Chủ Nhật, 25 tháng 9, 2016

Ngày giành chính quyền ở Sài Gòn


QĐND - Qua giới thiệu của các đồng chí trong Hội Cựu chiến binh (CCB) quận Long Biên (TP Hà Nội), chúng tôi tìm đến nhà Đại tá, CCB Nguyễn Hoàng, nguyên Cục trưởng Cục Hậu cần (Tổng cục Chính trị) để tìm hiểu về thời khắc ông cùng đồng đội tham gia giành chính quyền ở Sài Gòn.

Trong không gian tĩnh lặng của ngôi nhà nằm trong ngõ nhỏ trên phố Nguyễn Văn Cừ, Đại tá Nguyễn Hoàng (năm nay đã sang tuổi 94) rưng rưng nhớ lại: "Sau khi học hết bậc trung học thời Pháp thuộc, tôi xin vào miền Nam làm công nhân ở Đề-pô xe lửa Sài Gòn (nay là Xí nghiệp Toa xe Sài Gòn). Như nhiều thanh niên Việt Nam thời bấy giờ, chúng tôi sớm giác ngộ đường lối cách mạng của Đảng bằng cách tích cực tham gia các hoạt động ở Công hội đỏ, rồi Hội Ái hữu... Ban ngày chúng tôi đi làm, tối đến lại đi truyền bá chữ quốc ngữ cho các công nhân, nhân dân quanh vùng. Thời bấy giờ đất nước đang chịu họa xâm lăng, người dân sống nghèo khổ, cái ăn cái mặc đều thiếu. Để động viên, khuyến khích bà con đi học, chúng tôi thường tổ chức tặng giấy bút...".
Ngừng một lát, ông kể tiếp: "Nửa cuối tháng 8-1945, những đoàn tàu từ Bắc vào Nam mang theo thông tin Hà Nội, Huế và nhiều khu vực trong cả nước đã giành được chính quyền, khiến chúng tôi vui và háo hức lắm. Đó là động lực, niềm tin để chúng tôi chờ đợi đến ngày Sài Gòn giành chính quyền. Chấp hành nghiêm chỉ thị của tổ chức Đảng ở Sài Gòn, chúng tôi vẫn tỏ ra bình thường, chờ thời cơ đến. Đêm 24 rạng sáng 25-8-1945, được tổ chức giao nhiệm vụ, tôi tập hợp các anh em tin cẩn, họp bàn kế hoạch cướp chính quyền tại nhà máy. Khi đó tôi 22 tuổi và đang là Trưởng đoàn thanh niên của nhà máy. 1 giờ sáng hôm đó, chúng tôi đóng cửa nhà máy, treo cờ đỏ sao vàng, đồng thời cử anh em canh gác cẩn thận. Sáng hôm sau, như thường lệ, tới 6 giờ thì những người Nhật quản lý nhà máy xuống văn phòng. Họ chưa hết bất ngờ trước cảnh nhà máy bỗng dưng đóng cửa và lá cờ đỏ sao vàng đang bay phần phật trên nóc nhà thì đông đảo công nhân cùng nhân dân gần đấy đã đổ ra vây kín nhà máy và hô vang khẩu hiệu “Việt Nam độc lập muôn năm! Việt Minh muôn năm!”, khiến những người Nhật càng thêm bối rối. Lúc đó tôi thay mặt toàn thể mọi người, nói với người Nhật rằng: “Người Việt Nam đã giành được chính quyền ở Hà Nội, các ông nên trở về đoàn tụ với gia đình”. Tôi không bao giờ có thể quên được khoảnh khắc ấy, hàng trăm công nhân và người dân vỡ òa trong sung sướng ùa vào nhà máy, ôm chầm lấy chúng tôi và không ngừng hô vang khẩu hiệu “Việt Nam độc lập muôn năm!”. Không khí hừng hực ấy kéo dài cả ngày lẫn đêm ở Sài Gòn cho đến sau ngày 2-9, khi chúng tôi được nghe Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập qua loa phóng thanh...". 
Sau nhiều năm tháng tham gia chiến đấu, góp nhiều công sức cho cách mạng, Đại tá Nguyễn Hoàng được Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng ba, Huân chương Chiến công hạng nhì... Trước khi ra về, ông dặn chúng tôi: “Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã xóa bỏ ách cai trị của thực dân, phong kiến. Dù chính quyền khi ấy còn non trẻ, nhưng đã giúp người dân tích cực cải thiện cuộc sống, xóa được nạn đói lịch sử, đưa đất nước từng bước đi lên. Tôi mong thế hệ các cháu luôn giữ vững và kế thừa được ý chí, thành quả của cha ông, đưa đất nước ngày càng phát triển, giàu mạnh”.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét