Chủ Nhật, 14 tháng 6, 2020

Nhận diện và phòng chống quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội trước thềm Đại hội Đảng


Trong giai đoạn hiện nay, tình trạng chống phá Đảng, đòi đa nguyên đa đảng, tiến tới xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng là một trong những mục tiêu trọng tâm mà các thế lực thù địch luôn hướng tới. Để thực hiện âm mưu đó, các trung tâm phá hoại tư tưởng, các tổ chức phản động lưu vong và số phản động, chống đối, bất mãn chế độ, cơ hội chính trị trong nước đã sử dụng nhiều chiêu bài khác nhau, đặc biệt là lợi dụng những “ưu trội” của mạng xã hội để chống phá.
Đại hội XIII sẽ là một dấu mốc rất quan trọng, có ý nghĩa định hướng tương lai, cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững. Vì vậy, việc nhận diện và phòng chống quan điểm sai trái, thù địch càng đặt ra những vấn đề bức bách.
Nhận diện một số quan điểm sai trái, thù địch
Đầu tiên, các tổ chức phản động sẽ kích động quần chúng nhân dân, gây sức ép đối với nhà nước đòi đa nguyên đa đảng, xóa bỏ Điều 4 của Hiến pháp. Hình thức này được thực hiện bằng việc bới móc khuyết điểm, sai lầm trong quá khứ; xuyên tạc, bịa đặt, bóp méo sự thật… để phủ nhận vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng, từ đó chúng kêu gọi mọi tầng lớp nhân dân nổi dậy đấu tranh lật đổ Đảng, tiến tới việc cho rằng việc xóa bỏ điều 4 của Hiến pháp là “phù hợp”.
Tiếp đến, chúng sẽ thổi phồng những mặt trái hiện nay, đặc biệt là tình trạng tham nhũng để đổ lỗi cho sự lãnh đạo của Đảng. Các tổ chức phản động sẽ vu cáo rằng chính Đảng là nguyên nhân “biến Việt Nam từ một xã hội tốt đẹp thành một xã hội hỗn loạn, cờ bạc, mê tín, đầy rẫy đại dịch”… Chúng cao giọng cảnh báo đất nước đang bên bờ vực suy tàn. Đặc biệt, chúng cho rằng tình trạng tham nhũng, suy thoái của đội ngũ cán bộ đảng viên và việc đấu tranh phòng chống tham nhũng, xử lý kỷ luật, khởi tố hình sự nhiều cán bộ cấp cao vừa qua là “dấu hiệu cho sự suy thoái, sụp đổ của Đảng”.
Kế tiếp, nhóm đối tượng hoặc các tổ chức phản động lợi dụng một số vụ việc phức tạp xảy ra để vu cáo, nói xấu Đảng. Ví dụ, khi xảy ra vụ việc tàu hải cảnh Trung Quốc đâm tàu cá ngư dân Quảng Ngãi (02/04/2020), trên trang facebook “Sự thật về Đảng Cộng sản Việt Nam” đã xuất hiện bài viết vu cáo Đảng: “Đụng chìm tàu cá Quảng Ngãi - Trung cộng vừa ăn cướp vừa la làng - Cộng sản Việt Nam im lặng”. Khi cả nước đang tập trung chống dịch COVID-19, thì ngày 19/3/2020, trên mạng xã hội xuất hiện tin “Hà Nội sắp thất thủ”, “Khu cách ly thành phố Hà Nội vỡ trận”… Khi Việt Nam vừa phát hiện bệnh nhân thứ 17 nhiễm COVID-19, thì tổ chức khủng bố Việt Tân đã lợi dụng tình hình tung tin “Việt Nam bùng phát dịch” và vu cáo “vì 50 tỷ USD Tổng thống Trump viện trợ” nên Việt Nam công bố dịch…
Bên cạnh đó, chúng sẽ tập trung bôi nhọ, hạ uy tín của các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là hoạt động phá hoại công tác cán bộ phục vụ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Điển hình như năm 2019, trên trang mạng voatiengviet.com, kẻ có bút danh Phạm Chí Dũng đã đăng tải bài viết “Thói câm nín Việt Nam được Trung Quốc trả lễ ra sao”. Trong bài viết này, y đã đưa ra nhiều dẫn chứng vô căn cứ nhằm mục đích xuyên tạc, bôi nhọ, nói xấu các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quân đội ta. Đồng thời, một số tổ chức phản động còn tung tin đồn thổi nhiều đồng chí lãnh đạo các cấp với những nghi án tham nhũng, sân sau,… Chúng ví von hành động bỉ ổi này “như một mũi tên trúng hai con nhạn: (1). Làm suy giảm uy tín cá nhân lãnh đạo, gây mất đoàn kết nội bộ; (2). Làm nhiễu loạn thông tin, gây hoang mang dư luận, để cho người dân nhìn vào đâu cũng thấy tham nhũng”(1). Từ những “đại án” tham nhũng, các thế lực thù địch chớp ngay cơ hội, tăng cường thông tin trên mạng xã hội, suy luận vô căn cứ mối quan hệ giữa những đối tượng bị truy tố với các cán bộ cao cấp của Đảng, từ đó ra sức công kích hòng làm giảm sút uy tín của Đảng, lung lạc niềm tin của nhân dân đối với chế độ và hệ thống chính trị.
Cuối cùng, sau khi thực hiện thành công các phương thức kể trên, các đối tượng xấu sẽ tiến hành phá hoại công tác nhân sự, tuyên truyền, xuyên tạc về công tác chuẩn bị, nội dung, tính chất hoạt động bầu cử trước thềm Đại hội Đảng. Chúng đưa ra những bài viết, bình luận kiểu như “Việt Nam đã chọn xong người làm Tổng Bí thư”, “Cuộc bỏ phiếu là sự đấu tranh giữa các phe phái trong Đảng”… Gắn liền với đó, chúng chống phá công tác cán bộ, cho rằng công tác cán bộ của Đảng ta là không dân chủ, thiếu minh bạch, làm theo kiểu “áo gấm đi đêm”; việc quy hoạch, sắp xếp cán bộ là để “thanh trừng bè phái”, “đấu đá nội bộ”… nhằm phá hoại an ninh chính trị nội bộ, phá hoại sự kiện chính trị - xã hội quan trọng nhất của đất nước.
Một số biện pháp phòng chống
Các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp cần bám sát các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương trong việc chuẩn bị đại hội Đảng các cấp, đặc biệt là Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”; Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 30/5/2019 của Bộ Chính trị “về Đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng”; Quy định 205-QĐ/TW ngày 23/09/2019 về “kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền”.
Tích cực, chủ động nắm bắt tình hình tư tưởng, tâm trạng trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trước những âm mưu, ý đồ, phương thức, thủ đoạn hoạt động tuyên truyền, xuyên tạc của các đối tượng chống phá. Đặc biệt, các tổ chức Đảng cần kịp thời xử lý các tình huống xảy ra, không để bị động, bất ngờ; tập trung giải quyết tốt những vấn đề bất cập, bức xúc xã hội, không để chúng lợi dụng kích động khiếu kiện, biểu tình gây mất ổn định chính trị, chống phá Đảng.
Việc chuẩn bị nhân sự, lựa chọn cán bộ là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là nhiệm vụ “then chốt” của “then chốt”, có liên quan đến sự sống còn của Đảng, của chế độ, đến hiệu quả của việc đấu tranh các quan điểm sai trái, thù địch. Vì vậy, ngay từ khâu chuẩn bị các nội dung công tác phục vụ tổ chức Đại hội Đảng các cấp, đặc biệt là Đại hội XIII của Đảng cần siết chặt việc bảo vệ an ninh chính trị nội bộ các cơ quan Đảng, Nhà nước; chú trọng làm tốt công tác tổ chức cán bộ, rà soát, lựa chọn, quy hoạch nhân sự bổ nhiệm tham gia cấp ủy các cấp đảm bảo tuyệt đối an toàn, kỹ lưỡng về nhân thân, lai lịch, lịch sử chính trị… Việc lựa chọn cán bộ “phải được tiến hành theo quy trình chặt chẽ, khoa học và nhất quán, bảo đảm thật sự dân chủ, công tâm, thật sự trong sáng, khách quan; cách làm phải thận trọng, làm từng khâu, từng công đoạn, theo một quy trình chặt chẽ, làm đến đâu chắc đến đó”(2); đồng thời “cần tránh giản đơn, tùy tiện, vô nguyên tắc, không để lọt vào bộ máy những người không đáp ứng tiêu chuẩn, không đủ đức đủ tài dẫn đến hại nước hại dân”(3).
Chủ động đấu tranh, phản bác luận điệu xuyên tạc, thù địch, ngăn chặn hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước, xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng và nhân thân, lý lịch… của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán bộ cấp cao bằng các biện pháp như: Xây dựng lực lượng chuyên gia, dư luận viên giỏi, chuyên sâu theo từng nhóm đối tượng; nghiên cứu, làm rõ một số vấn đề lý luận chưa rõ… Đặc biệt, cần tập trung vạch trần bản chất sai trái trong luận điệu của đối tượng và vạch trần bản chất của chính đối tượng.
Mặt khác, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng trên tinh thần đúng người, đúng tội, Trong quá trình xử lý cần công khai, minh bạch, chú ý vai trò “nêu gương” của người đứng đầu, bởi sự lành mạnh của đời sống đạo đức xã hội phụ thuộc rất lớn vào sự nêu gương của người lãnh đạo và đội ngũ cán bộ, đảng viên, đồng thời cũng là điều kiện tiên quyết để loại bỏ dần những yếu tố, điều kiện mà các đối tượng thường lợi dụng để chống phá. Đặc biệt, cần dám nhận rõ những sai lầm, khuyết điểm để sửa chữa, loại bỏ tư tưởng “sợ thiếu cán bộ” khi kỷ luật cán bộ theo tinh thần “ai xứng đáng thì làm, không thì thôi. Không sợ thiếu cán bộ”(4), bởi “không thiếu người tận trung với Đảng, tận hiếu với dân đâu. Làm để giữ uy tín chứ không sợ mất uy tín. Càng che giấu càng mất uy tín”(5) như lời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.
Đặc biệt, cần hoạch định đường lối, chính sách kinh tế - xã hội đúng đắn, tập trung chăm lo đời sống nhân dân, triển khai có hiệu quả chính sách an sinh xã hội nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua những khó khăn, đặc biệt là khó khăn do chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19… là giải pháp mấu chốt, bởi khi kinh tế phát triển, xã hội ổn định, niềm tin của nhân dân sẽ tăng lên và đó là tiền đề để hạn chế việc nảy sinh quan điểm sai trái, thù địch.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét