Thứ Hai, 13 tháng 4, 2020

Thủ đoạn lợi dụng dịch Covid-19 để xuyên tạc, chống phá



(ANTV) -  Ở Việt Nam, để đối phó với dịch bệnh, cả hệ thống chính trị  đã thể hiện tinh thần “chống dịch như chống giặc”, bước đầu đạt nhiều thành quả, được Tổ chức Y tế thế giới WHO và nhiều nước đánh giá cao, góp phần cùng cộng đồng quốc tế ngăn chặn, kiểm soát, đẩy lùi, giảm đến mức thấp nhất những thiệt hại do dịch bệnh gây ra. Tuy nhiên đây cũng là thời điểm các thế lực thù địch triệt để lợi dụng để xuyên tạc, chống phá đất nước.
Nhiều tổ chức phản động lưu vong, như: Việt Tân, Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời… cùng một số phần tử phản động trong nước cấu kết, a dua, lợi dụng tính năng lan tỏa nhanh của internet, của truyền thông xã hội như các kênh: Google, Youtube, Facebook... đăng tải thông tin sai sự thật về dịch bệnh, làm nhiễu loạn thông tin, gây hoang mang dư luận.
Số liệu Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thu thập được từ khi dịch Covid-19 xuất hiện thì đã có trên 900.000 thông tin liên quan về dịch bệnh trên mạng xã hội. Trong số đó có nhiều thông tin khiến người dân rất khó phân biệt đâu là thông tin thật, đâu là thông tin giả, đâu là thông tin chính xác.
Tin giả mà các thế lực thù địch đưa ra có mục đích ngụy tạo bức tranh đen tối về tình hình dịch bệnh tại Việt Nam nên chúng vẽ ra: "số người mắc bệnh, sự lây lan tốc độ nhanh ở nhiều địa bàn lớn gấp nhiều lần con số chính thức do Chính phủ Việt Nam công bố".
Từ ngụy tạo “luận cứ giả” nêu trên, các thế lực thù địch đổ lỗi cho Nhà nước về nguyên nhân để xảy ra dịch bệnh là đã không ngăn chặn ngay từ đầu mà theo họ là “phải đóng cửa hoàn toàn với Trung Quốc”-nơi bùng phát dịch bệnh!
Đồng thời ly gián lòng tin của nhân dân với nhà nước, kích động nhân dân biểu tình…đổ lỗi cho “Chính phủ bưng bít thông tin, yếu kém trong xử lý dịch bệnh”.
Những tin giả mà chúng gieo rắc làm xáo trộn mọi mặt của đời sống xã hội…mục đích mà chúng mong muốn đạt được là  gây nghi ngờ, tạo sự đối lập, mâu thuẫn giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước; đồng thời tạo sự hoài nghi, làm mất lòng tin của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam.
Với quyết tâm “chống dịch như chống giặc” hiện nay dịch bệnh đang kiểm soát, giảm đến mức thấp nhất. Nhưng những thế lực thù địch vẫn không dừng lại mà chúng lại tiếp tục “điên cuồng” chống phá và tiếp tục vi phạm pháp luật trên không gian mạng và tiếp tục phát tán những thông tin xấu độc.
Người dân cần tăng cường cảnh giác với những thông tin xấu độc trên mạng xã hội
Cơ quan chức năng đã chứng minh những đối tượng chống phá đất nước đã chi ra hàng nghìn USD để thực hiện các quảng cáo chính trị trên Facebook nhằm tuyên truyền, xuyên tạc bôi đen về tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam, hàm chứa nhiều nội dung chống phá Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Phần lớn những thông tin đấy không được tiếp nhận và bị nhân dân ta bài trừ, phản bác kịch liệt. Tuy nhiên cũng có một số người "nhẹ dạ, cả tin" đã rơi vào bẫy thông tin giả vội vàng chia sẽ những thông tin gây nhiễu loạn. Vậy nên mọi người dân cần chủ động nâng cao cảnh giác, không tin, cổ súy, lan truyền các thông tin thất thiệt, tẩy chay các thông tin xấu độc.
Những người nhẹ dạ cả tin đã like và chia sẻ những thông tin không đúng trên mạng xã hội. Chỉ khi lực lượng chức năng nhắc nhở xử lý thì những đối tượng này mới nhận thấy hành vi sai trái của mình.
Dù những người được nhắc nhở đã biết hành vi không đúng của mình và đã rút ra những bài học kinh nghiệm cho bản thân. Nhưng những đối tượng thù địch lại lên những diễn đàn mạng quốc tế tiếp tục lớn tiếng cho rằng nhiều nước đánh giá Đảng, Nhà nước ta vi phạm các quyền tự do, dân chủ... đồng thời vu cáo Nhà nước ta chà đạp quyền tự do ngôn luận .
Trong khi thực tế những du khách người nước ngoài đang ở VN lại đánh giá rất cao quyết tâm chống dịch của nước ta.
Để ngăn chặn thông tin xấu, độc hại lực lượng chức năng trên cả nước đang tổ chức xác minh, đấu tranh với những trường hợp thông tin sai sự thật trên không gian mạng. Tuy nhiên công tác xử lý các đối tượng phát tán thông tin giả, thông tin sai sự thật gặp không ít khó khăn bởi hầu hết những thông tin này chủ yếu được đăng tải trên mạng xã hội. Các đối tượng chỉ cần có thiết bị kết nối mạng và cú click chuột là đã có thể đăng tải bất kỳ thông tin gì, bất cứ lúc nào.
Cả thế giới hiện nay đang đối mặt với đại dịch vậy nên không chỉ ở nhân dân VN mà nhân dân toàn thế giới đang chung tay đoàn kết – bình tĩnh để tìm những phương án đối phó.
Để không rơi vào "ma trận" tin giả mỗi người sử dụng mạng xã hội không nên chia sẻ những thông tin chưa được kiểm chứng từ những nguồn không chính thống.
B.T


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét