị thế của Liên Xô tiếp tục duy trì và phát huy. Đồng thời, đi đầu trong cuộc đấu tranh chống lại các âm mưu và thủ đoạn của các thế lực thù địch xuyên tạc giá trị của Cách mạng Tháng Mười.

Các nước xã hội chủ nghĩa còn lại đã tiến hành đổi mới, kiên trì con đường đi lên chủ nghĩa xã hội với những chủ trương, chính sách rộng mở, phù hợp với xu thế toàn cầu hóa và sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ. Đời sống của nhân dân không ngừng được nâng lên, niềm tin vào chế độ được giữ vững, củng cố vững chắc. Đảng Cộng sản ở mỗi nước luôn được xây dựng, chỉnh đốn, nâng cao phẩm chất, trình độ năng lực đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ. Các nước xã hội chủ nghĩa cũng tích cực tham gia giải quyết có hiệu quả các vấn đề mang tính toàn cầu, thể hiện được bản chất ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa trong xây dựng, bảo vệ con người, môi trường sống lành mạnh.

Tất cả những điều đó đã khẳng định giá trị, tầm vóc thời đại của Cách mạng Tháng Mười Nga, của chủ nghĩa xã hội hiện thực trên nền tảng là chủ nghĩa Mác – Lênin. Đi lên chủ nghĩa xã hội vẫn là con đường đúng đắn hợp quy luật của Cách mạng Việt Nam. Mọi tư tưởng và hoạt động thù địch, phản động, sai trái phủ nhận, xuyên tạc, cản trở sự lựa chọn chân chính đó cần phải bị vạch trần, lên án và đấu tranh bác bỏ./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét