Thứ Năm, 1 tháng 6, 2017

FACEBOOK - NÊN “TRÁNH ĐÂU” HAY PHẢI “ĐẤU TRANH”?

        Trước sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ và xu thế toàn cầu hóa, phương tiện và cách thức giao tiếp của con người đã có sự thay đổi lớn thông qua môi trường “không gian mạng”. Với nhiều tính năng phong phú, hấp dẫn, được sử dụng đa mục đích, giao tiếp trên không gian mạng đã tác động đến mọi tầng lớp nhân dân, từ trẻ em đến người già, từ thành thị đến nông thôn, đặc biệt là lớp trẻ và các quân nhân trong quân đội, công an cũng không nằm ngoài tầm ảnh hưởng của mạng xã hội. Trong các mạng xã hội, có lẽ phổ biến nhất ta có thể thấy hiện nay đó là Facebook. Nhiều người đặt ra các câu hỏi: Facebook là gì? Nó tốt hay xấu? Nếu nó tốt thì tận dụng nó như thế nào? Nếu nó xấu thì nên “tránh đâu” hay phải “đấu tranh”?

       Nói qua về Facebook, ta có thể hiểu, nó là một mạng xã hội ra đời vào tháng 2 năm 2004 tại Mỹ. Ban đầu Facebook chỉ là một trang mạng để tổng hợp hồ sơ cá nhân của những người bạn có cùng sở thích với nhau. Thế nhưng chỉ trong một thời gian ngắn, mạng xã hội này đã trở nên phổ biến khắp nước Mỹ rồi vươn ra toàn cầu ở một tốc độ không thể ngờ tới. Hiện nay, đã có khoảng hơn 1 tỉ tài khoản tồn tại. Theo thống kê của Website-monitoring.com, “TOP 10” quốc gia có lượng người sử dụng Facebook đông đảo nhất là Mỹ, Anh, Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp, Ý, Canada, Philipin, Tây Ban Nha và Mexico. Việt Nam cũng là một trong số những nước có tốc độ tăng trưởng người dùng mạng xã hội này tương đối cao. 
          Xét về góc độ kinh tế - xã hội, Facebook là một trang mạng xã hội đem lại rất nhiều tiện ích, nhất là làm cho con người trên toàn thế giới xích lại gần nhau hơn qua sự kết nối, chia sẻ thông tin, là kênh giải trí hấp dẫn với những ứng dụng thú vị (chơi game, nghe nhạc, xem phim…) và kênh bán hàng online hữu hiệu. Xét về góc độ chính trị, nếu sử dụng đúng mục đích và ở chừng mực phù hợp, Facebook này sẽ là công cụ hữu hiệu để tuyên truyền, giáo dục mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, luật pháp của Nhà nước, những cảnh báo của các cá nhân, tổ chức về các vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống xã hội đi nhanh - đi sâu - đi rộng trong mọi tầng lớp quần chúng nhân dân. Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực, giao tiếp trên Facebook cũng gây ra những tác động tiêu cực đến tình cảm, đạo đức, lối sống... của một bộ phận người sử dụng. Đặc biệt, do có đặc tính truyền tải nhanh, diện tham chiếu rộng, thông tin gần như tức thì, tính “tự do tương đối” của những chủ thể thông tin, khả năng “gây nhiễu” lại khá rộng và rất khó kiểm soát của nguồn thông tin nên Facebook là môi trường rất thuận tiện để các thế lực thù địch, cơ hội chính trị lợi dụng như một kênh quan trọng để phát tán các tài liệu phản động, tuyên truyền xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, luật pháp của Nhà nước, xuyên tạc đường lối đối nội, đối ngoại, an ninh, quốc phòng, bôi nhọ cá nhân lãnh đạo, cơ quan, tổ chức… đồng thời, tuyên truyền những luận điệu “Diễn biến hòa bình” gây ra sự hoang mang cho cán bộ, đảng viên và trong quần chúng nhân dân.
          Hiện nay, nhiều trang Facebook cá nhân cũng như các trang Facebook mang tính cộng đồng đang rất tích cực truyền bá những thông tin xấu độc, tiêu biểu như: “Nhật kí yêu nước”, “Friend of Việt Tân”, “Thanh niên công giáo”, “Radio Chân trời mới”… và hàng loạt những trang Facebook đăng tải những status trên trang Facebook cá nhân với ngôn ngữ đầy tính kích động, phản động. Tác hại của các thông tin xấu độc, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch trên mạng xã hội Facebook đến nay chưa thể định lượng hết được. Tuy nhiên, qua nghiên cứu điều tra xã hội học cho thấy, đại đa số người được hỏi đều khẳng định những luồng thông tin sai trái, luận điệu xuyên tạc có tác động tiêu cực đến tình hình tư tưởng, dư luận trong các tầng lớp nhân dân, làm suy giảm lòng tin vào cấp ủy đảng, chính quyền.
          Đồng thời, qua khảo sát, tiếp xúc cũng cho thấy, có một thực tế rất đáng lo ngại là ý thức cảnh giác, tính tự giác đấu tranh, phê phán các thông tin, quan điểm sai trái của cán bộ, đảng viên và nhân dân hiện nay rất hạn chế. Tình trạng bàng quan, thờ ơ, không có chính kiến đúng đắn trước các thông tin, quan điểm sai trái còn khá phổ biến, nhất là thông tin sai trái trên mạng xã hội nói chung, Facebook nói riêng. Việc tham gia đấu tranh để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ chế độ XHCN chưa trở thành nhu cầu tự nhiên, tự thân của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Nhiều người vẫn cho rằng việc này dường như chỉ là công việc của những cơ quan chuyên môn, những người làm công tác giáo dục - đào tạo, nghiên cứu khoa học. Thậm chí có những quan điểm lại nghiêng về phương án né tránh, cấm đoán việc sử dụng Facebook, trong khi, Facebook là một ứng dụng, là một biểu hiện cụ thể của sự phát triển khách quan của khoa học công nghệ. Do đó, chúng ta không nên “tránh đâu” mà phải “đấu tranh” với nó. Nếu các thế lực thù địch chống phá ta qua không gian mạng thì ta phải dùng không gian mạng để đấu tranh chống lại chúng như cha ông ta thường nói “muốn bắt cọp phải vào hang cọp”.
          QĐNDVN là lực lượng quan trọng trong đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận. Nhận thức rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch ngày càng tinh vi, thâm độc, quân đội đã tổ chức “Lực lượng 47” các cấp, trong đó, đội ngũ nhà giáo, nhà nghiên cứu KHXH&NV có vị trí quan trọng, có nhiệm vụ chuyên trách phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị trên không gian mạng. Thực tế cho thấy, đây là một nhiệm vụ mới, mặc dù đạt được những kết quả nhất định nhưng từ nội dung, hình thức, phương pháp và kinh nghiệm đấu tranh trên Facebook của đội ngũ này có mặt còn hạn chế, hiệu quả đấu tranh chưa thực sự cao. Nội dung đấu tranh trên Facebook chủ yếu là thông tin, tuyên truyền một chiều, chưa thực sự có nhiều bài viết mang tính “bút chiến” sắc sảo, thuyết phục, tính đấu tranh trực diện với các quan điểm sai trái, phản động trên không gian mạng đôi khi chưa cao. Hình thức đấu tranh chưa phong phú, ít hiệu quả, chủ yếu là chia sẻ bài viết, đăng tải bài viết quá dài, thậm chí còn chưa hiểu, chưa sử dụng Facebook thành thạo, nội dung của địch, của ta và của chính mình viết có khi còn nắm chưa chưa chắc... Đặc biệt, kỹ năng đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị trên Facebook của nhiều người còn hạn chế, bao gồm cả việc viết tin bài cũng như việc sử dụng ngoại ngữ, tin học. Một số kỹ năng thực hiện các khâu, các bước của quá trình đấu tranh còn nhiều bất cập, thiếu bài bản, đồng bộ, chưa đạt mức linh hoạt, sáng tạo, thuần thục, hiệu quả.
          Để khắc phục những hạn chế nêu trên, nâng cao chất lượng công tác đấu tranh phản bác các thông tin xấu độc của các thế lực thù địch, giữ vững trận địa tư tưởng, củng cố niềm tin của quần chúng nhân dân cần quán triệt và thực hiện tốt một số giải pháp sau đây:
          Một là, phát huy vai trò, chức năng của cả Hệ thống chính trị trong đấu tranh phản bác các thông tin xấu độc trên mạng xã hội Facebook. Hiện nay, Facebook đã trở nên quá phổ biến và tác động len lỏi đến tận ngõ ngách của đời sống các tầng lớp nhân dân nên nếu chỉ dựa vào lực lượng chuyên trách thì không thể giành thắng lợi, do đó, cần phải phát huy vai trò, chức năng của cả Hệ thống chính trị trong cuộc đấu tranh này. Muốn vậy: Thứ nhất, tổ chức đảng các cấp cần làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho mọi cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân. Thứ hai, Nhà nước siết chặt công tác quản lý hoạt động mạng xã hội Facebook. Thứ ba, phát huy sức mạnh của cả Hệ thống chính trị, nhất là các tổ chức đoàn thể trong đấu tranh phản bác các thông tin xấu độc trên Facebook.

      Hai là, nâng cao kỹ năng cho đội ngũ nhà giáo, nhà nghiên cứu KHXH&NV, “Lực lượng 47” và các cá nhân, tổ chức khác tham gia đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị trên Facebook. Thực chất, đây là tổng thể các hoạt động có tổ chức, có mục đích của các chủ thể, làm tăng thêm khả năng vận dụng các tri thức, phương pháp, phương tiện, kinh nghiệm... đã có để đưa ra các lý lẽ có cơ sở khoa học và thực tiễn, nhằm bài trừ, phủ định các quan điểm thiếu kiên định, không rõ ràng về lập trường tư tưởng chính trị, sai lầm về khoa học và thực tiễn, đối lập với lập trường, lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc Việt Nam phát tán trên Facebook, góp phần định hướng dư luận xã hội, bảo vệ Đảng, Nhà nước, chế độ XHCN ở nước ta. Muốn vậy: Thứ nhất, việc nâng cao kỹ năng đấu tranh phải đặt trong tổng thể nâng cao năng lực toàn diện của người thực hiện. Thứ hai, đảm bảo sự thống nhất chặt chẽ giữa các yếu tố cấu thành kỹ năng của người tham gia đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị trên Facebook. Thứ ba, quá trình nâng cao kỹ năng đấu tranh phải bám sát tình hình, đảm bảo tính nhạy bén, linh hoạt, kịp thời, đấu tranh trực diện. Thứ tư, đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với việc thực hiện Cuộc vận động phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” trong các đơn vị Quân đội./.
                                                                                                              LDD

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét