Chủ Nhật, 13 tháng 10, 2024

KHÔNG THỂ PHỦ NHẬN NHỮNG THÀNH TỰU PHÁT TRIỂN KINH TẾ Ở VIỆT NAM

 

Công cuộc đổi mới ở Việt Nam đã và đang phát triển toàn diện, đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Tuy nhiên, với các thế lực thù địch, phần tử phản động thì chẳng bao giờ chúng mong muốn những điều tốt đẹp đó và ngày càng đẩy mạnh các hoạt động xuyên tạc, chống phá thành tựu phát triển kinh tế ở Việt Nam. Mới đây, trên trang Vietnamthoibao.org trong bài “Bên thắng cuộc đã đánh mất cái gì?”, Phạm Đình Bá đã đưa ra những lập luận thiếu cơ sở lý luận, thực tiễn, Y cho rằng: Nền kinh tế Việt Nam thường đóng vai trò là sự mở rộng của chuỗi kinh tế Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc hơn là phát triển năng lực độc lập”. Thực chất nhằm xuyên tạc, phủ nhận, hướng lái người đọc hiểu sai lệch về đường lối phát triển kinh tế ở Việt Nam.

  1. Đại hội lần thứ III (năm 1960), Đảng ta xác định công nghiệp hóa là vấn đề có tính quy luật của quá trình chuyển từ sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn; khi đất nước tiến hành công cuộc đổi mới, năm 1986 đến nay, Việt Nam xác định phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây là mô hình phát triển tổng quát của nền kinh tế Việt Nam, trong đó, gắn kết chặt chẽ giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; phù hợp với thực tiễn nước ta đang trong giai đoạn quá độ lên chủ nghĩa xã hội, từ một nước nông nghiệp lạc hậu, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa, lực lượng sản xuất thấp, chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh, thiên tai. Theo đó, các nhân tố xã hội chủ nghĩa đang được xác lập, do đó Việt Nam nhất thiết phải có nhiều bước đi, nhiều hình thức tổ chức kinh tế, xã hội đan xen nhau, với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Điều đó hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với điều kiện thực tế Việt Nam đang trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

Trong xây dựng và phát triển đất nước, Đảng, Nhà nước ta luôn coi trọng phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt; đẩy mạnh hội nhập quốc tế, tiến hành công cuộc đổi mới; phát huy những lợi thế của toàn cầu hóa và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, như: Không gian kinh tế mới, công nghệ mới, sản phẩm mới; thế giới được mở rộng hơn gắn liền với sự liên kết chặt chẽ giữa các chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Vì vậy, Việt Nam xác định đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đồng thời huy động có hiệu quả các nguồn lực trong nước, phát huy được các nguồn lực bên ngoài, nhất là các dòng vốn đang duy chuyển từ các nước đến Việt Nam, bảo đảm cho phát triển kinh tế nhanh và bền vững, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện thắng lợi mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

  1. Thực tế cho thấy, qua gần 40 năm đổi mới, nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện cả về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh. Trên lĩnh vực kinh tế, liên tiếp từ 2016 đến 2019, Việt Nam đứng trong top 10 nước có kinh tế tăng trưởng cao nhất thế giới; Việt Nam đã ra khỏi nhóm các nước có thu nhập thấp từ năm 2008. Từ 1986 đến 2020: Thu nhập bình quân đầu người tăng khoảng 17 lần. Quy mô GDP nước ta năm 2020 tăng 1,4 lần so với năm 2015, đạt khoảng 343,2 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người đạt 2.779 USD, gấp 1,3 lần năm 2015; năm 2022 đạt 9.513 tỷ đồng (tương đương 409 tỷ USD), thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao trong khu vực cũng như trên thế giới. Quy mô sản xuất của ngành công nghiệp ở nước ta liên tục mở rộng, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của toàn ngành công nghiệp tăng từ 7,4% năm 2016 lên 9,1% năm 2019. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới công bố ngày 26/8/2024, tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2024 dự kiến đạt 6,1%, nhờ sự phục hồi xuất khẩu các mặt hàng chế tạo chế biến, du lịch, tiêu dùng và đầu tư. Hiện nay, Việt Nam có quan hệ kinh tế với hơn 221 thị trường nước ngoài. Việt Nam tiếp tục giữ vị trí là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và đối tác thương mại lớn thứ tư của Trung Quốc, sau Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc; trong đó, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất và là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam; tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Hoa kỳ cũng phát triển nhanh, tăng từ 0,733 tỷ USD năm 2000 lên vượt mốc 100 tỷ USD vào năm 2022, năm 2023 là 97 tỷ USD.

Những năm qua, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng cả về quy mô và chất lượng tăng trưởng ngày càng cao; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên. Việt Nam đã hình thành được một số ngành công nghiệp chủ lực của nền kinh tế, như khai thác, chế biến dầu khí, điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin, luyện kim, sắt thép, vật liệu xây dựng, cơ khí, chế biến,… Một số ngành công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn đang phát triển lớn mạnh, đóng góp lớn về sản xuất, đầu tư, xuất khẩu, giải quyết việc làm, nhất là các ngành da giày, dệt may, thép, thực phẩm chế biến, hóa chất. Một số ngành công nghiệp nền tảng, như cơ khí chế tạo, luyện kim, hóa chất, vật liệu, công nghiệp năng lượng đã từng bước đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam đang làm chuyển đổi căn bản, toàn diện các hoạt động sản xuất, kinh doanh, hàng hóa, dịch vụ, quản lý kinh tế – xã hội, lao động thủ công chuyển sang lao động với trình độ, công nghệ hiện đại, dựa trên sự phát triển của công nghiệp và tiến bộ khoa học công nghệ, tạo ra năng suất lao động cao; tăng tính cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam. Hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách tiếp tục được hoàn thiện phù hợp với yêu cầu xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam và hội nhập kinh tế quốc tế.

Vì vậy, những luận điệu của Phạm Đình Bá xuyên tạc, phủ nhận những thành tựu phát triển kinh tế ở Việt Nam, chống phá Đảng, Nhà nước ta cần được nhận diện. Mỗi cán bộ, đảng viên, nhân dân cần nêu cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh bác bỏ những luận điệu sai trái này./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét