Chủ Nhật, 23 tháng 6, 2024

KHÔNG THỂ PHỦ NHẬN NỖ LỰC BẢO ĐẢM QUYỀN CON NGƯỜI Ở VIỆT NAM

 

Ngày 29/5 vừa qua, Liên minh Châu Âu (EU) đã công bố báo cáo thường niên về nhân quyền và dân chủ trên thế giới năm 2023. Trong bản báo cáo này, EU đã đưa ra một số nhận định, đánh giá không đúng về việc bảo đảm thực thi quyền con người ở Việt Nam. Lợi dụng sự kiện này, trên trang “Rfatiengviet”, RFA đã đăng tải bài viết “Báo cáo nhân quyền 2023 của EU: Việt Nam có ít tiến bộ nhưng thừa đàn áp”. Mục đích của RFA là thổi phồng, xuyên tạc, phủ nhận các thành tựu trong bảo vệ và thực thi quyền con người ở Việt Nam. Vu khống, hạ thấp vai trò lãnh đạo, uy tín của Đảng, Nhà nước Việt Nam về vấn đề nhân quyền hiện nay.

1. Báo cáo nhân quyền của EU nhận định “Việt Nam có rất ít tiến bộ trong lĩnh vực nhân quyền”.

Đây là nhận định, đánh giá sai lệch, thiếu khách quan về vấn đề nhân quyền ở Việt Nam. Bởi lẽ, các quyền con người cơ bản đã được ghi nhận trong Hiến pháp của Việt Nam; được bảo vệ, bảo đảm bởi hệ thống văn bản pháp luật cụ thể và được triển khai hiệu quả trên thực tiễn. Việt Nam đã có những nỗ lực rất lớn nhằm bảo đảm quyền con người, nhất là hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền con người theo các công ước quốc tế về quyền con người, trong đó Việt Nam là thành viên. Tính đến năm 2023, Việt Nam đã tham gia 7/9 điều ước quốc tế cơ bản về quyền con người, 25 công ước quốc tế về quyền lao động của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO); đàm phán và chính thức tham gia thỏa thuận toàn cầu về di cư hợp pháp, an toàn và trật tự (GCM).

Khi nói về vấn đề nhân quyền, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh: “Nhân quyền lớn nhất ở Việt Nam là lo cho 100 triệu dân ấm no và hạnh phúc, dân chủ, cuộc sống bình yên, an ninh, an toàn, an dân, phát huy tối đa yếu tố con người”. Chính vì vậy, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn nhất quán chính sách “tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền, quyền và nghĩa vụ của công dân”. Mọi quyết sách đều xuất phát từ con người; mọi thành quả phát triển đều hướng vào bảo đảm tốt nhất quyền con người. Tính riêng năm 2023, kinh tế Việt Nam đạt tăng trưởng trên 5%, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống 3%. Hằng năm, Việt Nam dành trung bình khoảng 3% GDP cho bảo đảm an sinh xã hội. Chỉ trong vòng hơn một thập kỷ gần đây, chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam đã tăng gần 50%, thuộc nhóm quốc gia có tỷ lệ tăng cao nhất thế giới.

Những con số khái lược nêu trên đã chứng minh vấn đề nhân quyền ở Việt Nam có nhiều tiến bộ, thể hiện rõ quyết tâm và nỗ lực bảo đảm quyền con người của Đảng, Nhà nước Việt Nam. Điển hình cho sự tiến bộ ấy là Việt Nam lần thứ hai trúng cử vào Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025 (lần đầu là nhiệm kỳ 2014-2016). Đây là sự công nhận vị thế của Việt Nam, thể hiện sự tín nhiệm, tin tưởng của cộng đồng quốc tế đối với vai trò và đóng góp của Việt Nam trong lĩnh vực quyền con người.

2. Báo cáo nhân quyền của EU cho rằng: Nghị định số 53/2022/NĐ-CP của Chính phủ Việt Nam “tiếp tục làm sói mòn quyền tự do ngôn luận”.

Nhận định trên là vô căn cứ, phản ánh không đúng về vấn đề tự do ngôn luận trên không gian mạng ở Việt nam.

Như chúng ta đã biết, thời gian gần đây, hàng loạt rủi ro, hiểm họa liên tiếp diễn ra trên không gian mạng đã khiến công tác bảo vệ an ninh mạng trở thành một nhiệm vụ cấp thiết tại hầu hết các quốc gia trên toàn thế giới trong đó có Việt Nam. Vì vậy, xây dựng hệ thống pháp luật về an ninh mạng có ý nghĩa quan trọng, nhằm bảo đảm việc thực thi các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi, sự cố xâm phạm an ninh mạng.

Xuất phát từ thực tiễn trên, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định số 53/2022/NĐ-CP: Quy định một số điều của Luật an ninh mạng. Việc ban hành Nghị định này là cơ sở quan trọng trong bảo vệ chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trên không gian mạng; phát huy hơn nữa các nguồn lực sẵn có trong công tác bảo đảm an ninh mạng. Đồng thời, phát triển lĩnh vực an ninh mạng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng an ninh và góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân.

Sau khi nghị định này có hiệu lực, vấn đề tự do ngôn luận trên không gian mạng ở Việt Nam vẫn được phát huy đầy đủ, internet có mặt ở mọi nơi. Tính đến đầu năm 2023, Việt Nam có 77,93 triệu người dùng internet, chiếm 79,1% dân số; có 70 triệu người dùng mạng xã hội, tương đương 71% dân số. Tổng số kết nối di động đang hoạt động là 161,6 triệu (164,0% tổng dân số). Hiện nay, Việt Nam là quốc gia có lượng người dùng internet cao thứ 12 trên thế giới, đứng thứ 6 trong tổng số 35 quốc gia/vùng lãnh thổ khu vực châu Á. Tỷ lệ người dùng sử dụng internet hằng ngày lên tới 94%.

Dẫu vẫn biết, tự do ngôn luận trên không gian mạng là một trong những quyền cơ bản của con người cần được tôn trọng và bảo đảm. Tuy nhiên, tự do ngôn luận trên không gian mạng cũng phải nằm trong khuôn khổ pháp luật nhằm tránh hiện tượng bị lợi dụng, gây phương hại đến quyền, lợi ích của các tổ chức, cá nhân khác, đến đạo đức xã hội, trật tự công cộng và an ninh quốc gia.

Như vậy, Nghị định số 53/2022/NĐ-CP: Quy định một số điều của Luật an ninh mạng của Chính phủ Việt Nam là phù hợp công ước quốc tế về quyền con người, phù hợp với quyền, lợi ích của các tổ chức, cá nhân trên lãnh thổ Việt Nam. Việc EU nhận định rằng, Nghị định số 53/2022/NĐ-CP của Chính phủ Việt Nam “tiếp tục làm sói mòn quyền tự do ngôn luận” là thiếu khách quan và không phản ánh đúng vấn đề tự do ngôn luận trên không gian mạng ở Việt Nam./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét