Thứ Năm, 22 tháng 9, 2016

SỰ CẦN THIẾT VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ CẦN CHÚ Ý KHI NGHIÊN CỨU CHỦ NGHĨA MÁC - LÊNIN, TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH


https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEg-RiIZBVQVst0pLM1OWUpFJsKCxf6i0qH9cg3WHvdJ3q1PpKlj2H5EcWIkPXdear9rP76XZ7eSD-eFzT3WC2DHuq40wp41j4RcIgkcOlgfa5BYPMs_FL5xLspdWXal7k2RNFJIu8lvjhg/s200/download+%25288%2529.jpg
Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là hệ thống quan điểm và học thuyết khoa học của C.Mác, Ph.Ăngghen, sự phát triển của V.I. Lênin và sự đóng góp của Hồ Chí Minh; được hình thành và phát triển trên cơ sở kế thừa những giá trị tư tưởng nhân loại và tổng kết thực tiễn thời đại; là thế giới quan, phương pháp luận phổ biến của nhận thức khoa học và thực tiễn cách mạng; là khoa học về sự nghiệp giải phóng giai cấp vô sản, giải phóng nhân dân lao động khỏi chế độ áp bức, bóc lột và tiến tới giải phóng con người.

Với ý nghĩa như vậy, nội dung của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh bao quát các lĩnh vực tri thức hết sức rộng lớn mang nhiều giá trị khoa học và thực tiễn. Thế nhưng, nếu nghiên cứu, học tập Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh với tư cách là khoa học về sự giải phóng giai cấp vô sản, giải phóng nhân dân lao động khỏi chế độ áp bức, bóc lột và tiến tới giải phóng con người thì có thể thấy nội dung của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh được cấu thành ba bộ phận lý luận cơ bản, có mối quan hệ thống nhất biện chứng với nhau, đó là : Triết học Mác-Lênin, Kinh tế chính trị Mác-Lênin và chủ nghĩa xã hội khoa học. Vì vậy, nghiên cứu Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là rất cần thiết giúp chúng ta từng bước xây dựng và hình thành thế giới quan khoa học, có phương pháp tiếp thu một cách hiệu quả lý luận mới, những thành tựu khoa học - công nghệ của nhân loại, có niềm tin vào sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, có cơ sở khoa học chống lại tư tưởng lạc hậu, phản động. Hiểu và nắm vững Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh , mỗi người có điều kiện hiểu rõ mục đích, con đường, lực lượng, cách thức bước đi của sự nghiệp giải phóng con người, không sa vào tình trạng mò mẫm, mất phương hướng, chủ quan, duy ý chí. Có cách nhìn xa trông rộng, chủ động sáng tạo trong công việc, khắc phục chủ nghĩa giáo điều, máy móc, tư tưởng nôn nóng đốt cháy giai đoạn và các sai lầm khác.
Học tập các nguyên lý của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh giúp học sinh, sinh viên có động cơ học tập đúng đắn, thái độ nghiêm túc trong rèn luyện đạo đức công dân, ý thức nghề nghiệp của người lao động tương lai. Để đạt được mục đích đó người học cần chú ý liên hệ từng nguyên lý, có ý thức trách nhiệm trong học tập, rèn luyện, từng bước vận dụng vào đời sống, xây dựng tập thể, góp phần lớn nhất vào sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Ngày nay, có thể có nhiều học thuyết với lý tưởng nhân đạo về nghiệp giải phóng giai cấp, giải phóng nhân dân lao động khỏi chế độ áp bức, bóc lột nhưng chỉ có Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là học thuyết khoa học nhất, chắc chắn nhất và chân chính nhất để thực hiện lý tưởng ấy.
Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là học thuyết khoa học và cách mạng do Mác xây dựng nên trong thế kỷ XIX và đã được Lênin phát triển trong thời đại đế quốc chủ nghĩa, Hồ Chí Minh, sau 10 năm tìm đường cứu nước, trước hết đã bắt gặp tư tưởng của Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa, dần dần đi sâu nghiên cứu chủ nghĩa Lênin, chủ nghĩa Mác để nắm bắt cái linh hồn, cái bản chất cách mạng và khoa học của các ông. Năm 1927 trong cuốn Đường cách mệnh, Hồ Chí Minh viết “Bây giờ chủ nghĩa nhiều, học thuyết nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”. Vì vây, muốn nghiên cứu, học tập có hệ thống những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm đường lối của Đảng, củng cố thế giới quan và phương pháp khoa học thì điều đáng lo ngại chính là ở chổ những người theo học thuyết của ông lại hiểu và làm sai lệnh học thuyết mà các ông đã dành tất cả cuộc đời để xây dựng nên nhằm cống hiến cho sự nghiệp giải phóng giai cấp công nhân, nhân dân lao động và toàn nhân loại. Đừng để mình là những người mác-xít, nhưng lại trở thành “ những kẻ bán rong tầm thường”, học thuyết của các ông, làm cho học thuyết ấy trở nên “ hẹp hòi, dễ dãi, thậm chí què quặt”. Biến học thuyết của ông trở thành giáo điều, thành một thứ tôn giáo.Đấu tranh kiên quyết với sự xuyên tạc và tầm thường hóa học thuyết của Mác, đặc biệt là chống lại những trào lưu cơ hội, xét lại học thuyết Mác, nhằm phủ định học thuyết ấy. Lênin đã đem lại cho chúng ta những bài học kinh nghiệm, điển hình về học tập và nghiên cứu chủ nghĩa Mác
Vì vậy, muốn học tập và nghiên cứu đúng chủ nghĩa Mác – Lê-nin cần xác định một số điểm có ý nghĩa phương pháp luận sau đây:
Một là; Phân biệt những gì thực sự là của C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin với những gì người khác giải thích và đưa thêm vào học thuyết của các ông có cả đúng, có cả sai, đã làm cho học thuyết của ông bị biến dạng. Những người đi sau C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin phải chịu trách nhiệm về những điều giải thích, bổ sung sai lệch học thuyết của các ông, chứ không phải ngược lại. Đó là lẽ phải thông thường của sự phát triển lịch sử, của xã hội, của cả tư tưởng và học thuyết, trong đó có học thuyết Mác - Lênin.
Hai là; Phải đặt những luận điểm của C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin trong những điều kiện lịch sử - cụ thể khi các ông đưa ra các luận điểm ấy thì mới hiểu đúng những vấn đề các ông đặt ra, những điều các ông đã kết luận. Quan điểm lịch sử - cụ thể do các ông nêu ra phải được vận dụng ngay trong việc nhận thức học thuyết của các ông. Đúng như Ăngghen đã viết: Những luận điểm của các ông được rút ra từ những sự kiện và quá trình phát triển lịch sử, và ngoài mối liên hệ với những sự kiện và quá trình đó thì sẽ không có bất cứ một cái gì có giá trị về mặt lý luận cũng như thực tiễn . Có như vậy mới phân biệt được những kết luận có tính chất phổ biến với những kết luận riêng đối với một sự kiện nhất định, trong điều kiện thời gian, không gian nhất định.
Ba là: Phải đặt những luận điểm của các ông trong cả một hệ thống, chứ không thể tách rời nhau. Theo Lênin, muốn nắm được toàn bộ tinh thần của chủ nghĩa Mác, đòi hỏi phải xem xét mỗi luận điểm theo quan điểm lịch sử, phải gắn liền luận điểm ấy với những luận điểm khác, hơn nữa còn phải gắn liền với những điều kiện lịch sử cụ thể. Đó cũng là 3 điều cần thiết phải được đặt ra khi xem xét những luận điểm của Lênin, khi nghiên cứu, tiếp thu và vận dụng chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
Một học thuyêt không thể có tất cả ngay từ đầu. Những luận điểm của học thuyết chỉ được hình thành, phát triển trong suốt cuộc đời của nhà tư tưởng đã xây dựng nên học thuyết đó. Những luận điểm của Mác, Ăngghen, Lênin, Hồ Chí Minh được đề ra không phải từ suy tư tự biện, mà là do cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản và quần chúng lao động chống chủ nghĩa tư bản đòi hỏi phải giải quyết và do cuộc đấu tranh về tư tưởng - lý luận mà các ông đã phải tiến hành để chống lại tất cả các trào lưu tư tưởng sai lầm và phản động khác. Thực tiễn đã là mãnh đất từ đó các ông rút ra những vấn đề lý luận, dần dần tạo thành những hệ thống luận điểm gắn bó với nhau một cách chặt chẽ. Những kết luận về lý luận lại được kiểm nghiệm trong thực tiễn để tiếp tục được điều chỉnh, bổ sung và nâng cao hơn nữa. Lý luận được rút ra từ thực tiễn, thực tiễn được chỉ đạo bằng lý luận và kiểm nghiệm lý luận - đó chính là con đường hình thành và phát triển của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh
Bốn là: Cũng không phải mọi vấn đề đều đã được giải quyết trọn vẹn trong hệ thống những luận điểm của các ông. Như các ông đã tự đánh giá, có những vấn đề các ông chưa có đủ điều kiện để nghiên cứu đầy đủ để đi đến những kết luận cuối cùng, từ những điều kiện bản thân của các ông cũng như những hạn chế của thời đại các ông ( như tư tương phương Đông, phương thức sản xuất châu Á, xã hội tương lai với những con đường đi lên của nó…) Vì vậy, các ông chỉ nêu ra những suy nghĩ ban đầu, những gợi ý, những nét phát thảo, những định hướng hay những giả thuyết, đòi hỏi những người đi sau phải tiếp tục nghiên cứu giải quyết. Nếu biến tất cả những cái đó thành những nguyên lý cứng nhắt hay những quy luật phổ biến bất di bất dịch thì đã làm cho hệ thống những luận điểm của các ông trở trở thành vô đoán, sai lầm.
Năm là; Chủ nghĩa Mác – Lênin là một hệ thống mở. Tính chất mở được đặt ra trước hết là đối với bản thân chủ nghĩa Mác-Lênin. Như Lênin đã phân tích, Mác xây dựng nên học thuyết của minh là bắt nguồn từ việc nghiên cứu, tiếp thu có chọn lọc những tư tưởng của nhân loại, mà trực tiếp là từ 3 nguồn tư tưởng ở thế kỷ XVIII và đầu thế kỷ XIX ở Tây Âu, V.I Lênin đã nhận xét về Mác: “ Tất cả những cái mà tư tưởng loài người đã sáng tạo ra, Mác đã nghiền ngẫm lại, đã phê phán, và đã thông qua phong tào công nhân, mà kiểm tra lại; và Mác đã nêu ra được những kết luận mà những kẻ bị hạn chế trong cái khuôn khổ tư sản hay bị những thành kiến tư sản trói buộc, không thể nào rút ra được”(1) qua kiểm nghiệm của thực tiễn, qua những biến đổi của đời sống xã hội, nó phải làm cái việc tự phê phán để tự điều chỉnh, tự bổ sung thậm chí là tự phụ định điểm nay hay điểm khác. Tiếp đến là nó có khả năng tiếp nhận những vấn đề mới do chính cuộc sống đặt ra, mở ra khả năng sáng tạo to lớn, mà không bị trói buộc bằng những công thức có sẵn hay những sơ đồ bất biến. Vì vậy, phải xem xét chủ nghĩa Mác - Lênin bằng phương pháp hệ thống và đặt hệ thống những luận điểm của chủ nghĩa Mác -Lênin trong sự vận động của thực tiễn mới có thể nhận thức đúng được chủ nghĩa Mác - Lênin.
Sáu là; Nếu nói về điều cốt lõi nhất của chủ nghĩa Mác, thì đó chính là phép biện chứng duy vật, Lênin gọi phép biện chứng chính là linh hồn của chủ nghĩa Mác. Những vấn đề ấy được thể hiện trong cả ba bộ phận cơ bản cấu thành của chủ nghĩa Mác là Triết học, kinh tế chính trị học và chủ nghĩa xã hội khoa học.           Những kẻ chống chủ nghĩa Mác từ trước đến nay gần như không thể, hoặc rất ít đụng chạm đến phép biện chứng duy vật, đến cái linh hồn của chủ nghiã Mác. Những thành tựu của cuộc cách mạng khoa học công nghệ hiện đại chẳng những không hề bác bỏ phép biện chứng Mác-xít, mà càng chứng thực tính đúng đắn của nó và làm cho nó tiếp tục phát triển hơn nữa. Đối với quan niệm duy vật về lịch sử thì những vấn đề chủ yếu của lý luận về hình thái kinh tế - xã hội như mối quan hệ giữa tồn tại xã hội và ý thức xã hội, giữa cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng, vai trò quyết định của lực lượng sản xuất, của quần chúng nhân dân, sự phát triển của xã hội loài người là một quá trình phát triển lịch sử tự nhiên, đều đã được Mác phân tích rất cặn kẽ, chính xác, vẫn giữ nguyên giá trị của nó trong xã hội hiện đại. Từ giữa thế kỷ XX, dù cho khoa học, kỹ thuật và công nghệ đã phát triển như vũ bảo, và những thành tựu đạt được đã vượt nhiều thế kỷ trước kia cộng lại thì cũng không hề đảo ngược quan niệm duy vật về lịch sử mà chỉ xác nhận dự báo thiên tài của Mác đã đưa ra cách đây gần một thế kỷ rưỡi. Đó là dự báo khoa học sẽ ngày càng trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp và khoa học sẽ thống nhất lại trong một khoa học thống nhất bao gồm cả con người và tự nhiên. Tình hình đó cũng không thể đảo ngược quan điểm cơ bản của lý luận về hình thái kinh tế - xã hội : “trong mỗi thời đại lịch sử, sản xuất kinh tế và cơ cấu xã hội – cơ cấu này tất yếu phải do sản xuất kia mà ra – cả hai cái đó cầu thành cơ sở lịch sử chính trị và lịch sử tư tưởng của thời đại ấy”.
Vai trò ngày càng tăng của quản lý, của trí tuệ và kỹ thuật cao trong nền sản xuất tư bản hiện đại cũng không hề bác bỏ học thuyết giá trị thặng dư của Mác. Dù cho cơ cấu lao động sản xuất giá trị thặng dư trong xã hội tư bản có những biểu hiện mới, nhưng xét đến cùng, giá trị thặng dư bao giờ cũng bắt nguồn từ lao động sống của tất cả những người lao động chân tay và lao động trí óc trong hệ thống phân công lao động xã hội ngày càng phức tạp. Bóc lột giá trị thặng dư vẫn làm mục tiêu cơ bản mà phương thức sản xuất tư bản hiện đại theo đuổi, vẫn là quy luật kinh tế quyết định bản chất của nó. Chủ nghĩa tư bản hiện đại vẫn đang chứng minh cho quy luật này, mặc dù hình thức biểu hiện quy luật này có những điểm mới, tinh vi hơn, đem lai cho giai cấp tư bản lợi nhuận cao hơn nhiều so với trước. Còn cao hơn rất nhiều trong quan hệ giữa các nước tư bản phát triển với các nước chậm phát triển.
Mác đã phát hiện ra vai trò và sứ mệnh lịch sử của giai cấp vô sản. Như Lênin đánh giá, đó cũng là phát hiện vĩ đại của Mác. Các ông đều thấy giai cấp vô sản do nền đại công nghiệp tư bản chủ nghĩa đẻ ra, là giai cấp tiên tiến nhất, cách mạng nhất, có khả năng lôi cuốn mọi giai cấp và tầng lớp lao động khác đứng dậy làm cho cuộc cách mạng lật đổ chế độ tư bản để xây dựng chế độ mới XHCN – CSCN. Nhưng không phải như có nhiều kẻ đã phê phán các ông là những người sùng bái giai cấp vô sản. Sự giải phóng trong học thuyết của các ông không phải chỉ do giai cấp vô sản tiến hành và chỉ nhằm giải phóng cho riêng giai cấp vô sản. Đó là sự nghiệp của giai cấp vô sản, nhân dân lao động và tất cả các dân tộc bị áp bức và mục tiêu cao cả nhất là giải phóng con người, giải phóng mỗi con người.
Những biến đổi trong cơ cấu giai cấp và xã hội ở những nước tư bản phát triển nhất cũng không làm cho quan điểm giai cấp và phương pháp phân tích giai cấp trở thành thừa, không hề làm biến mất đấu tranh giai cấp, cũng như không thể xóa bỏ được vấn đề chuyên chính của giai cấp tư sản đối với toàn xã hội. Những nhà tư tưởng của giai cấp tư sản hiện đại vẫn thường làm rùm beng chuyện hữu sản hóa toàn dân, coi như là giai cấp vô sản ở các nước tư bản phát triển sẽ ngày càng bớt dần.
Nhưng một nhà bào Mỹ nổi tiếng đã viết gần đây: “chúng ta ngày càng trở thành một đất nước với sự rối loạn xã hội, với một thiểu số người giàu có và một số đông hơn rất nhiều những người nghèo khổ… từ từ và đều đặn, chúng ta đang tạo ra một hệ thống giai cấp mới”. “New York, nơi tôi đang sống, là một thành phố ngày càng phân hóa giữa giàu và nghèo, giữa thế giới thứ nhất và thế giới thứ ba và vực thẳm giữa họ ngày càng rộng thêm”. “những người ở tầng lớp trên thì có quá nhiều sự chọn, còn những người ở dưới đáy thì có quá ít”(2)
Ph.Ăngghen cũng đã cho rằng ngay cả kỹ thuật sản xuất cũng quyết định sự phân chia thành giai cấp, do đó quyết định quan hệ thống trị và nô dịch: “theo quan niệm của chúng tôi, kỹ thuật sản xuất cũng quyết định phương thức trao đổi và phương thức phân phối sản phẩm, và do đó… nó cũng quyết định cả sự phân chia thành giai cấp, do đó quyết định quan hệ thống trị và bị trị, đồng thời quyết định nhà nước, chính trị, luật pháp v.v…”(3).
Cũng giống như các nhà tư tưởng tư sản tiến bộ trước kia, học thuyết Mác đã chứng minh chặt chẽ rằng cần phải kết thúc cái hình thái xã hội mà mục đích cuối cùng và duy nhất là lợi nhuận, bởi vì nó đang chứa đựng những yếu tố làm cho chính nó bị tiêu vong và đe dọa tiêu diệt cả xã hội. Ngày nay không ít các nhà tư tưởng tiến bộ trong xã hội tư bản hiện đại đã phải kêu goi : nếu nhân loại không muốn bị hủy diệt thì phải từ bỏ cách tiến hóa hiện nay để chuyển qua một kiểu tiến hóa khác. Việc này cần bắt đầu ngay, nếu không sẽ chậm.
Như vậy là vấn đề thay thế phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa ( dù là cổ điển hay hiện đại) vẫn là vấn đề của thời đại chúng ta, thậm chí còn cấp bách hơn. Với chủ nghĩa tư bản hiện đại, lịch sử chưa kết thúc, và chủ nghĩa xã hội tuy đang vấp phải những khó khăn tạm thời, nhưng nó vẫn sẽ là vấn đề trung tâm của nhân loại trong thế kỷ XXI.   
Những luận điểm, những kết luận về lý luận của các ông là dựa trên việc nghiên cứu sự kiện với tinh thần nghiêm túc khoa học, chứ không phải xuất phát từ những ý tưởng tự biện, những điều tưởng tượng vô căn cứ. Đó là những sự kiện ở thời đại các ông và sự kiện do quá khứ để lại chứ không phải là của tương lai chưa đến. Lênin đã nói về học thuyết của Mác: “tại sao học thuyết của Mác lại có thể chiếm được hàng triệu và hàng chục triệu trái tim của những người trong giai cấp cách mạng nhất?” Bởi vì “Mác đã đưa vào nền móng vững chắc nhất của những kiến thức mà loài người đã nắm được dưới CNTB”, Mác đã “Nghiên cứu xã hội tư bản một cách chính xác nhất, tỉ mỉ nhất, sâu sắc nhất, nhờ việc nắm vững đầy đủ tất cả những cái mà khoa học trước đây đã cung cấp”(4). Ông đã nghiên cứu, nghiền ngẫm, phê phán và thông qua phong trào công nhân mà kiểm tra lại. Chính vì vậy mà mọi sự bác bỏ của các nhà tư tưởng đương thời đều thất bại. Đối với Lênin cũng hoàn toàn như vậy.
Nếu không bị nô lệ bởi những định kiến về tư tưởng và chính trị, thì bất cứ ai (kể cả những nhà nghiên cứu không thuộc hệ tư tưởng mác - xít ) cũng có thể nhận thấy chủ nghĩa Mác-Lênin là một đóng góp vô giá vào kho tàng trí thức của nhân loại. Nó xứng đáng được định vị và có mặt trong đời sống tinh thần của cả loài người. Nó đã để lạinhững giá trị bền vững trong lịch sử tư tưởng thế giới, trong nền văn hóa văn minh nhân loại. Sức sống của nó không phải chỉ có đối với thời đại các ông, mà vẫn tiếp tục có ảnh hưởng to lớn trong thời đại hiện nay và sau nay.
Để thấy đầy đủ những giá trị bền vững của chủ nghĩa Mác-Lênin, công tác giảng day, học tập, nghiên cứu khoa học còn phải làm rất nhiều từ nay về sau. Những vấn đề về thời đại, học thuyết hình thái kinh tế - xã hôi, quy luật giá trị thặng dư, về chủ nghĩa tư bản hiện đại, sứ mệnh lịch sử toàn thế giới của giai cấp công nhân trong việc thay thế xã hội tư bản chủ nghĩa bằng một xã hội mới XHCN và CSCN, về cách mạng XHCN và chuyên chính vô sản thự sự là những vấn đề cốt lõi của chủ nghĩa Mác – Lênin đã được học trong chương trình trung cấp lý luận chính trị trong thời gian qua. Đây là những vấn đề mà học viên cần tập trung trong chương trình học. Nhận thức về những vấn đề cơ bản này chắc chắn không phải ở trình độ luận giải một cách đơn giản, xuôi chiều của giảng viên, mà học viên phải gắn với thực tiễn công việc được giao ở địa phương, thực tiễn cuộc sống, xem xét tất cả những luận điểm khác nhau, từ đó rút ra những kết luận xác đáng phục vụ giải quyết các vấn đề của địa phương đặt ra.

[1] V.I.Lênin : Toàn tập, NxbTB,M,1977,t41,tr361.
[2] David Halborstam – thế kỷ XXI – nước Mỹ tự nhìn lại. NXB thành phố Hồ Chí Minh, 1992, tr.109,110,111.
[3] (Mác – Angghen, Tuyển tập, T.6, tr.787)
[4] (V.I.lênin : Toàn tập, NxbTB,M,1977, T.41, tr.360

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét