Thứ Sáu, 22 tháng 7, 2022

CẢNH GIÁC VỚI LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC CỦA CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH

 

Trên trang Facebook “Hội những người cầm bút can đảm”, bút danh N.A đăng bài “Đảng ta là đạo đức…giả – là văn minh…rừng”. Nội dung bài viết, Y đưa ra luận điệu “Việt Nam có đến hai loại luật, một là “Luật giành cho đảng” và hai là “Luật giành cho dân””; Y đã lập luận rằng “Đối với công dân thì áp dụng các loại luật dân sự và hình sự mà họ đặt ra để trị”, và “Luật giành cho đảng viên của mình là một loại luật phi pháp luật”. Toàn bộ những luận điệu, những vấn đề mà Y đưa ra là sự xuyên tạc, bịa đặt, nhằm tạo sự hoài nghi, tâm lý hoang mang trong dư luận, làm giảm sút lòng tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước ta.

Thực tế, hệ thống pháp luật ở Việt Nam là hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa, với bản chất nhân văn, tiến bộ, hiện đại; hệ thống pháp luật của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân; thể hiện sâu sắc, đậm nét ý chí, quyền lợi, nguyện vọng của Nhân dân và được thực hiện bình đẳng rộng rãi. Điều đó thể hiện:

Thứ nhất, bình đẳng trước pháp luật là một nguyên tắc hiến định trong Hiến pháp và pháp luật của Việt Nam.

Quyền bình đẳng trước pháp luật ở Việt Nam đã được thể hiện ngay từ Hiến pháp 1946 – một bản Hiến pháp được ca ngợi ở nhiều phương diện, trong đó có phương diện bảo vệ quyền con người và quyền bình đẳng trước pháp luật. Điều thứ 6, 7 – Hiến pháp 1946 quy định: “Tất cả công dân Việt Nam đều ngang quyền về mọi phương diện: chính trị, kinh tế, văn hoá”; “Tất cả công dân Việt Nam đều bình đẳng trước pháp luật, đều được tham gia chính quyền và công cuộc kiến quốc tuỳ theo tài năng và đức hạnh của mình”. Đến Hiến pháp 1992 tái khẳng định quyền bình đẳng trước pháp luật tại Điều 52 đó là: “Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật”. Điều 16 – Hiến pháp năm 2013 quy định “Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội”. Theo đó, mọi công dân, nam, nữ thuộc các dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần, địa vị xã hội khác nhau trong một quốc gia đều không bị phân biệt đối xử trong việc hưởng quyền, nghĩa vụ và chịu trách nhiệm pháp lý theo quy định của pháp luật.

Quyền bình đẳng trước pháp luật ở Việt Nam không chỉ được thể hiện trong Hiến pháp mà còn được cụ thể hóa trong pháp luật như: tại Khoản 1, Điều 3, Bộ luật dân sự năm 2015 quy định “Mọi cá nhân, pháp nhân đều bình đẳng, không được lấy bất kỳ lý do nào để phân biệt đối xử; được pháp luật bảo hộ như nhau về các quyền nhân thân và tài sản”. Tại Điểm b, Khoản 1, Điều 3, Bộ luật hình sự năm 2015 quy định “Mọi người phạm tội đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt giới tính, dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần, địa vị xã hội”. Tại Điều 2, Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân quy định “Tính đến ngày bầu cử được công bố, công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp theo quy định của Luật này”…

Thứ hai, việc thực thi Hiến pháp và pháp luật ở Việt Nam là nghiêm minh, không có “vùng cấm”, không có “ngoại lệ”.

Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, kiểm soát công tác thi hành pháp luật như: Nghị định số 59/2012/NĐ – CP ngày 27/3/2012 của Chính phủ về Theo dõi tình hình thi hành pháp luật, Nghị định số 32/2020/NĐ-CP ngày 05 tháng 3 năm 2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2012/NĐ-CP, Chỉ thị số 43/CT-TTg ngày 11/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật… Quá trình thực thi pháp luật luôn bảo đảm chặt chẽ, minh bạch, công khai, khách quan và bình đẳng; bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào nếu vi phạm pháp luật đều bị xử lý nghiêm minh. Điển hình như mới đây, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Thanh Long – nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế và ông Chu Ngọc Anh – nguyên Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội vì có hành vi vi phạm quy định của pháp luật.  Đặc biệt, theo sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương thì các cơ quan thực thi pháp luật phải tiến hành điều tra và xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật. Điều đó cho thấy, ở Việt Nam không bao giờ có “Luật giành cho đảng” và “Luật giành cho dân”, như sự xuyên tạc của N.A mà tất cả đều bình đẳng, thượng tôn pháp luật./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét