Xuyên tạc, bôi nhọ tư tưởng Hồ Chí Minh là một trong những thủ đoạn chống phá nguy hiểm của các thế lực thù địch. Gần đây, trên “Rfatiengviet” chúng rêu rao rằng: Tư tưởng Hồ Chí Minh chỉ là “mị dân”, “bánh vẽ”, “không có giá trị”… Đây là những luận điệu hết sức xảo trá, phản động, vô căn cứ, cần phải đấu tranh, phản bác kịp thời, bởi thực tế đã chứng minh, cùng với chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh mãi mãi là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho mọi hành động của Đảng trong thực hiện thắng lợi cách mạng giải phóng dân tộc, cũng như trong công cuộc đổi mới đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Tư tưởng Hồ Chí Minh soi sáng con đường đấu tranh giành độc lập, dân tộc
Ngay từ khi thực dân Pháp xâm lược Việt Nam vào giữa thế kỷ XIX, các sĩ phu yêu nước đã liên tiếp đứng lên tổ chức các phong trào cứu nước, từ lập trường Cần Vương đến lập trường tư sản, tiểu tư sản và qua khảo nghiệm lịch sử đều lần lượt thất bại. Trong sự bế tắc, khủng hoảng về đường lối cách mạng, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã rời bến cảng Nhà Rồng bắt đầu một cuộc hành trình đầy gian khổ, lâu dài để tìm con đường giải phóng dân tộc, cứu nước, cứu dân. Mang trong mình khát vọng vĩ đại ấy, qua nhiều năm bôn ba ở nước ngoài, Nguyễn Ái Quốc đã đọc được bản “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của V.I. Lênin. Nghiên cứu luận cương này, Nguyễn Ái Quốc hiểu rõ được vấn đề dân tộc và con đường giải phóng các dân tộc thuộc địa. Từ đó, Người đã tìm ra con đường cứu nước, giải phóng dân tộc theo khuynh hướng cách mạng vô sản, chấm dứt cuộc khủng hoảng lâu dài về đường lối của cách mạng Việt Nam.
Nguyễn Ái Quốc tích cực truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin vào phong trào công nhân, phong trào yêu nước Việt Nam và chuẩn bị mọi điều kiện về chính trị, tư tưởng, lý luận, tổ chức, cán bộ để thành lập một Đảng cách mạng chân chính . Thông qua các tác phẩm nổi tiếng như: “Bản án chế độ thực dân Pháp” (1925), “Đường kách mệnh” (1927) và nhiều tác phẩm khác, cùng với các tờ báo do Người sáng lập như báo Người cùng khổ (1922), báo Thanh niên (1925)… Người đã từng bước truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin vào Việt Nam, xây dựng hệ tư tưởng cách mạng vô sản, đưa phong trào công nhân chuyển dần từ trình độ tự phát lên tự giác, đưa phong trào yêu nước chuyển dần sang lập trường cộng sản, tiến tới thành lập một chính đảng cách mạng dẫn dắt phong trào cách mạng.
Ngày 03/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đáp ứng yêu cầu tất yếu của lịch sử. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam đã phát huy truyền thống đại đoàn kết dân tộc, tiến hành ba cao trào cách mạng, làm nên thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Đây là thắng lợi vĩ đại đầu tiên của nhân dân Việt Nam từ khi có Đảng lãnh đạo, mở ra bước ngoặt lịch sử dân tộc, đưa dân tộc Việt Nam bước vào một kỷ nguyên mới – kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công khẳng định tính đúng đắn của tư tưởng Hồ Chí Minh về chiến lược và sách lược cách mạng; về lợi ích dân tộc và lợi ích giai cấp; về tình thế và thời cơ cách mạng; về ý chí tự lực, tự cường dân tộc và tranh thủ điều kiện quốc tế; về khoa học, nghệ thuật khởi nghĩa toàn dân, vũ trang toàn dân.
Tiếp nối thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, thực hiện tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân cả nước tiến hành 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, lập nên kỳ tích Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”; tiếp đến là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi vĩ đại này thể hiện tính đúng đắn của tư tưởng Hồ Chí Minh, mà trực tiếp là tư tưởng quân sự của Người tạo sức mạnh trong chiến tranh nhân dân, xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân, làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc; kiên quyết bảo vệ nền độc lập dân tộc.
Như vậy, từ những cống hiến vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, chúng ta càng tin tưởng rằng tư tưởng của Người mãi mãi là niềm tự hào, tài sản vô giá, ánh sáng soi đường cho cách mạng Việt Nam đạt được những kỳ tích vẻ vang hơn nữa trong công cuộc đổi mới./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét