Thiện Ý cho rằng, “Đức tin tôn giáo hay vô thần là sự tự do lựa chọn của mỗi người, là nhu cầu tinh thần của mỗi cá nhân”. Y cũng khẳng định: “Ai cũng phải tôn trọng niềm tin của người khác, dù niềm tin ấy anh cho là phi lý, là mê tín dị đoan, là phản khoa học, anh cũng không có quyền bài bác…, như việc làm có chủ đích bao lâu nay của nhóm người Việt chống phá tôn giáo”. Luận điệu trên rất thâm độc, đòi hỏi phi lý thứ tự do tôn giáo đứng trên hết thảy, mục đích “rửa mặt” cho bọn xâm lược, tay sai, bán nước (trong bài viết đề cập là những người mà y cho là có “công trạng” với lịch sử dân tộc như Ngô Đình Diệm và những “tay sai” thời Pháp thuộc), đổi trắng thay đen, vu khống tất cả những ai phê bình, chỉ trích, bài bác là “đánh phá tín đồ”
Thứ nhất, phải khẳng định, không ở đâu chấp nhận niềm tin tôn giáo trái cả đạo và đời
Tôn giáo là một hiện tượng xã hội, luôn có những tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội. Sự tác động của tôn giáo có tính lịch sử và chẳng chế độ nào cho phép tôn giáo chi phối tất cả, nhất là giáo lý, giáo luật cũng như hoạt động thực tế cản trở sự phát triển của xã hội, nhất là chống lại giai cấp cầm quyền. Trong hệ thống giáo lý, giáo luật của các tôn giáo đều quy định những nội dung phải làm và không được làm với mỗi tín đồ. Mỗi tín đồ tôn giáo không những phải thực hiện theo giáo lý, giáo luật, đường hướng hành đạo của tôn giáo mình tin theo mà còn phải tuân thủ pháp luật, quy định của nhà nước, địa phương cư trú và sinh hoạt, hoạt động tôn giáo. Mọi tư tưởng, hành động của tín đồ trái với những điều đó đều bị lên án, xử lý nghiêm minh, đặc biệt là những hành vi chống lại loài người xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc.
Ở Việt Nam, các tôn giáo luôn có đường hướng hành đạo cũng như các quy định cho các tín đồ tuân theo pháp luật, thực hiện tôn giáo gắn bó, đồng hành cùng dân tộc. Đồng thời, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho mọi người là quan điểm, chủ trương xuyên suốt, nhất quán của Đảng, Nhà nước. Điều 6, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 xác định: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Mỗi người có quyền bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo; thực hành lễ nghi tín ngưỡng, tôn giáo; tham gia lễ hội; học tập và thực hành giáo lý, giáo luật tôn giáo”. Tuy nhiên, việc bày tỏ niềm tin tôn giáo cũng như sinh hoạt, hoạt động tôn giáo không được trái với quy định của pháp luật và hiến chương, điều lệ của các tổ chức tôn giáo. Tại Điều 5 của Luật này cũng chỉ rõ những hành vi bị nghiêm cấm: phân biệt đối xử, kỳ thị vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo; ép buộc, mua chuộc hoặc cản trở người khác theo hoặc không theo tín ngưỡng, tôn giáo; xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo; hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo xâm phạm quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, môi trường, xâm hại đạo đức xã hội; xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng, tài sản; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác, chia rẽ người theo tín ngưỡng, tôn giáo với người không theo tín ngưỡng, tôn giáo; lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo để trục lợi”.
Nếu ai vi phạm các quy định trên đều có chế tài để xử lý nghiêm minh, đồng thời bị dư luận lên án. Vì thế, luận điệu “ai cũng phải tôn trọng niềm tin của người khác, dù niềm tin ấy anh cho là phi lý, là mê tín dị đoan, là phản khoa học, anh cũng không có quyền bài bác” là hoàn toàn phi lý, đi ngược lại với thực tiễn và chính trong giáo lý, giáo luật, đường hướng hành đạo của các tôn giáo.
Thứ hai, hiểu cho đúng về công tác đấu tranh với các đối tượng thiếu thiện cảm lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo chống phá cách mạng Việt Nam
Ở nước ta, một số tổ chức tôn giáo bị các đối tượng thiếu thiện cảm lợi dụng để chống phá cách mạng Việt Nam. Vì thế, đi đôi với bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho mọi người, Đảng, Nhà nước xác định phải kiên quyết đấu tranh với các thế lực thù địch, đối tượng thiếu thiện cảm, lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để chống phá sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Để thực hiện nhiệm vụ này, việc vạch trần, lên án, đấu tranh với âm mưu, hoạt động của những kẻ đã, đang lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo (giả danh, đội lốt tôn giáo) để xâm lược nước ta, “phản nước”, “hại dân”, là những “Việt gian đồng thời cũng là giáo gian” là khách quan, cần thiết. Thông qua đó, giúp cho mọi người (theo hoặc không theo một tôn giáo) phân biệt rõ đâu là sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo, đâu là những hoạt động lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để trục lợi, phản nước, hại dân. Đồng thời, làm cho dư luận thế giới có cái nhìn khách quan, chính xác về tình hình tôn giáo ở Việt Nam.
Tôn giáo có tính lịch sử, chúng ta không phủ nhận những đóng góp xứng đáng của “những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo” trong lịch sử dân tộc nhưng cũng không được phép quên, bỏ qua những kẻ “tội đồ” vừa phá Đạo vừa phá Đời, nhất là trong tình hình hiện nay. Do đó, việc quy kết những hoạt động vạch trần, lên án, đấu tranh với âm mưu, hoạt động của những kẻ lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo chống phá cách mạng Việt Nam là “chống phá tôn giáo” là hoàn toàn sai trái, phản động; và là âm mưu thâm độc của bọn “Việt gian”, “lật sử” như Thiện Ý, nhằm “rửa mặt” cho bè lũ cướp nước và bán nước mà thôi./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét