Chiến thắng Điện Biên Phủ có ý nghĩa quyết định đối với việc ký kết Hiệp định Giơnevơ, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam và Đông Dương; cổ vũ mạnh mẽ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trên toàn thế giới. 70 năm đã trôi qua, sự thật lịch sử vẫn luôn được nhân dân ta trân trọng, gìn giữ và được quốc tế công nhận. Tuy nhiên, những ngày qua trên internet và một số trang mạng xã hội xuất hiện một số bài viết của các đối tượng thù địch, chống phá, chúng rêu rao rằng: Chiến thắng Điện Biên Phủ chỉ là sự “tung hô của truyền thông cộng sản”, “không có gì đáng bàn về nghệ thuật quân sự”… Đây là những luận điệu không mới về thủ đoạn, nhưng hết sức thâm độc với mục đích gieo rắc sự hoài nghi, nhằm làm giảm uy tín, vai trò lãnh đạo, quản lý của Đảng, Nhà nước và nhiệm vụ của Quân đội.
Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” là mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc Việt Nam và được nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới ghi nhận. Suốt 70 năm qua, nhiều kênh truyền hình, tạp chí uy tín trên thế giới, cũng như các chính khách, học giả, nhà tư tưởng, nhà nghiên cứu lịch sử, quân sự, văn hóa, chính trị, pháp lý,… với biết bao cuộc hội thảo, tọa đàm, trao đổi khoa học, trên rất nhiều diễn đàn với các cấp độ, tính chất và quy mô khác nhau để tìm hiểu, nghiên cứu, khám phá chiến thắng Điện Biên Phủ. Nói về ý nghĩa chiến thắng Điện Biên Phủ, ngay tại Pháp, đài truyền hình France 24 khẳng định, đây là “một thời khắc quan trọng trong lịch sử” của Việt Nam và “một cột mốc trong lịch sử phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới”. Tờ The New York Times cho rằng, sự sụp đổ của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ “đặt dấu chấm hết cho sự ảnh hưởng quân sự của Pháp tại châu Á”; tờ Frontline của Ấn Độ đưa ra nhận xét: Chiến thắng Điện Biên Phủ là “động lực to lớn cho phong trào giải phóng dân tộc trên khắp thế giới”. Cũng theo nhiều nhà nghiên cứu quân sự, lịch sử trên thế giới đánh giá đây là “một Stalingrat của lịch sử chiến đấu giải phóng thuộc địa”. Từ những nhận định, đánh giá khách quan của các cơ quan truyền thông và của các nhà nghiên cứu trên toàn thế giới là những minh chứng đập tan luận điệu xuyên tạc phủ nhận giá trị, ý nghĩa của chiến thắng Điện Biên Phủ.
Chiến thắng Điện Biên Phủ thể hiện rõ nét nghệ thuật quân sự độc đáo của Việt Nam. Tướng 4 sao Henri Navarre – tổng chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương chính là tổng công trình sư của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ được mệnh danh là “một pháo đài bất khả xâm phạm, một tập hợp những gì mạnh nhất, kiên cố nhất chưa từng có ở Đông Dương”, “một Verdun ở châu Á”. Thế nhưng, với ý chí, quyết tâm chiến đấu của quân và dân ta; trên cơ sở đánh giá chính xác tình hình, Đảng ta đã đưa ra những chỉ đạo đúng đắn về chiến lược, nghệ thuật chiến dịch và chiến thuật chiến đấu để giành toàn thắng. Sau này, tướng Henri Navarre đã phải thừa nhận rằng: “Trên mọi phương diện, sự kết hợp giữa chính trị – quân sự đã được Việt Minh tiến hành với một sự khéo léo bậc thầy”. Tướng 4 sao Raoul Salan, Tổng chỉ huy quân viễn chinh Pháp nhiều năm ở Đông Dương cũng đưa ra nhận xét: “Quân đội Việt Minh, từ nhân dân mà ra, hòa với nhân dân làm một, tìm sức sống trong nhân dân… có khả năng tiến hành chiến tranh du kích và làm công tác tuyên truyền, đánh cơ động cũng giỏi mà đánh công kiên cũng giỏi… Quân đội này là một quân đội quên mình vì họ có lý tưởng… Đây là một đội quân ưu việt”. Nói về ý chí chiến đấu của Quân đội nhân dân Việt Nam, Tư lệnh quân dù Pháp ở Điện Biên Phủ Piere Langlais đánh giá: “Không ai có thể ngờ rằng, trong 50 ngày bộ binh Việt Minh lại đào được tới 400km hào giao thông ở lớp đất ruộng của Điện Biên Phủ. Và bộ chỉ huy quân ta đã phát hiện ra rằng lưỡi xẻng và lưỡi cuốc của họ cũng là những vũ khí mạnh mẽ như xe tăng và máy bay”. Tiến sĩ Ivan Cadeau, một nhà nghiên cứu lịch sử người Pháp cho rằng, trận Điện Biên Phủ “là thất bại không thể phủ nhận của quân đội Pháp trước một đối thủ dũng cảm”.
Từ những vấn đề trên cho thấy, truyền thông của Việt Nam tuyên truyền về chiến thắng Điện Biên Phủ là hoàn toàn đúng đắn, phản ánh đúng diễn biến trận Điện Biên Phủ. Điều này được các kênh truyền hình, báo chí quốc tế đưa tin khẳng định về ý nghĩa chiến thắng và được chính những người trong cuộc – những người lãnh đạo, tướng lĩnh Pháp thừa nhận sự thất bại và đánh giá cao nghệ thuật quân sự đặc sắc của Việt Nam. Cho nên, những luận điệu xuyên tạc cho rằng: Chiến thắng Điện Biên Phủ chỉ là sự “tung hô của truyền thông cộng sản”, “không có gì đáng bàn về nghệ thuật quân sự” là hoàn toàn sai trái, bịa đặt, không có căn cứ lịch sử cần lên án, bác bỏ kịp thời./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét