Chủ Nhật, 9 tháng 6, 2024

TỰ DO TÔN GIÁO, KHÔNG PHẢI “TỰ DO LỢI DỤNG TÔN GIÁO”

 

Trong những ngày qua, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều hình ảnh, clip về người đàn ông mang hình dáng nhà sư bộ hành dọc tuyến đường từ Khánh Hòa ra Hà Giang và ngược lại. Người này được mạng xã hội gọi là “Sư Thích Minh Tuệ”. Trong lộ trình đi bộ qua các địa phương đã có nhiều người dân và Phật tử tập trung với số lượng đông, cúng dàng vật phẩm, thức ăn tạo ra nhiều hình ảnh, clip gây ra nhiều dư luận trái chiều làm ảnh hưởng đến Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Không bỏ lỡ cơ hội, trang “Quyenduocbiet”, Nguyên Anh đăng tải bài viết “Đạo phật trong đất nước vô thần”,lợi dụng “hiện tượng Thích Minh Tuệ” những thế lực thù địch chống phá chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta.

1. Sự thật về hiện tượng này: Công văn số 151/HĐTS-VP1 thông báo về việc người được mạng xã hội gọi là “Sư Thích Minh Tuệ” không phải là tu sỹ Phật giáo. Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam khẳng định người đàn ông này không phải là tu sỹ Phật giáo, không tu tập và không là nhân sự của bất cứ ngôi chùa, cơ sở tự viện nào của Giáo hội Phật giáo Việt Nam . Điều này cũng đã được chính người đàn ông này khẳng định trong các clip trên mạng xã hội.

Công văn của Giáo hội Phật giáo Việt Nam  cho biết: Người đàn ông này có tên là Lê Anh Tú, sinh năm 1981 tại huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Gia đình ông Lê Anh Tú sinh sống tại huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai. Ông Lê Anh Tú sau khi từ bỏ công việc đo đạc địa chính tại tỉnh Phú Yên đã thực hiện một vài lần đi bộ hành từ Khánh Hòa ra các tỉnh phía Bắc và ngược lại. Tuy nhiên, lần này một số người dùng mạng xã hội đã sử dụng hình ảnh đi bộ của ông Lê Anh Tú tạo sự hiếu kỳ, thu hút nhiều người dân đi theo, tạo nên hiệu ứng câu view và có nhiều bình luận xuyên tạc đời sống tu hành của Tăng Ni, Phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Mục đích thế lực thù địch nhắm tới: (1) là chia rẽ các tôn giáo với Đảng, Nhà nước; (2) chia rẽ giữa người theo đạo và người không theo đạo, chia rẽ các tôn giáo với nhau, gây mâu thuẫn bên trong từng tôn giáo nhằm làm suy yếu khối đại đoàn kết toàn dân tộc; (3) cổ xúy, “anh hùng hóa” các hiện tượng mạng xã hội theo hướng đối lập với những giá trị truyền thống.

2. Cần phải khẳng định rằng: Tự do tôn giáo, không phải “tự do lợi dụng tôn giáo”: Việt Nam thuộc nhóm 12 quốc gia trên thế giới và 6 quốc gia ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương có mức độ đa dạng tôn giáo rất cao. Đây là kết quả khảo sát của Viện Diễn đàn Pew có trụ sở ở Mỹ. Còn theo Ban Tôn giáo Chính phủ, nước ta có 26,5 triệu tín đồ tôn giáo (chiếm 27% dân số). Đạo Phật là tôn giáo lớn nhất, có hơn 14 triệu tín đồ, sở hữu 18.544 ngôi chùa với gần 55.000 tăng, ni đang tu hành. Công giáo xếp thứ hai với hơn 7 triệu tín đồ và 7.771 cơ sở thờ tự. Đạo Tin Lành và đạo Cao Đài đứng thứ ba và thứ tư về số lượng tín đồ. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật và người dân được tự do lựa chọn tôn giáo, lựa chọn tín ngưỡng hoặc không tín ngưỡng. Năm 2003, Nhà nước ta công nhận 6 tôn giáo với 15 tổ chức, 17 triệu tín đồ, khoảng 20.000 cơ sở thờ tự; 34.000 chức sắc, 78.000 chức việc. Đến năm 2022, Nhà nước ta công nhận 16 tôn giáo với 43 tổ chức, 26,5 triệu tín đồ, hơn 53.000 chức sắc, khoảng 135.000 chức việc; hơn 29.000 cơ sở thờ tự. Trong số 16 tôn giáo được Nhà nước chính thức công nhận thì có tới 9 tôn giáo từ nước ngoài được du nhập vào Việt Nam (Phật giáo, Công giáo, Tin Lành, Bà La Môn giáo, Hồi giáo…).

Nhà nước bảo đảm và tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo được thành lập cơ sở đào tạo tôn giáo, mở lớp bồi dưỡng về tôn giáo. Cả nước hiện có 62 cơ sở đào tạo tôn giáo tại các địa phương. Luật pháp Việt Nam bảo vệ quyền tự do tôn giáo nhưng cũng nghiêm khắc xử lý các hành vi lợi dụng tôn giáo. Điều 24 của Hiến pháp năm 2013 của Việt Nam quy định: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”.

Điều 6 của Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo 2016 quy định các hành vi bị nghiêm cấm “Xâm phạm quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, môi trường, xâm hại đạo đức xã hội; xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng, tài sản; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác; Cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân. Chia rẽ dân tộc; chia rẽ tôn giáo; chia rẽ người theo tín ngưỡng, tôn giáo với người không theo tín ngưỡng, tôn giáo, giữa những người theo các tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau. Lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo để trục lợi”.

Những ngày này, đồng bào Phật giáo trên cả nước cũng đang hân hoan đón mừng đại lễ Phật đản đây là minh chứng về việc Đảng, Nhà nước ta luôn bảo đảm đưa những quy định của pháp luật về quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng vào thực tế đời sống, đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Điều đó cũng đồng nghĩa những vi phạm pháp luật về tôn giáo, tín ngưỡng cũng sẽ phải bị xử lý nghiêm. Do đó, lợi dụng “hiện tượng Thích Minh Tuệ” những thế lực thù địch chống phá chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta là việc làm sai trái. Mọi công dân Việt Nam cần nêu cao cảnh giác, không mắc mưu kẻ địch chống phá chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét