Thứ Sáu, 22 tháng 7, 2022

PHẢI CHĂNG THỰC HIỆN ĐA NGUYÊN CHÍNH TRỊ MỚI CÓ DÂN CHỦ ?

 

Vừa qua, trên trang Thongluan-rdp.org có bài viết “Giải pháp nào cho đất nước trong tình cảnh lâm nguy”. Với những lời lẽ mang tính kích động quần chúng đòi Đảng Cộng sản Việt Nam phải từ bỏ chế độ độc đảng để thực hiện chế độ đa nguyên chính trị. Chúng ta cần phê phán, bác bỏ quan điểm sai trái đó dựa trên cơ sở lý luận và thực tiễn sau đây:

Vấn đề “đa nguyên luận” không phải là vấn đề mới, được hình thành từ thế kỷ XIX. Tư tưởng “đa nguyên luận” nhằm mục đích ngăn chặn tình trạng độc quyền, mất dân chủ của giới tài phiệt và một số chính trị gia tư sản, bảo vệ quyền lợi của các tầng lớp dân cư và lợi ích của một số nhóm nhỏ trong xã hội. Tuy nhiên, tư tưởng “đa nguyên luận” không đạt được mục đích của mình là dân chủ hoá xã hội mà chỉ hình thành nên một số đảng phái trong xã hội nhằm phân chia, tranh giành quyền lực lẫn nhau. Sau khi Cách mạng Tháng Mười Nga giành thắng lợi, nghĩa là chính quyền của giai cấp vô sản ra đời, đảng cộng sản nắm quyền lãnh đạo ở một số nước XHCN. Khi đó, những người đại diện cho giai cấp tư sản – giai cấp bị mất đi sự độc quyền thống trị xã hội lại rùm beng kích động vấn đề đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, để từng bước tranh giành quyền lãnh đạo và xóa bỏ vai trò lãnh đạo của đảng cộng sản đang cầm quyền.

Về thực chất đa nguyên chính trị, đa đảng không đồng nhất với bản chất chế độ dân chủ trong xã hội có phân chia giai cấp. Một đảng chính trị giữ vai trò lãnh đạo xã hội không đồng nhất với độc tài, không đồng nhất với mất dân chủ. Không phải có đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập là có dân chủ thực sự và không có đa nguyên, đa đảng thì không có dân chủ. Đa nguyên chính trị, đa đảng không phải là “yếu tố duy nhất, nền tảng xã hội duy nhất” đảm bảo được dân chủ đích thực mà phụ thuộc vào bản chất chế độ kinh tế – xã hội, bản chất giai cấp thống trị, cơ chế quản lý xã hội và trình độ làm chủ của người dân… Nấc thang cao nhất, ưu việt nhất của chế độ dân chủ mà loài người tiến bộ hướng tới là dân chủ XHCN – đem lại quyền lực thuộc về nhân dân. Theo Hồ Chí Minh: “dân chủ là dân làm chủ, dân là chủ”. Điều cốt lõi ở bất cứ một xã hội nào, là phải xem đảng chính trị cầm quyền và nhà nước quan tâm đến thể chế bảo đảm quyền lực thực tế của nhân dân, tôn trọng nhân dân, chăm lo cho nhân dân, coi nhân dân là gốc, là chủ thể của quyền lực… được thể hiện trong cương lĩnh, mục tiêu, chương trình hành động, thông qua hệ thống hiến pháp và pháp luật… Chứ không phải phụ thuộc vào tiêu chí duy nhất là thực hiện chế độ nhất nguyên hay đa nguyên, một đảng hay đa đảng để đánh giá dân chủ trong xã hội đó. Dân chủ XHCN ở Việt Nam là thành quả của cuộc đấu tranh lâu dài gắn với công cuộc xây dựng CNXH, là nấc thang giá trị cao nhất của nhân loại tiến bộ, không phải là sản phẩm “của sự kêu gào” của một số nhà chính trị cuội.

Thực tế cho thấy, hầu hết các nước tư bản đều thực hiện đa nguyên, đa đảng nhưng nhân dân lao động không được bảo đảm quyền dân chủ thực sự mà chỉ là lý thuyết. Những cuộc lật đổ tranh giành quyền lực giữa các phe phái chính trị ở một số nước Châu Âu, Châu Phi, Mỹ La Tinh, Châu Á, mà tiêu biểu như Apghanistan, Pakistan, Miến Điện, Thái Lan… đã cho thấy rõ điều đó. Thực chất của đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập là sự phân chia, tranh giành quyền lực giữa các lực lượng chính trị xã hội và không ở đâu mang lại “dân chủ thực sự” cho người dân lao động. Ở Mỹ, ai cũng thấy rằng chỉ có Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ là hai đảng lớn nhất của giai cấp tư sản thay nhau cầm quyền. Tuy là hai đảng nhưng không ai có thể tìm thấy sự khác nhau về bản chất, về lập trường giai cấp và hệ tư tưởng giữa chúng, có khác chăng thì chỉ ở tên gọi và một số chính sách rất nhỏ mà thôi. Nhà nước tư sản chỉ là công cụ bảo vệ lợi ích của số ít người, quyền làm chủ của số ít để chống lại số đông, sự tự do chà đạp lên thân phận người khác. Dân chủ thành trò hề, tự cho mình cái quyền phán xét người khác, xâm lược nước khác, vi phạm trắng trợn nền độc lập và chủ quyền của các quốc gia, dân tộc khác… Thực tế chứng minh, Đảng Cộng sản Việt Nam đang xây dựng chế độ dân chủ XHCN để đem lại quyền lực thực tế thuộc về cho số đông đảo người lao động, thể hiện trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Vậy mà, trong bài viết Giải pháp nào cho đất nước trong tình cảnh lâm nguy đã thể hiện những luận điểm sai sự thật, lớn tiếng cho rằng: “Đảng Cộng sản Việt Nam là độc quyền, không dân chủ, không thực hiện chiến lược mới”; “kẻ thù số một của dân tộc Việt Nam hiện nay là những yếu kém, bệnh mất dân chủ trong Đảng”… Với mục đích là kích động nhân dân phủ nhận vai trò lãnh đạo nhà nước và xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam. Vì thế, mỗi người dân Việt Nam hãy cảnh giác, không để mắc mưu các thế lực thù địch. Chúng luôn tỏ vẻ là “người dân chủ, vì dân” nhưng thực chất là tay sai cho kẻ thù, phản quốc, hại dân và bài xích vai trò cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam thông qua chiêu trò đòi đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét