Chủ Nhật, 13 tháng 10, 2024

CẢNH GIÁC THỦ ĐOẠN LỢI DỤNG ĐÓNG GÓP Ý KIẾN SỬA ĐỔI LUẬT LUẬT SƯ ĐỂ CHỐNG PHÁ ĐẢNG, NHÀ NƯỚC

 

Thời gian gần đây, trong khi các tổ chức, cơ quan chức năng đang tích cực tổ chức các hội nghị, hội thảo, đặc biệt là đối với những luật sư để lấy ý kiến đóng góp xây dựng Luật, các lực lượng thù địch, phản động lợi dụng vấn đề này để xuyên tạc ý nghĩa và một số nội dung của định hướng xây dựng Luật. Trên các trang mạng xã hội, bên cạnh việc trích dẫn, cắt ghép ý kiến của một số luật sư trong các cuộc hội thảo khoa học về định hướng xây dựng Luật Luật sư sửa đổi, các tổ chức RFA, BBC… đã viện dẫn ý kiến sai trái của những luật sư thoái hóa, biến chất như: Đặng Đình Mạnh, Lê Quốc Quân… để phủ nhận sự cần thiết, giá trị và một số nội dung bổ sung của luật như: “không nên bắt luật sư phải có bản lĩnh chính trị”, “bản lĩnh chính trị đó là sự hiểu biết và chấp nhận sự độc tài về chính trị của Đảng Cộng sản”, “yêu cầu bãi bỏ ba điều luật (109, 117, 331) trong Bộ luật Hình sự năm 2015)”… Chúng ta cần cảnh giác và đấu tranh với những luận điệu sai trái này.

Thứ nhất, luật sư cần phải có “bản lĩnh chính trị vững vàng”.

Bản lĩnh chính trị là sự kiên định, khả năng độc lập suy nghĩ, quyết định và hành động, là đòi hỏi cơ bản và trực tiếp đối với mỗi cá nhân, giúp mỗi người kiên định lập trường, quan điểm và bằng ý chí, năng lực của mình vượt qua khó khăn, thử thách, áp lực để quyết tâm thực hiện thắng lợi mục đích đã đề ra. Để thành công trong công việc, cuộc sống mỗi người cần có nhiều phẩm chất, điều kiện, trong đó bản lĩnh chính trị là phẩm chất quyết định.

Ngày nay, khi xã hội càng phát triển, pháp luật ngày càng được đề cao và vị thế của luật sư được coi trọng hơn. Điều đó, một mặt tạo điều kiện thuận lợi, yếu tố tích cực để luật sư hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ công lý, lẽ phải, cái đúng, cái tốt, đấu tranh loại bỏ cái sai, cái xấu trong xã hội. Để hoàn thành được nhiệm vụ vinh dự, nhưng hết sức nặng nề này, luật sư phải độc lập, trung thực, tôn trọng sự thật khách quan, tuân thủ Hiến pháp, pháp luật, đạo đức nghề nghiệp. Bên cạnh việc bảo vệ uy tín và danh tiếng nghề nghiệp, tự giác, gương mẫu tuân thủ pháp luật; mỗi Luật sư phải thực hiện trách nhiệm chính trị, trách nhiệm xã hội của mình thông qua việc tích cực tham gia hoạt động tố tụng theo tinh thần cải cách tư pháp, thực hiện trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đối tượng chính sách, phổ biến, giáo dục pháp luật và các hoạt động xã hội khác.

Mặt khác, hoạt động trong lĩnh vực pháp luật cũng khiến mỗi luật sư phải đối mặt với nhiều cám dỗ, thách thức. Nếu luật sư không có bản lĩnh chính trị vững vàng sẽ dễ bị những cám dỗ lợi ích, vật chất mua chuộc, bị gây áp lực từ nhiều phía, khiến luật sư khó giữ được mình, đánh mất bản thân, làm mất niềm tin của khách hàng, nguy hiểm hơn là làm mất niềm tin của người dân đối với những người thực thi, bảo vệ công lý, mất niềm tin vào pháp luật của Nhà nước. Bởi lẽ, luật sư là những người làm việc độc lập, tự chịu trách nhiệm về hành vi ứng xử của mình ở mọi lĩnh vực pháp luật. Trong quá trình hoạt động nghề, luật sư là người có nguy cơ tiếp xúc với những mặt trái, mặt xấu của xã hội và có nguy cơ rơi vào cám dỗ. Vì vậy, để hoàn thành nhiệm vụ cao quý, cần xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng là điều tất yếu của mỗi luật sư trong quá trình hoạt động nghề. Do vậy, đưa nội dung luật sư phải có “bản lĩnh chính trị” vào định hướng xây dựng Luật Luật sư sửa đổi là cần thiết và phù hợp.

  Thứ hai, yêu cầu xóa bỏ ba điều (109, 117, 331) trong Bộ luật Hình sự 2015 là đòi hỏi vô lý.

Không chỉ xuyên tạc, phủ nhận giá trị, nội dung định hướng xây dựng Luật Luật sư sửa đổi, các lực lượng thù địch, phản động còn đưa ra yêu cầu xóa bỏ ba điều (109, 117, 331) trong Bộ luật Hình sự năm 2015. Đây là những đòi hỏi vô lý, bởi các điều luật mà chúng đòi xóa bỏ là những quy định về nhóm tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia như: Điều 109 “Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, Điều 117 “Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, Điều 331 “Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. Đến đây thì bản chất thù địch, phản động đã thể hiện rõ, chúng muốn xóa bỏ các điều luật trên để thực hiện âm mưu, ý đồ hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, tạo môi trường thuận lợi để chống phá Đảng, Nhà nước. Mục đích của các lực lượng chống phá là muốn đưa mình thoát khỏi “vùng cấm” của luật pháp, muốn đứng ngoài vòng pháp luật để dễ dàng tiến hành các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước như: Tuyên truyền chống Nhà nước, thành lập các tổ chức chính trị đối lập, đối trọng với Đảng Cộng sản Việt Nam… mà không bị chế tài pháp luật xử lý.

Bên cạnh đó, thông qua các hoạt động tuyên truyền kêu gọi, đòi xóa bỏ các điều luật trên, các lực lượng chống phá muốn gây sự chú ý của dư luận trong nước, cũng như cộng đồng quốc tế, nhất là các tổ chức theo dõi nhân quyền, các cơ quan truyền thông thiếu thiện chí như: RFI, RFA, BBC… can thiệp. Đồng thời, thông qua các hoạt động tuyên truyền, kêu gọi đó để hướng lái dư luận xã hội theo chiều hướng tiêu cực, tạo ra suy nghĩ rằng môi trường chính trị của Việt Nam rối ren, tâm lý người dân bất ổn, hoang mang, qua đó hòng tạo áp lực dư luận để đòi hỏi phải thay đổi các quy định hoặc xóa bỏ các điều luật này.

Mặt khác, thông qua việc kêu gọi xóa bỏ một số điều luật trên, các đối tượng nhằm xuyên tạc, vu khống, hạ thấp uy tín, hình ảnh Việt Nam, cho rằng Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền; vu cáo Nhà nước sử dụng các điều luật này để bóp nghẹt quyền tư do dân chủ, các quyền căn bản của công dân đã được Hiến định.

Từ đó có thể thấy, yêu cầu xóa bỏ các điều (109, 117, 331) trong Bộ luật Hình sự năm 2015 chỉ là những đòi hỏi vô lối, là chiêu trò, thủ đoạn của các lực lượng thù địch, phản động hòng bao che, cổ súy cho những hành vi chống phá Đảng, Nhà nước, làm mất ổn định chính trị – xã hội, cản trở sự nghiệp phát triển của Việt Nam.

Để nâng cao chất lượng xây dựng Luật Luật sư, bên cạnh phát huy trí tuệ, trách nhiệm của các tổ chức, lực lượng trong xã hội đóng góp ý kiến tâm huyết, khách quan để xây dựng Luật, cần nêu cao tinh thần cảnh giác, nhận rõ thủ đoạn của các lực lượng thù địch, phản động lợi dụng góp ý sửa đổi Luật Luật sư để xuyên tạc, phủ nhận giá trị, nội dung của Luật, đưa ra những đòi hỏi vô lối, chống phá Đảng, Nhà nước và tích cực đấu tranh bác bỏ./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét