Chủ Nhật, 2 tháng 4, 2023

Bác bỏ luận điệu xuyên tạc của Phạm Quý Thọ về văn hóa ở Việt Nam

 

Phạm Quý Thọ cho rằng, bảo tồn văn hóa là “chống lại bành trướng các giá trị tự do dân chủ của văn hóa phương Tây thông qua thị trường trong quá trình toàn cầu hóa”. Tuy nhiên, ở Trung Quốc lại xuất hiện “chủ nghĩa tân bảo thủ”, nghĩa là “hung hăng chống lại các giá trị văn hóa phương Tây”, chống lại “điểm cuối cùng của sự tiến bộ của nhân loại trên toàn thế giới”. Chính sách bảo tồn văn hóa của Việt Nam là “phiên bản đặc thù theo “chủ nghĩa tân bảo thủ” có nguồn gốc Trung Quốc, để theo đuổi tăng trưởng kinh tế nhanh nhờ thị trường. Đảng Cộng sản nỗ lực thực hành bảo tồn văn hóa như một công cụ để củng cố “chủ quyền chính trị” của mình, nhấn mạnh tư tưởng chủ nghĩa Mác – Lênin chống lại sự bành trướng của các giá trị tự do dân chủ phương Tây”.

Đây là sự xuyên tạc quan điểm, chính sách của Đảng, Nhà nước ta về văn hóa, đặc biệt là bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc Việt Nam.

Như chúng ta đã biết, nền văn hóa mà Việt Nam xây dựng là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với nội dung cốt lõi là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh giữ vai trò chủ đạo trong đời sống tinh thần của xã hội; kế thừa những truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc đồng thời tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa văn hóa của thế giới, phấn đấu xây dựng một xã hội văn minh, lành mạnh vì lợi ích chân chính và phẩm giá con người, với trình độ tri thức, đạo đức, thể lực, lối sống và thẩm mỹ ngày càng cao. Trong đó, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc là nhiệm vụ trọng tâm.

Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc là bảo tồn, giữ gìn thành quả hàng nghìn năm lao động sáng tạo, đấu tranh kiên cường của dân tộc Việt Nam, đó là: lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc; tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân với giá trị nhà – làng – nước; lòng nhân ái khoan dung, trọng tình nghĩa, đạo lý; cần cù sáng tạo trong lao động; sự tinh tế trong ứng xử, giản dị trong lối sống… Đây là những tinh hoa, giá trị bền vững được hun đúc, vun đắp trong quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc. Những giá trị ấy đã tạo nên nét đặc sắc riêng chỉ có ở dân tộc, con người Việt Nam. Hơn nữa, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ này nhằm nâng cao sức mạnh nội sinh của dân tộc, tạo động lực để phát triển đất nước bền vững. Giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc giúp giữ được tính độc đáo, bảo đảm tính thống nhất, khơi dậy niềm tự hào dân tộc tạo sự gắn bó, đoàn kết – sức mạnh nội sinh quan trọng cho sự phát triển đất nước. Sự kết nối quá khứ và hiện tại chính là cơ sở, nền tảng, hành trang cho tương lai của dân tộc, đất nước. Hiện nay, việc phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp, kế thừa có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới chính là nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước bền vững.

Đi đôi với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, Đảng ta cũng chủ trương: “cần tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo tồn, kế thừa, phát huy các giá trị tốt đẹp của truyền thống văn hóa dân tộc và tiếp nhận có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới, bắt kịp sự phát triển của thời đại”. Quan điểm trên chỉ ra bên cạnh tiếp thu những tinh hoa văn hóa nhân loại, với tinh thần hội nhập nhưng không hòa tan, chúng ta cũng luôn cảnh giác, nhận diện và đấu tranh chống sự “xâm lăng và nô dịch văn hóa”. Các thế lực thù địch lợi dụng lĩnh vực văn hóa thông qua toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế để chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta, hủy hoại bản sắc, văn hóa của con người, dân tộc Việt Nam. Biểu hiện cụ thể: Một là, công phá nền tảng tư tưởng, xuyên tạc quá khứ, làm suy giảm niềm tin của quần chúng vào Đảng và chế độ, làm cho toàn xã hội hỗn loạn về lý luận và tư tưởng, mất định hướng chính trị, nhen nhóm các lực lượng phản động trong nước, gây áp lực chính trị của quần chúng đòi thay đổi chế độ xã hội chủ nghĩa. Hai là, với thủ đoạn “mưa dầm thấm lâu”, những luận điểm mị dân, lừa bịp, dễ làm cho chúng ta mất cảnh giác, dễ bị cám dỗ, mất phương hướng chính trị, không phân biệt đúng sai, thật giả, tạo ra “khoảng trống” về chính trị, tinh thần và văn hóa để truyền bá các quan điểm tư sản vào nội bộ ta, gây chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ, tạo cơ hội cho các hoạt động kích động lật đổ và bạo loạn chính trị. Ba là, chúng làm mê muội con người, đặc biệt là thế hệ trẻ bằng các sản phẩm độc hại, cổ xúy lối sống hưởng lạc, thực dụng, quên quá khứ, bàng quan chính trị, xa rời lý tưởng để phục vụ cho mưu đồ của chúng. Bốn là, mua chuộc cán bộ, chuyển hóa tư tưởng, văn hóa, cài cắm người vào các tổ chức của ta, móc nối với các phần tử bất mãn, cơ hội chính trị để chống phá Đảng và Nhà nước ta. Năm là, với hình thức tung tin đồn nhảm, tạo dư luận xấu dưới chiêu bài “chống tham nhũng”, “bảo vệ tự do”, “dân chủ”, “nhân quyền”, chúng đưa ra những lời hứa mị dân để gây tâm trạng mơ hồ, mất cảnh giác, cả tin của một số người; từ đó cô lập các lực lượng cách mạng trung kiên, phân hóa những người dao động, thiếu chính kiến, thiếu thông tin; lôi kéo, kích động những người có tâm trạng bất mãn, những lực lượng xấu trong xã hội để gây bạo loạn lật đổ chính quyền.

Như vậy, Đảng ta xác định, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại, đặc biệt là chống sự “xâm lăng văn hóa” là hoàn toàn đúng đắn, khách quan, kế thừa truyền thống của tổ tiên (văn hóa còn thì dân tộc còn), đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân, phù hợp với xu thế của thời đại. Điều đó khẳng định, chúng ta không hề bảo thủ, khép kín, chống lại tinh hoa văn hóa nhân loại, càng không coi đó là công cụ để củng cố, bảo vệ “chế độ độc tài” như các thế lực thù địch, phản động xuyên tạc./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét