Việt Nam quá độ lên chủ nghĩa xã hội từ một nước với nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu. Do vậy, để xây dựng cơ sở vật chất – kỹ thuật cho chủ nghĩa xã hội tất yếu phải tiến hành quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa qua đó thúc đẩy phát triển mạnh mẽ lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.
1. Sự xuyên tạc của các thế lực thù địch về quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của nước ta. Lợi dụng một số vấn đề bất cập, hạn chế, yếu kém trong quá trình đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta, nhất là việc chúng ta chưa đạt được một số chỉ tiêu về công nghiệp hóa, hiện đại hóa so với định hướng đặt ra để năm 2020 cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Thời gian gần đây đã xuất hiện không ít ý kiến trái chiều, xuyên tạc đường lối công nghiệp hóa, hiện đại hóa và việc triển khai công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam. Các thế lực thù địch, cơ hội đã tung ra những luận điệu sai lệch, phiến diện về quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta. Họ cố tình nhấn và thổi phồng những bất cập, yếu kém trong quá trình tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa của chúng ta và cho rằng: Nghi ngờ, không tin tưởng vào sự thành công của chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa do Đảng Cộng sản Việt nam đề ra; Việt Nam không nên thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cần phải chuyển hướng sang phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hóa, vì Việt Nam là một nước có lợi thế về phát triển nông nghiệp; Việt Nam không hiểu rõ về quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam không rõ mục tiêu và thực hiện một chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa sai lầm, chạy theo lợi ích nhóm. Điều này không có gì khác hơn là nhằm phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng, vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước và đòi khôi phục và khuyến khích phát triển sở hữu tư nhân về đất đai.
2. Kiên quyết bác bỏ mọi sự xuyên tạc về quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam.
Trước hết, chúng ta phải khẳng định những nghi ngờ về sự thành công của công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam là thiếu căn cứ, là cố tình phủ nhận những thành quả to lớn do công nghiệp hóa, hiện đại hóa của chúng ta đem lại. Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam trong thời gian qua đã góp phần to lớn trong công cuộc xây dựng cơ sở vật chất – kỹ thuật cho phát triển đất nước, cũng như góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Với việc thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội mà cốt lõi là quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã đưa nước ta từ nước nông nghiệp lạc hậu, thiếu đói triền miên, nay trở thành nước có thu nhập bình quân đầu người đạt trên 3000USD (2020), là một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Cơ cấu các ngành kinh tế đã có sự dịch chuyển tích cực theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nhiều ngành công nghiệp như: Điện, điện tử, công nghệ thông tin và viễn thông, chế tạo thiết bị năng lượng, dệt may, da giày, xây dựng…đã có những bước phát triển mạnh mẽ, góp phần tích cực trong giải quyết việc làm, tăng năng suất và nâng cao đời sống nhân dân. Những kết quả này một mặt khẳng định sự ổn định phát triển của Việt Nam, mà còn tạo ra niềm tin đối với bạn bè quốc tế. Vì vậy, chỉ số tín nhiệm về năng lực cạnh tranh của Việt Nam tăng 3,5 điểm và 10 bậc theo đánh giá của WEF (Diễn đàn kinh tế thế giới), Việt Nam trở thành quán quân trong cuộc đua cải thiện thứ hạng trong xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu 2019, nằm trong nửa trên của bảng xếp hạng thế giới, vị trí 67 trên 141 nền kinh tế được xếp hạng.
Thứ hai, việc từ bỏ công nghiệp hóa, hiện đại hóa để chuyển sang phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa thuần túy là bước đi không phù hợp. Chúng ta không thể phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp thành công, nếu không có nền công nghiệp phát triển, đặc biệt công nghiệp chế biến nguyên nhiên vật liệu nông nghiệp. Sản xuất theo hướng nông nghiệp hàng hóa là đẩy mạnh thâm canh, chuyên môn hóa, sử dụng ngày càng nhiều máy móc, vật tư nông nghiệp, công nghiệp mới (trước, trong và sau thu hoạch), nông nghiệp gắn liền với công nghiệp chế biến và dịch vụ nông nghiệp. Việc áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất hàng hóa sẽ tạo nên năng suất cao, sản phẩm nhiều về lượng và tốt về chất, giá thành hạ, hiệu quả và giá trị kinh tế cao. Việc quan tâm đầu tư nghiên cứu công nghệ, chú ý áp dụng, cải tiến kỹ thuật, sử dụng máy móc, công nghệ hiện đại trong sản xuất hàng hóa nói chung, trong nền kinh tế nông nghiệp sản xuất hàng hóa nói riêng là yêu cầu bắt buộc. Như vậy, ý kiến cho rằng bỏ qua công nghiệp hóa, hiện đại hóa để tập trung phát triển nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa, như một số ý kiến đặt ra là không thể chấp nhận được.
Thứ ba, phải chăng chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam là mơ hồ, không có mục tiêu, chạy theo lợi ích nhóm, cần phải khôi phục sở hữu tư nhân về đất đai, xóa bỏ vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Quan điểm này thực chất là cố tình phủ nhận những kết quả tích cực mà quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đem lại. Họ cố tình lợi dụng những thiếu sót, sai lầm mà chính chúng ta đã nhận thức được và đã điều chỉnh. Cũng như những vụ việc tham nhũng đã được làm sáng tỏ và bị pháp luật trừng trị nghiêm khắc để quy kết cho việc thực hiện một chính sách công nghiệp hóa không rõ mục tiêu, một kế hoạch công nghiệp hóa mơ hồ, dẫn đến khủng hoảng kinh tế – xã hội trầm trọng. Và cuối cùng là họ quay lại đòi xóa bỏ sở hữu toàn dân về đất đai, đòi xóa bỏ vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, nhằm nắn chỉnh, hướng lái con đường của chúng ta chệch khỏi quỹ đạo XHCN. Cụ thể hơn đó là sự phủ định con đường xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, hướng lái chúng ta chuyển sang phát triển kinh tế thị trường TBCN theo ý đồ của Họ. Vì vậy, mỗi chúng ta cần phải cảnh giác, đấu tranh bác bỏ./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét