Thứ Hai, 13 tháng 4, 2020

Cảnh giác thứ virus nguy hại núp bóng dịch bệnh



(ANTV) - Báo CAND trong mục Phòng, chống "Diễn biến hòa bình" có bài viết "Cảnh giác thứ virus nguy hại núp bóng dịch bệnh". Theo bài viết, Virus COVID-19 gây hại tính mạng, sức khỏe con người nhưng hành vi lợi dụng dịch bệnh để chống phá đất nước, chống phá nhân dân còn nguy hiểm hơn.
* Cảnh giác thứ virus nguy hại núp bóng dịch bệnh
Theo bài viết, trong khi cả nước đang bằng mọi biện pháp nỗ lực ngăn ngừa, chống dịch COVID-19 thì ở phía ngược lại các thế lực xấu tận dụng vấn đề này để tung tin thất thiệt, bôi nhọ, miệt thị từ cá nhân đến tổ chức Đảng, chính quyền. Nhiều đối tượng đã liên tục phát tán những thông tin xấu độc với mục đích gây hoang mang dư luận, phá hoại nền sản xuất và công cuộc chống dịch của Việt Nam.
Theo Cục An ninh mạng và phòng chống tội chống phạm công nghệ cao, chỉ trong vòng 2 ngày cuối tuần sau khi công bố ca bệnh số 17, trên không gian mạng đã xuất hiện 80.000 tin liên quan đến COVID-19 và bệnh nhân này. Trong số đó có nhiều thông tin khiến người dân rất khó phân biệt thông tin thật, giả để có thể chủ động trong việc phòng, chống dịch bệnh. Việc thông tin sai lệch cũng ảnh hưởng không nhỏ đến công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Bộ Y tế và các bộ, ban ngành, địa phương trong thời gian qua nhằm kiểm soát dịch bệnh.
Nắm bắt tình hình thông tin trên mạng diễn biến phức tạp, lãnh đạo Bộ Công an chỉ đạo Cục An ninh mạng và phòng chống tội chống phạm công nghệ cao, Công an các đơn vị, địa phương phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng điều tra, xác minh, làm rõ các trường hợp đăng tải thông tin sai lệch trên mạng, đấu tranh xử lý theo quy định của pháp luật. Đến nay, Cục An ninh mạng và phòng chống tội chống phạm công nghệ cao đã cao đã phối hợp với Công an các địa phương tổ chức đấu tranh, xác minh với hơn 600 trường hợp thông tin sai sự thật trên không gian mạng và xử phạt hành chính trên 130 đối tượng trong đó có một số  đối tượng có ảnh hưởng đối với xã hội.
Điều 8 Luật An ninh mạng quy định các hành vi bị nghiêm cấm, trong đó nghiêm cấm thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân... Thực tiễn vi phạm pháp luật trên không gian mạng, nhất là lợi dụng dịch COVID-19 để chống phá đất nước, chế độ và nhân dân, đòi hỏi mỗi người dân cần nâng cao cảnh giác, không tin, cổ súy, lan truyền các thông tin thất thiệt, tẩy chay các thông tin xấu độc.
* Tin giả liên quan đến dịch COVID-19 vẫn gia tăng: Cuộc chiến chống virus dưới bàn phím
Báo Lao động đề cập đến vấn đề, đã có rất nhiều trường hợp bị nộp phạt với mức lên đến hàng chục triệu đồng nhưng tin giả, tin gây hoang mang trên mạng xã hội vẫn chưa giảm, thậm chí có chiều hướng gia tăng. Người tham gia mạng xã hội, người tiếp cận thông tin và cả cơ quan chức năng cần làm gì để ngăn chặn?.
Bài viết dẫn chứng câu chuyện: Viết 9 chữ “nói đùa” bị phạt...10 triệu. Đó là, ngày 12.3 lúc 22 giờ ngày 9.3, anh H tới nhà anh T chơi, thấy anh T đi vệ sinh nhưng để quên điện thoại trên bàn. Anh H đã lấy điện thoại này để đăng một dòng trạng thái chỉ có 9 chữ: Cô rô na đã có mặt ở Lộc Yên. Sau ít phút, anh T cầm điện thoại và phát hiện ra chuyện này bèn nhanh chóng xoá đi. Hôm sau, công an huyện Hương Khê triệu tập anh T. Tại đây, T khai ra H. Tại cơ quan công an, H thừa nhận là chỉ trêu anh T cho vui và nghĩ rằng chỉ vài phút rồi xoá thì không ảnh hưởng gì. Kết quả là anh H trú tại xã Lộc Yên đã bị phạt 10 triệu đồng. Dù vô tình hay cố ý thì thống kê thời gian qua cho thấy, đã có hàng trăm trường hợp bị xử lý .
Theo báo Lao động trích dẫn, Nghị định 174/2013/NĐ-CP quy định mức xử phạt đối với hành vi vi phạm như cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân; cung cấp nội dung thông tin không phù hợp với lợi ích đất nước... với mức phạt 10-20 triệu đồng.
* Ngăn chặn tin đồn thất thiệt
Cũng liên quan đến vấn đề trên, báo Kinh tế và Đô thị có bài viết cho biết: Cùng với những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, thời gian qua, các đơn vị nghiệp vụ của Công an TP Hà Nội đã nhanh chóng nắm tình hình trên không gian mạng, lên danh sách các trường hợp đưa thông tin sai sự thật về dịch Covid-19 để xử lý nghiêm theo quy định.
Theo đó, tính từ ngày 31/1 đến 14/2, Công an các đơn vị thuộc Công an TP. Hà Nội đã lập hồ sơ xử lý 11 cá nhân đăng tin sai sự thật về dịch bệnh lên trang facebook cá nhân và Youtube. Ngoài việc yêu cầu các cá nhân gỡ các bài viết sai sự thật, viết cam kết không tái phạm, một số trường hợp đã bị xử phạt hành chính theo quy định 10 - 15 triệu đồng đối với cá nhân vi phạm.
Tại phiên họp, Ban Chỉ đạo chống dịch Covid-19 của TP Hà Nội chiều 11/3, lãnh đạo Công an TP Hà Nội cho biết, các đơn vị nghiệp vụ của Công an TP tiếp tục nắm tình hình trên không gian mạng, lên danh sách các trường hợp đưa thông tin sai sự thật về dịch Covid-19 để xử lý nghiêm theo quy định. Đồng thời khuyến cáo người dân không chia sẻ những thông tin chưa được kiểm chứng, chưa được xác thực, tránh gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch bệnh.
B.T


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét