Mới đây, Đài RFA đăng bài viết “Cuộc chiến thông tin của Việt Nam chống lại ai”, dẫn chứng một số phát ngôn của những kẻ thường xuyên chống đối chính quyền xung quanh vấn đề cung cấp thông tin, quản lý thông tin của Chính phủ Việt Nam. Trong đó nổi lên có nhận định của Nguyễn Văn Đài, “Y” cho rằng: “Cộng sản Việt Nam từ khi thiết lập cai trị đến nay luôn kiểm soát thông tin”, xuyên tạc, bịa đặt “Bản chất cuộc chiến thông tin của chính quyền Việt Nam là chống lại người dân, để bảo vệ quyền lực cho Đảng Cộng sản”
Thực chất vấn đề này ở Việt Nam như thế nào? Như chúng ta đã biết, quyền tiếp cận thông tin và được thông tin là một thành tố quan trọng của quyền tự do thông tin, một quyền cơ bản của con người, được Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền năm 1948 thừa nhận và xác định. Quyền tự do thông tin bao gồm quyền tìm kiếm, thu thập, phổ biến và quyền được thông tin. Quyền được thông tin tạo cơ sở cho người dân trong việc giám sát sự công khai, minh bạch trong hoạt động của nhà nước.
Bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của người dân là vấn đề luôn được Đảng và Nhà nước Việt Nam chú trọng, bởi đây là một trong những quyền cơ bản của con người. Chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước ta là khuyến khích, tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân được thông tin; mọi công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin; khai thác, sử dụng internet để tiếp cận thông tin nhằm phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, hỗ trợ cải cách hành chính, nâng cao chất lượng cuộc sống và thực hiện các quyền tự do cơ bản của nhân dân. Chủ trương này đã được hiến định trong Hiến pháp Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2013) và được cụ thể hóa trong nhiều đạo luật, nghị định, như: Luật Báo chí (2016), Luật Tiếp cận thông tin (2016), Nghị định 72/2013/NĐ-CP, ngày 15/07/2013 của Chính phủ về Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng,… Thủ tướng Chính phủ còn hành Quy chế về cơ chế phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo các quy định của pháp luật và hoạt động báo chí hiện hành…
Có thế thấy cũng như nhiều nước trên thế giới, ở Việt Nam, quyền tiếp cận thông tin của người dân Việt Nam được biết đến chính là thông qua các đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, hoặc thông qua các cuộc họp dân (họp đại diện gia đình trong thôn, tổ dân phố, họp cử tri…); thông qua hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo; yêu cầu cơ quan báo chí cung cấp thông tin của công chúng tới các cơ quan nhà nước và chuyển tiếp câu trả lời của các cơ quan nhà nước tới công chúng… Những quyền tiếp cận thông tin này không chỉ là một quyền thụ động do cơ quan nhà nước công khai thông tin theo nhận thức của mình, mà còn là quyền chủ động, được đòi hỏi các cơ quan, tổ chức nhà nước đáp ứng. Mọi hành vi cản trở, đe dọa đến quyền được thông tin, quyền tự do tiếp cận thông tin; lợi dụng quyền tự do ngôn luận, tự do thông tin để xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp và chính đáng của tổ chức, cá nhân; gây tổn hại đến uy tín, danh dự của người khác; xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đạo đức và sức khỏe cộng đồng… tùy vào tính chất, mức độ đều bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Thực tiễn trên là minh chứng sinh động bác bỏ luận điệu xuyên tạc của Nguyễn Văn Đài trên Đài RFA về cái gọi là “kiểm soát thông tin” của Đảng Cộng sản Việt Nam. Do đó, mỗi chúng ta cần nêu cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh, phản bác mọi luận điệu sai trái, xuyên tạc, bóp méo sự thật về bảo đảm quyền con người nói chung và quyền được thông tin, tiếp cận thông tin của người dân Việt Nam nói riêng./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét