Thứ Bảy, 9 tháng 10, 2021

THÀNH TỰU VỀ NHÂN QUYỀN Ở VIỆT NAM

           Quyền con người gắn liền với sự phát triển của lịch sử nhân loại, là một tiêu chí quan trọng phản ánh sự tiến bộ, văn minh của nhân loại qua những nấc thang lịch sử. Ở Việt Nam quyền con người được xác định, bảo đảm trong pháp luật quốc gia và những thỏa thuận, luật pháp quốc tế. Theo đó, mọi chiến lược, chương trình, dự án phát triển kinh tế – xã hội được xây dựng theo nguyên tắc lấy nhân dân làm trung tâm và để phục vụ nhân dân, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn nỗ lực bảo đảm, phát triển quyền con người trên mọi phương diện.

Trong sự nghiệp đổi mới, với các bước đi đồng bộ kết hợp giữa đổi mới kinh tế với đổi mới chính trị, bảo đảm an ninh – quốc phòng, đẩy mạnh đầu tư và phát triển văn hóa, giáo dục, quan hệ quốc tế,… đưa đến nhiều thành tựu về vật chất, tinh thần, đó là nguồn lực, điều kiện để chăm lo cho toàn dân với quyết tâm “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Đặc biệt, thời gian qua, dù phát triển kinh tế không đạt mục tiêu như kế hoạch đặt ra do ảnh hưởng đại dịch Covid-19 và tình hình thiên tai, bão lụt tại các địa phương nhưng ở Việt Nam, các quyền cơ bản của con người vẫn luôn được bảo đảm. Từ một nước nghèo, hậu quả của chiến tranh nặng nề và bị bao vây cấm vận trong nhiều năm, nhưng Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đã nỗ lực vượt mọi khó khăn và trở ngại để trở thành một trong những nước đã thực hiện thành công trước thời hạn nhiều Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ của Liên hợp quốc, đời sống của nhân dân ngày càng được cải thiện.

Để bảo đảm cho mọi người Việt Nam được thụ hưởng đầy đủ quyền con người, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm đến việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, trong đó nổi lên là các quyền về chính trị, dân sự. Đơn cử, Quốc hội khóa XIV thông qua nhiều văn bản luật mới, đồng thời sửa đổi và ban hành mới nhiều văn bản luật. Các luật này đều tuân thủ nguyên tắc pháp quyền xã hội chủ nghĩa, phù hợp quy định của Hiến pháp năm 2013, bảo đảm, phát huy quyền làm chủ của nhân dân; công nhận, tôn trọng và bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân,… trong đó nổi lên là Luật Báo chí; Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo; Luật Tiếp cận thông tin; Luật An ninh mạng…

Các bộ luật trên có vai trò quan trọng trong từng lĩnh vực cụ thể của quyền con người. Đối với báo chí đây là cơ sở bảo đảm để báo chí Việt Nam đồng hành cùng dân tộc, phát triển lành mạnh, phát huy tính tích cực xã hội trong sự đa dạng, phong phú, xứng đáng với vai trò kênh truyền tải hiệu quả mọi quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đi đầu trong biểu dương và cổ vũ cái tích cực, lên án và phê phán cái tiêu cực, góp phần quan trọng nâng cao nhận thức, trau dồi giá trị chân – thiện – mỹ trong nhân dân, đồng thời đấu tranh ngăn chặn luận điệu sai trái, thù địch… Đây cũng là cơ sở bảo đảm bảo vệ môi trường an ninh trên internet, xây dựng internet trở thành môi trường an toàn, lành mạnh để mọi người Việt Nam giao lưu, học hỏi, trao đổi, tiếp thu tri thức, giải trí,… một cách hữu ích, có trách nhiệm.

Những năm qua, mọi người Việt Nam đều được hưởng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, quyền theo hoặc không theo một tôn giáo nào; công dân – tín đồ sống “tốt đời, đẹp đạo”; rất nhiều cơ sở thờ tự, nhà thờ, nhà chùa được xây mới, xây dựng lại; chức sắc, nhà tu hành, người hoạt động tôn giáo chuyên nghiệp đã tăng lên nhằm đáp ứng nhu cầu trong đời sống tinh thần và tâm linh của nhân dân; các tôn giáo có quyền và được Nhà nước Việt Nam tạo điều kiện mở trường, cơ sở đào tạo chức sắc, xuất bản kinh sách, tham gia các hoạt động xã hội; các lễ hội tôn giáo đã được tổ chức long trọng, trang nghiêm; trong các năm 2008, 2014, 2019, Liên hợp quốc đã chọn Việt Nam làm địa điểm và đã tổ chức thành công Đại lễ Phật đản…

Thực tế trên không chỉ được nhiều nước trên thế giới, bạn bè quốc tế đánh giá cao, mà ngay cả nhiều tổ chức, cá nhân từng có lúc chưa hiểu rõ hoặc thiếu thiện chí với Việt Nam cũng phải thay đổi, thừa nhận. Sau nhiều năm sống tại Việt Nam, ông A. Sauvageot (Sa-va-gớt – cựu đại tá CIA từng tham gia chiến tranh ở Việt Nam) đã nói: “Nếu ai hỏi tôi, tự do tín ngưỡng ở Việt Nam là bao nhiêu, theo tôi là 100%. Một điều nữa, tự do không tín ngưỡng của Việt Nam cũng là 100%. Cá nhân tôi không theo một tôn giáo nào, nhưng làm việc ở Việt Nam, tôi không bao giờ bị mang tiếng xấu vì điều đó. Tôi có nhiều người bạn là người Mỹ và Việt Nam, họ theo Thiên chúa giáo, Tin lành, Phật giáo”.

Hiện nay, để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, nhất là bảo đảm quyền con người, quyền công dân, Việt Nam đã thành lập Ủy ban Quốc gia về chính phủ điện tử để cung cấp dịch vụ công trực tuyến, nâng cao hiệu quả tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp; cán bộ, cơ quan, tổ chức trực tiếp đối thoại, lắng nghe ý kiến và giải quyết mọi nhu cầu chính đáng của nhân dân; nhân dân được hưởng cuộc sống hạnh phúc và ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý điều hành của Nhà nước/.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét