Thứ Sáu, 2 tháng 6, 2017

TẠI SAO CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH LẠI COI KINH TẾ LÀ KHÂU ĐỘT PHÁ TRONG CHIẾN LƯỢC “DIỄN BIẾN HÒA BÌNH” CHỐNG PHÁ CÁCH MẠNG VIỆT NAM

Đại hội Đại biểu toàn Quốc lần thứ XII của Đảng tiếp tục chỉ rõ bốn nguy cơ mà Đảng ta đã chỉ ra vẫn tồn tại, trong đó nguy cơ “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch có chiều hướng phức tạp với những thủ đoạn mới tinh vi, xảo quyệt và khẳng định chúng ta phải “Đấu tranh làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình”, hoạt động phá hoại, gây rối, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, …”.
Chiến lược “diễn biến hoà bình” là chiến lược cơ bản của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động nhằm xoá bỏ chế độ chính trị - xã hội của các nước tiến bộ, trước hết là các nước xã hội chủ nghĩa từ bên trong, chủ yếu bằng biện pháp phi quân sự. Với nội dung chính là sử dụng mọi thủ đoạn kinh tế, chính trị, tư tưởng, văn hoá, xã hội, ngoại giao... kết hợp với răn đe quân sự để xây dựng lực lượng ngầm, tạo ra các lực lượng chính trị đối lập từ bên trong; núp dưới chiêu bài tự do, dân chủ, nhân quyền; kích động mâu thuẫn dân tộc, sắc tộc, tôn giáo; triệt để lợi dụng những khó khăn, sai sót của nhà nước, làm trầm trọng thêm quá trình khủng hoảng kinh tế - xã hội, tạo nên sức ép ngày một lớn buộc lãnh đạo nhà nước từng bước phải chuyển hoá, thay đổi đường lối chính trị, nhường quyền lãnh đạo cho lực lượng đối lập, làm cho thể chế chính trị, cách mạng bị thủ tiêu. “Diễn biến hoà bình” được chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch tiến hành trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, tư tưởng, văn hoá,... trong đó lĩnh vực kinh tế được chúng xem là trọng tâm, là khâu “đột phá”. Điều đó xuất phát từ những lý do cơ bản sau đây:
Một là, xuất phát từ vai trò của kinh tế trong đời sống xã hội. Kinh tế là yếu tố xét đến cùng quyết định toàn bộ đời sống chính trị tư tưởng... của xã hội. Tập trung phá hoại về kinh tế với mục tiêu làm chệch hướng xã hội chủ nghĩa nền kinh tế, lái nền kinh tế nước ta theo hướng tư bản chủ nghĩa; thông qua kinh tế để xâm nhập và phá hoại các lĩnh vực chính trị, xã hội khác.        
Hai là, so với các lĩnh vực khác, lĩnh vực kinh tế là lĩnh vực mà kẻ thù dễ lợi dụng, xâm nhập chống phá. Trước những năm đổi mới, thực trạng kinh tế của nước ta bộc lộ nhiều yếu kém, trì trệ kéo dài nhiều năm, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, nhiều nước tư bản lại có sự điều chỉnh thích nghi cả về lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, ứng dụng nhanh chóng những thành tựu khoa học, công nghệ mới trên tất cả các lĩnh vực làm cho nền kinh tế có bước phát triển đáng kể. Thực tế đó đã tác động sâu rộng đến tư tưởng, tình cảm của nhân dân, gây nên tâm trạng hoài nghi về con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội của một bộ phận dân cư. Đó là môi trường mà kẻ thù cho là “thuận lợi” có thể lợi dụng để tiến hành chiến lược “diễn biến hoà bình” chống phá cách mạng nước ta.
Ba là, sau hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới, kinh tế nước ta có sự phát triển khởi sắc và đạt được những thành tựu nhất định, đời sống nhân dân được cải thiện đáng kể, tiềm lực kinh tế và vị thế nước ta được nâng lên trên trường quốc tế, … Tuy nhiên, trước sự phát triển của nền kinh tế thị trường bên cạnh những mặt tích cực luôn đi liền với những tác động tiêu cực; cùng với đó là chủ chương mở cửa, hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới của nước ta cũng tạo ra môi trường thuận lợi cho kẻ thù lợi dụng, xâm nhập, chống phá. Tình trạng phân hoá giàu nghèo giữa các tầng lớp dân cư, giữa các vùng ngày càng có xu hướng cách xa; năng lực quản lý kinh tế xã hội của Nhà nước còn nhiều yếu kém; tệ tham nhũng, buôn lậu, hách dịch, cửa quyền ở một số cán bộ có chức có quyền có điều kiện thuận lợi nảy sinh, làm mất lòng tin của dân, gây bức xúc trong xã hội; luật đầu tư nước ngoài được thực hiện,… Trong bối cảnh đó, các thế lực thù địch sẽ có điều kiện lợi dụng để chống phá cách mạng nước ta.
Để ngăn chặn, đẩy lùi và làm thất bại sự chống phá của kẻ thù trên lĩnh vực kinh tế đối với nước ta trong chiến lược “diễn biến hòa bình” cần thực hiện tốt các giải pháp cụ thể sau:
          Một là, chủ động đấu tranh trên lĩnh vực lý luận, tư tưởng, bảo vệ vững chắc các nguyên lý kinh tế cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối đổi mới kinh tế của Đảng ta, góp phần củng cố vững chắc trận địa tư tưởng trong nhân dân mà trước hết là trong cán bộ đảng viên.
           Muốn làm được điều đó, trước hết phải nắm chắc, hiểu sâu, nắm vững một cách có hệ thống các quan điểm kinh tế cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; vạch trần mục đích, âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch trong tuyên truyền, xuyên tạc, phủ nhận các tư tưởng kinh tế cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; luận giải một cách khoa học cơ sở lý luận và thực tiễn của đường lối đổi mới kinh tế của Đảng ta nói chung, từng lĩnh vực phát triển kinh tế cụ thể nói riêng; chủ động nắm bắt thực tiễn, kịp thời luận giải có cơ sở khoa học các vấn đề nảy sinh, không để xảy ra các khoảng trống về tư tưởng để địch lợi dụng chống phá.
          Hai là, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế, rút ngắn khoảng cách chênh lệch về kinh tế giữa nước ta với các nước khác trong khu vực và trên thế giới.
          Bởi lẽ, một trong những thủ đoạn mà kẻ địch thường sử dụng để chống phá ta đó là lợi dụng vào điểm yếu về kinh tế của ta để phá hoại. Vì vậy, để làm thất bại âm mưu, thủ đoạn này, cùng với đấu tranh trên mặt trận lý luận, tư tưởng, chúng ta phải đẩy mạnh phát triển kinh tế đất nước, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, rút ngắn khoảng cách chênh lệch về kinh tế giữa nước ta với các nước trong khu vực và trên thế giới. Trong khi thực hiện công nghệ nhiều tầng, nhiều trình độ thì phải biết lựa chọn, đi tắt, đón đầu, đi thẳng vào công nghệ hiện đại trong những ngành, những lĩnh vực quan trọng mà ta có tiềm năng. Lựa chọn công nghệ nhập ngoại phù hợp với điều kiện, khả năng của từng ngành, từng lĩnh vực, song kiên quyết từ chối những công nghệ lạc hậu, biến nước ta thành bải thải công nghệ của thế giới.
          Ba là, kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh chống hoạt động phá hoại trên lĩnh vực kinh tế trong chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch với đấu tranh chống tham nhũng, lãnh phí và các tiêu cực khác trong nền kinh tế.
          Tham nhũng, lãng phí và các tiêu cực khác trong nền kinh tế không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới phát triển kinh tế, tới niềm tin của nhân dân vào Đảng, vào chế độ, mà còn là mảnh đất màu mỡ để chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch lợi dụng thực hiện chiến lược “diễn biến hoà bình”, bạo loạn lật đổ với cách mạng Việt Nam. Do đó, phải đẩy mạnh công tác chống tham nhũng và đi đôi với chống lãng phí cùng các tệ nạn tiêu cực khác trong xã hội. Phải phát huy thật tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, thực hiện dân biết, dân bàn, dân kiểm tra. Tổ chức triển khai và thực hiện có hiệu quả luật chống tham nhũng; xây dựng cơ chế chính sách chống tham nhũng có hiệu quả; phối kết hợp các cơ quan, các ngành chức năng và của toàn xã hội để những người có chức có quyền “không có cơ hội tham nhũng”, “không giám tham nhũng” và “không muốn tham nhũng”.
Đấu tranh kinh tế trong chống chiến lược “diễn biến hòa bình” của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch đối với cách mạng Việt Nam hiện nay vẫn đang là nhiệm vụ hết sức cấp bách. Bởi đây là một hình thức đặc biệt của đấu tranh giai cấp, đấu tranh dân tộc diễn ra hết sức quyết liệt và phức tạp. Do vậy, chúng ta phải luôn cảnh giác cao độ, huy động sự tham gia của mọi thành phần, lực lượng, vận dụng linh hoạt, đồng bộ các nội dung biện pháp, kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi và làm thất bại sự chống phá của kẻ thù, bảo vệ vững chắc chế độ kinh tế - xã hội ở nước ta hiện nay.


                                                                                            TRÍ ĐỨC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét