Thứ Hai, 13 tháng 8, 2018

Không thể xuyên tạc đường lối đối ngoại quang minh chính đại của Đảng và Nhà nước Việt Nam


Một trong những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, những kẻ cơ hội về chính trị là xuyên tạc đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam.
Trong thời gian gần đây, lợi dụng những diễn biến phức tạp của tình hình khu vực và thế giới, nhất là vấn đề về chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông, trên internet, mạng xã hội, một số hãng thông tấn báo chí phương Tây đã đăng nhiều thông tin xuyên tạc đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam.

Không ít những cá nhân, nhóm cá nhân đóng vai “người yêu nước”, “chiến sĩ đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền” đã viết bài phát tán trên internet, mạng xã hội với những giọng điệu cho rằng: Việt Nam đang “đi dây trong quan hệ với các nước lớn; để giữ độc lập, chủ quyền... phải “thoát Trung”; “chỉ có liên minh quân sự với một cường quốc mạnh thì Việt Nam mới giữ được chủ quyền biển, đảo; “chính sách quốc phòng “ba không” (không tham gia các liên minh quân sự, không là đồng minh quân sự của bất kỳ nước nào, không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam và không dựa vào nước này để chống nước kia) là “tự trói tay mình”…
Vậy bối cảnh chính trị-xã hội của đường lối đối ngoại Việt Nam là gì? Việt Nam đã vượt qua những rào cản nào để có được những quan hệ đối ngoại rộng mở như ngày nay? Và bản chất đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam là gì?
1-Bối cảnh địa chính trị, xã hội của đường lối đối ngoại Việt Nam
Ngày nay, nhìn lại lịch sử Việt Nam từ lăng kính địa chính trị và xã hội, chúng ta thấy một trong những nguyên nhân dẫn đến Việt Nam phải thường xuyên chống lại các thế lực thực dân xâm lược và phải có chính sách hòa hiếu với các quốc gia, nhất là các nước láng giềng, là bởi Việt Nam là quốc gia nằm trong khu vực địa chính trị có tầm quan trọng nhất khu vực và trên thế giới.
Việt Nam là quốc gia ven Biển Đông, bờ biển dài hơn 3.260km. Về giao thông, Biển Đông là biển quan trọng nhất nối liền Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Trải qua nhiều thập kỷ trong lịch sử, Biển Đông luôn được coi là con đường thiết yếu vận chuyển dầu và các nguồn tài nguyên thương mại từ Trung Cận Đông và Đông Nam Á tới Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Hiện nay, hơn 90% lượng hàng hóa thương mại của thế giới được vận chuyển bằng đường biển và 45% trong số đó phải đi qua vùng Biển Đông. Lượng dầu lửa và khí hóa lỏng được vận chuyển qua vùng biển này lớn gấp 15 lần lượng chuyên chở qua kênh đào Panama. 
Theo các chuyên gia thì khu vực Biển Đông chứa đựng tài nguyên băng cháy (methane hydrate). Đây là nguồn năng lượng sạch còn quý hơn dầu mỏ và thay thế dầu khí trong tương lai gần. Ngoài ra, Biển Đông còn chứa nhiều khoáng sản quý như quặng thiếc, titan, vonfram, brom, sắt, đồng, đất hiếm… Đây là một trong những lý do cơ bản khiến nhiều nước lớn quan tâm và dân tộc Việt Nam phải ứng phó với các cuộc cạnh tranh của nhiều nước lớn để duy trì môi trường hòa bình, xây dựng đất nước.
2-Việt Nam đã vượt qua những rào cản nào để có được quan hệ đối ngoại rộng mở như ngày nay?
Sau thắng lợi hoàn toàn của cuộc kháng chiến chống đế quốc xâm lược (30-4-1975), nhân dân Việt Nam đã phải vượt qua chính sách cấm vận của Hoa Kỳ (từ  năm 1975 đến 1994). Từ năm 1978 đến 1989, Việt Nam phải tiến hành cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trên tuyến biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc. Tiếp đó, sau khi Liên Xô, các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu sụp đổ, Việt Nam mất đi sự ủng hộ về chính trị và giúp đỡ to lớn về kinh tế của các quốc gia trên.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam vẫn kiên trì đường lối xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công cuộc đổi mới, mở đầu từ Đại hội VI (năm 1986) đến nay, từng bước đưa dân tộc Việt Nam vượt qua khó khăn về kinh tế-xã hội, khôi phục, mở rộng các quan hệ quốc tế. Năm 1995, Việt Nam đã đi từ tháo gỡ cấm vận, mở rộng và đưa các quan hệ đối ngoại đi vào chiều sâu với việc xác lập các quan hệ đối tác chiến lược. Cho đến nay, Việt Nam đã ký hiệp định đối tác chiến lược với 12 quốc gia. Việt Nam cũng đã ký hiệp định đối tác toàn diện với Hoa Kỳ.
Uy tín quốc tế của Việt Nam ngày càng được nâng cao. Việt Nam trở thành thành viên (không thường trực) của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (nhiệm kỳ 2014-2016).
Quan hệ Việt Nam-Trung Quốc trong thập kỷ qua có nhiều bước thăng trầm, nhất là do những vướng mắc trong các vấn đề liên quan đến Biển Đông. Tuy nhiên, Việt Nam cũng đã cùng với Trung Quốc và các nước có liên quan thực hiện được những bước đi cơ bản để duy trì môi trường hòa bình. Trong quan hệ Việt Nam-Trung Quốc, năm 2011, lãnh đạo hai nước đã ký văn kiện “Thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”. Đó là những nguyên tắc như: (1) Lấy đại cục quan hệ hai nước làm trọng, xuất phát từ tầm cao chiến lược và toàn cục… kiên trì thông qua hiệp thương hữu nghị, xử lý và giải quyết thỏa đáng vấn đề trên biển…; (2) Trên tinh thần tôn trọng đầy đủ chứng cứ pháp lý và xem xét các yếu tố liên quan khác như lịch sử… mở rộng nhận thức chung, thu hẹp bất đồng…; (3) Hai bên nghiêm chỉnh tuân thủ thỏa thuận và nhận thức chung về “Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông” (DOC)… Những văn kiện này là cơ sở chính trị, pháp lý quan trọng để chúng ta đấu tranh bảo vệ, giữ vững chủ quyền quốc gia và duy trì quan hệ bình đẳng, hữu nghị với Trung Quốc-nước láng giềng núi liền núi, sông liền sông.
3-Bản chất đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam
Đường lối, chính sách đối ngoại của Việt Nam ngày nay một mặt kế thừa truyền thống yêu chuộng hòa bình của dân tộc, mặt khác đã có bước phát triển sáng tạo thích ứng với những biến đổi nhanh chóng của tình hình thế giới. Báo cáo Chính trị Đại hội XII của Đảng Cộng sản Việt Nam nêu rõ: “Bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia-dân tộc” lên trên hết. Đồng thời “tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng và cùng có lợi, thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”.
Với quan điểm rõ ràng nêu trên, thì bản chất chính trị của đường lối, chính sách đối ngoại của Việt Nam ngày nay là: Thứ nhất, đặt lợi ích quốc gia-dân tộc lên trên hết. Nói cách khác, Đảng Cộng sản Việt Nam lấy lợi ích quốc gia-dân tộc làm tiêu chí, mục tiêu của đường lối, chính sách đối ngoại. Thứ hai, đường lối, chính sách đối ngoại của Việt Nam ngày nay linh hoạt, mềm dẻo dựa trên nhận thức đúng về đối tác và đối tượng. Nghị quyết Trung ương 8, khóa IX xác định: “Những ai tôn trọng độc lập, chủ quyền, thiết lập và mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với Việt Nam đều là đối tác; bất kỳ thế lực nào có âm mưu và hành động chống phá mục tiêu của nước ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều là đối tượng của chúng ta”. Thứ ba, trên lĩnh vực đối ngoại quốc phòng, Đảng Cộng sản Việt Nam cho rằng: Trong thời đại hiện nay, tổ chức các liên minh quân sự, hoặc xây dựng căn cứ quân sự của nước này tại một nước khác không còn phù hợp. Việt Nam thực hiện chính sách quốc phòng “ba không”: Không tham gia các liên minh quân sự; không là đồng minh quân sự của bất kỳ nước nào; không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam và không dựa vào nước này để chống nước kia...
Như vậy, đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam không phải là một chiến lược, sách lược ngoại giao nhất thời mà là một chính sách chính trị, công khai, minh bạch, quang minh chính đại, phù hợp với xu thế phát triển của thế giới.
                               NGUỒN: WWW.qdnd.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét