Thứ Sáu, 17 tháng 4, 2020

MỘT SỐ BIỆN PHÁP PHÒNG CHỐNG THỦ ĐOẠN LỢI DỤNG DỊCH COVID-19 ĐỂ CHỐNG PHÁ ĐẤT NƯỚC QUA MẠNG XÃ HỘI


Tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến rất phức tạp trên thế giới, trong đó có nước ta. Để chiến thắng dịch bệnh, đòi hỏi quyết tâm cao như Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định: “Chống dịch như chống giặc”, “sẵn sàng hy sinh lợi ích kinh tế trong ngắn hạn để bảo vệ người dân”, đòi hỏi phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó cần đấu tranh ngăn chặn thủ đoạn lợi dụng dịch Covid-19 để chống phá đất nước của các thế lực thù địch trên truyền thông xã hội, bao gồm các biện pháp chủ yếu:
Một là, các cơ quan chức năng cần kịp thời minh bạch thông tin về tình hình dịch bệnh Covid-19 và định hướng cho nhân dân nhận thức đầy đủ về tình hình dịch bệnh, không để cho các thế lực thù địch lợi dụng chiếm lĩnh “khoảng trống” truyền thông xã hội để đưa thông tin xấu độc.
Hiện Bộ Y tế phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông đang tiến hành cập nhật thường xuyên tình hình về dịch bệnh đến từng số thuê bao điện thoại là việc làm rất kịp thời, hiệu quả, song đó là ở tầm vĩ mô. Trên từng địa bàn dân cư, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là ngành tuyên giáo, ngành thông tin và truyền thông ở cơ sở trong thực hiện minh bạch thông tin, định hướng nhận thức kịp thời cho người dân về tình hình dịch bệnh.
Hai là, quản lý chặt chẽ, xử lý chính xác thông tin về dịch bệnh Covid-19 trên truyền thông xã hội theo Luật An ninh mạng.
Để quản lý tốt, cần thực hiện hiệu quả việc lọc và phát hiện tin giả, tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh; kịp thời ngăn chặn sự lan truyền tin giả ngay khi nó xuất hiện. Thực tiễn cho thấy sự cần thiết phải có các giải pháp kỹ thuật bảo đảm chủ động, kịp thời, hiệu quả trong quản lý truyền thông mạng xã hội. Bởi kỹ thuật chỉ có thể kiểm soát, chế định bằng kỹ thuật. Vì vậy, cần đầu tư, phát triển trang thiết bị kỹ thuật hiện đại bảo đảm sàng lọc nhanh tin giả, tin sai sự thật… để có biện pháp cảnh báo, ngăn chặn kịp thời.
Ba là, tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao trách nhiệm tuân thủ pháp luật cho mỗi người dân sử dụng mạng xã hội và nâng cao cảnh giác tránh để thông tin xấu độc lợi dụng dịch Covid-19 dẫn dắt.
Yêu cầu đặt ra cần làm cho mỗi người dân thấy rõ tính hai mặt của mạng xã hội, nhất là mặt tiêu cực, tránh tình trạng vô tình tiếp tay cho các hoạt động xuyên tạc chống phá của các thế lực thù địch. Vì vậy, cần cung cấp, cập nhật thường xuyên hệ thống văn bản pháp luật, quan điểm chính thống của Đảng, Nhà nước trên truyền thông đại chúng để định hướng người dân sử dụng mạng xã hội khi tiếp cận thông tin nói chung, thông tin về dịch bệnh Covid-19 trên không gian mạng nói riêng.
Bốn là, hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong nước, giữa trong nước và nước ngoài nhằm ngăn chặn, xử lý các thông tin xấu độc nói chung và thông tin sai sự thật về dịch Covid-19 mang nội dung chống phá đất nước.
Theo Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm công nghệ cao, việc xử lý thông tin sai sự thật vừa qua trên mạng xã hội chưa đạt hiệu quả cao có nguyên nhân là một số nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới như Youtube, Google, Facebook vẫn chưa tích cực phối hợp và tuân thủ triệt để các quy định của pháp luật Việt Nam, chưa hợp tác với các cơ quan chức năng của Việt Nam trong việc ngăn chặn, xử lý những tin giả tán phát trên những nền tảng mà họ cung cấp. Từ đặc điểm “không có biên giới rõ ràng” của môi trường internet, của truyền thông mạng xã hội, đặt ra vấn đề cần thiết phải có sự phối hợp giữa Chính phủ Việt Nam với chính phủ các nước trên thế giới và các định chế quốc tế với các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội từ nước ngoài (như Facebook, Google, Youtube, Twitter…) để thực hiện hiệu quả việc ngăn chặn, xử lý và loại trừ những nguy cơ, hiểm họa mà truyền thông xã hội gây ra.
Hoahuongduong1386

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét