Thứ Sáu, 2 tháng 6, 2017

VAI TRÒ CỦA QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM TRONG PHÁT TRIỂN NỀN KINH TẾ QUỐC DÂN

          Vai trò của quân đội ta đối với sự phát triển nền kinh tế quốc dân được thể hiện trên các nội dung cơ bản sau:
          Một là, Quân đội là lực lượng nòng cốt bảo vệ Tổ quốc, giữ vững hòa bình, ổn định tạo điều cho kinh tế phát triển. Thực tế lịch sử nước ta cũng như trên thế giới đã chứng minh, chỉ trên cơ sở một nền hòa bình, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững thì kinh tế mới có điều kiện phát triển. Khi đó mọi tiềm năng, thế mạnh của quốc gia mới được huy động cho phát triển kinh tế, mới không bị chiến tranh tàn phá; mặt khác chỉ có trong môi trường hòa bình, ổn định thì các chủ thể kinh tế mới mạnh dạn bỏ vốn sản xuất, kinh doanh… Song để giữ vững hòa bình, ổn định ở bất kỳ quốc gia nào thì quân đội cũng luôn là lực lượng nòng cốt.
          Với quân đội ta, vai trò này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định từ những ngày đầu mới được thành lập. Bác khẳng định: “Bộ đội luôn lo đánh giặc và chịu hy sinh mọi bề để cho nhân dân làm ăn yên ổn, vui mừng với gia đình. Nếu không có bộ đội đánh giặc, thì nhân dân sẽ bị nước mất nhà tan”1. Thực tế trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, cũng như trong chiến tranh bảo vệ biên giới trước đây và trong chống chiến lược “Diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch hiện nay với cách mạng Việt Nam đều chứng minh quân đội ta luôn là lực lượng nòng cốt.
          Hai là, quân đội thực hành tiết kiệm trong mọi hoạt động của mình là góp phần to lớn vào sự phát triển của nền kinh tế quốc dân.
          Do tính chất đặc thù của hoạt động quân sự là chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu, nên hầu hết chí phí cho hoạt động quân sự đều do nền kinh tế cung cấp. Mặt khác, tiêu dùng quân sự là “tiêu dùng mất đi” không trở lại quá trình tái sản xuất xã hội; vũ khí trang bị quân sự hầu hết là những hàng hóa đắt tiền; tốn kém trong bảo quản, bảo dưỡng, trong sử dụng; ngay cả khi phải phá hủy khi đã hết hạn sử dụng cũng rất tốn kém. Chính vì vậy, nếu quân đội sử dụng tiết kiệm tài chính, vũ khí trang bị kỹ thuật, thời gian, công sức của bộ đội sẽ có ý nghĩa to lớn đối với sự nghiệp phát triển nền kinh tế quốc dân. Vì lúc đó nhà nước có điều kiện tập trung các nguồn lực cho phát triển kinh tế.
          Ba là: Quân đội trực tiếp tham gia sản xuất và phát triển kinh tế dưới nhiều nội dung và hình thức khác nhau. Trong điều kiện hòa bình hiện nay, với khả năng cho phép và điều kiện hiện có, quân đội ta còn trực tiếp tham gia phát triển kinh tế dưới nhiều hình thức khác nhau như: hoạt động tăng gia sản xuất của các đơn vị huấn luyện sẵn sàng chiến đấu; hoạt động kinh tế của các doanh nghiệp quân đội trên các lĩnh vực; hoạt động chuyển giao công nghệ của các cơ sở nghiên cứu; đào tạo nguồn nhân lực của các học viện, nhà trường, các trung tâm dạy nghề và giới thiệu việc làm của quân đội; hoạt động quân dân y kết hợp của lực lượng quân y; thông qua công tác dân vận, giúp đỡ đồng bào các dân tộc thiểu số chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi…
Trí Đức





1. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập5, Nxb CTQG, H. 1995, tr. 65 - 67.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét