Thứ Bảy, 9 tháng 10, 2021

PHẠM TRẦN – KẺ ĂN NÓI HÀM HỒ

 

Trong những ngày qua, cùng với việc thực hiện nhiệm vụ phòng, chống đại dịch Covid-19, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đang phấn khởi, tin tưởng, tích cực đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống. Ấy vậy mà, bất chấp thực tiễn khách quan, trên trang Danlambao, Phạm Trần đã có bài viết: Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục chúi đầu xuống cát”. Y đã không ngượng mồm cho rằng: “Chủ nghĩa Xã hội Cộng sản là của riêng ông Hồ và Đảng Cộng sản Việt NamĐảng Cộng sản Việt Nam đã áp đặt và tròng vào cổ người dân thứ Chủ nghĩa ngoại lai này chứ nhân dân không lựa chọn”. Bài viết của Phạm Trần đã gây bức xúc dư luận xã hội, đi ngược với khát vọng không chỉ của nhân dân Việt Nam mà của cả nhân loại tiến bộ trên thế giới.

Thực tiễn đã cho thấy, chủ nghĩa xã hội và sự lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Đảng ta và của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đáp ứng đúng khát vọng của nhân dân Việt Nam, hoàn toàn phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử. Điều này được minh chứng trên bốn vấn đề sau:

Thứ nhất, dù nhìn nhận chủ nghĩa xã hội ở góc độ nào cũng đều thấy, chủ nghĩa xã hội vẫn là tương lai của xã hội loài người. Chủ nghĩa xã hội có mục tiêu cao cả là giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng con người, tạo điều kiện để con người phát triển toàn diện; là một chế độ xã hội mà con người được tự do, sống hòa bình và hữu ái giữa các cộng đồng, không còn áp bức, bóc lột, bất công, một xã hội thực sự vì con người. Con người dù ở đâu, dưới chế độ nào cũng mong muốn mình được tự do, ấm no, hạnh phúc. Vì vậy, sự lựa chọn con đường đi lên một chế độ xã hội vì con người, không còn áp bức, bóc lột, bất công là những khát vọng, mong ước tốt đẹp không chỉ của nhân dân Việt Nam mà của cả nhân loại.

Thứ hai, thực tiễn lịch sử cũng đã chứng minh, nhân dân Việt Nam đã trải qua một quá trình đấu tranh lâu dài, gian khổ, hy sinh chống lại sự cường quyền, áp bức của các thế lực ngoại xâm để giành và giữ nền độc lập cho dân tộc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Đường lối xuyên suốt của cách mạng Việt Nam và cũng là điểm cốt yếu trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là “Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội”. Chỉ có chủ nghĩa xã hội mới có thể giải quyết căn cơ vấn đề độc lập cho dân tộc và cuộc sống tự do, hạnh phúc cho số đông nhân dân. Thực tiễn Việt Nam, từ khi có Đảng Cộng sản, có Nhà nước xã hội chủ nghĩa, nhất là 35 năm đổi mới đã chứng minh điều này.

Thứ ba, hiện nay, chủ nghĩa tư bản, nhất là ở một số nước tư bản phát triển đạt được những thành tựu to lớn về kinh tế, khoa học và công nghệ; có sự điều chỉnh nhất định về sở hữu, an sinh xã hội… làm cho diện mạo của CNTB khác nhiều so với trước đây. Tuy nhiên, chủ nghĩa tư bản không thể khắc phục được những mâu thuẫn cơ bản vốn có của nó. Do vậy, các cuộc khủng hoảng về nhiều mặt tiếp tục diễn ra. Chẳng hạn là khủng hoảng trong việc giải quyết dịch bệnh Covid-19 hiện nay đang làm trầm trọng thêm các mâu thuẫn, xung đột, bạo lực dân tộc, sắc tộc, tôn giáo, biểu tình, bãi công… không chỉ ở thế giới tư bản, mà còn đặt ra nhiều thách thức vô cùng to lớn cho sự tồn tại và phát triển của nhân loại. Một chế độ không vì lợi ích của cộng đồng, chỉ vì lợi ích của một nhóm người giầu có thì đó chắc chắn không phải là chế độ xã hội mà nhân dân Việt Nam mong đợi, càng không phải là tương lai của nhân loại. Nhân dân Việt Nam cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người. Điều đó cũng có nghĩa rằng chủ nghĩa tư bản không thể đáp ứng được khát vọng, nguyện vọng của nhân dân Việt Nam.

Thứ tư, thực tiễn 35 năm đổi mới đất nước, những thành tựu đạt được trên các lĩnh vực, có thể nói: Xét trên nhiều phương diện, người dân Việt Nam ngày nay có các điều kiện sống tốt hơn so với bất cứ thời kỳ nào trước đây. Rõ ràng phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa không những có hiệu quả tích cực về kinh tế mà còn giải quyết được các vấn đề xã hội tốt hơn nhiều so với các nước tư bản có cùng mức phát triển kinh tế. Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Như vậy, cả về lý luận và thực tiễn đều cho thấy, chủ nghĩa tư bản không phải là nấc thang phát triển cao nhất của xã hội loài người. Xu hướng phát triển chung là các dân tộc lựa chọn đi lên chủ nghĩa xã hội, dù cho con đường đó diễn ra lâu dài, gian khổ và cách thức tiến hành sẽ không giống nhau. Đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là quy luật tất yếu, khách quan chứ không phải sự chủ quan của riêng ai. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam đã đáp ứng đúng nguyện vọng của nhân dân Việt Nam, hoàn toàn phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử chứ không phải “là sự áp đặt, tròng vào cổ người dân” như Phạm Trần đã viết. Mọi người hãy tỉnh táo, cảnh giác và kiên quyết đấu tranh với những luận điểm xuyên tạc, phản động, bất chấp quy luật khách quan như Phạm Trần./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét