Tại Kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XIV, ngày 12/6/2018, Quốc
hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua Luật An ninh mạng với
tỷ lệ cao (86,86% đại biểu Quốc hội tán thành). Đây là bộ Luật quan trọng
nhằm đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, trong bối cảnh nước ta
đang đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc
tế.
Một là, Luật An ninh mạng được thông qua có ý nghĩa quan trọng
trong việc hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật của nhà nước, phù hợp với
thông lệ quốc tế. Hiện nay, thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp
lần thứ Tư, cùng với sự phát triển “theo cấp số nhân” của khoa học công nghệ,
không gian mạng trở thành một bộ phận cấu thành không thể thiếu trong xây dựng
xã hội thông tin và phát triển kinh tế tri thức.Sự phát triển của không gian
mạng đã và đang mang lại những lợi ích lớn chưa từng có cho các quốc gia, nhưng
cũng làm xuất hiện những nhiều nguy cơ tiềm ẩn khôn lường. Nhiều quốc gia, tổ
chức, liên minh quốc tế như Mỹ, Anh, Đức, Hà Lan, Pháp, Canada, Hàn Quốc, NATO…
đã khẩn trương ban hành các văn bản luật hoặc dưới luật, nhằm tạo ra các thiết
chế, cơ sở pháp lý chống lại các nguy cơ đe dọa đến an ninh quốc gia từ không
gian mạng. Đồng thời, thành lập các lực lượng chuyên trách về an ninh mạng,
tình báo mạng, chiến tranh mạng, phòng chống khủng bố mạng và tội phạm mạng.
Chỉ trong vòng 06 năm trở lại đây, đã có 23 quốc gia trên thế giới ban hành
trên 40 văn bản luật về an ninh mạng. Do đó, việc ban hành Luật An ninh mạng ở
Việt Nam là phù hợp với thông lệ quốc tế trong thời kỳ mở rộng hội nhập, đẩy
mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đây cũng là hoạt động cụ thể nhằm
hiện thực hóa mục tiêu xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật theo Nghị quyết
số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị khóa IX về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đến năm 2010,
định hướng đến năm 2020. Bộ Luật này sẽ là công cụ quan trọng,
không thể thiếu để Nhà nước quản lý tốt xã hội, giữ vững ổn định chính
trị, phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế, xây dựng Nhà nước trong sạch,
vững mạnh, thực hiện quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân,
góp phần đưa nước ta sớm trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Hai là, Luật An ninh mạng tạo hành lang pháp lý quan trọng để
bảo vệ an ninh quốc gia trên không gian mạng. Thời gian qua, tình hình an ninh không gian mạng trên thế
giới và khu vực diễn ra hết sức phức tạp. Ở các nền kinh tế khổng lồ như Mỹ,
Trung Quốc, Nhật Bản và Đức, tội phạm mạng đã gây ra tổng thiệt hại
lên tới 200 tỷ đô – la mỗi năm. Bên cạnh đó, hoạt động khủng bố qua không
gian mạng đang nổi lên như một thách thức toàn cầu, diễn ra theo 3 hình thức
chủ yếu: Tấn công hệ thống mạng thông tin nhằm mục đích khủng bố; Sử dụng mạng
để tài trợ, tuyên truyền, lôi kéo, tuyển mộ, đào tạo, huấn luyện lực lượng để
thực hiện hành vi khủng bố và Phát tán thông tin lên mạng nhằm khủng bố tinh
thần. Tại Việt Nam, trong năm 2017, thiệt hại do virus máy tính gây ra đối với
người dùng đã lên tới 12.300 tỷ đồng, tương đương 540 triệu đô – la. Các hoạt
động tấn công mạng, gián điệp, khủng bố trên mạng, đặc biệt là nguy cơ “chiến
tranh lạnh” đã và đang đe dọa trực tiếp tới nước ta. Trước tình hình đó, Luật
An ninh mạng được ban hành sẽ bảo đảm cơ sở pháp lý vững chắc cho lực lượng
Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, các cơ quan, tổ chức và nhân dân có thể
chủ động tiến hành có hiệu quả các hoạt động, biện pháp cần thiết để phòng
ngừa, ngăn chặn, phát hiện, đấu tranh, loại trừ các hành vi xâm phạm an ninh
quốc gia, trật tự an toàn xã hội trên không gian mạng; các hành vi tấn công vào
hạ tầng kỹ thuật mạng máy tính, viễn thông, internet ở Việt Nam. Đồng thời bảo
đảm quyền con người, quyền công dân; khắc phục các hạn chế của pháp luật hiện
hành, góp phần bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội trong
tình hình mới.
Ba là, Luật An ninh mạng là công cụ pháp luật quan trọng nhằm đấu
tranh phòng, chống “Diễn biến hòa bình” trên không gian mạng. Thời gian qua, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính
trị trong và ngoài nước tăng cường các hoạt động chống phá cách mạng nước ta
với nhiều âm mưu, thủ đoạn hết sức tinh vi, nham hiểm, xảo quyệt. Một trong
những thủ đoạn của chúng là triệt để lợi dụng internet, mạng xã hội và các blog
cá nhân để tung tin xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng và Nhà
nước; vu cáo, bịa đặt, bôi nhọ hình ảnh các lãnh đạo Đảng, Nhà nước; chia rẽ
khối đại đoàn kết dân tộc, chia rẽ Đảng, Nhà nước với nhân dân. Đặc biệt trước
những sự kiện lớn, các ngày kỷ niệm trọng đại của đất nước, cấp độ, mật độ và
tần suất những thông tin xấu, độc ngày càng gia tăng. Không gian mạng đang trở
thành môi trường lý tưởng cho âm mưu “Diễn biến hòa bình” của các thế lực
thù địch, nhằm phá hoại nền tảng tư tưởng, chuyển hóa chế độ chính trị ở nước
ta. Để đấu tranh làm thất những âm mưu, thủ đoạn đó, bên cạnh các biện pháp
đồng bộ về công tác chính trị, tư tưởng và tổ chức cần phải có công cụ pháp
luật đủ mạnh, có sức răn đe đối với hành vi lợi dụng internet, mạng xã hội
tuyên truyền, kích động chống đối Đảng, Nhà nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến
lợi ích quốc gia, dân tộc. Luật An ninh mạng được ban hành đã đáp ứng kịp thời
yêu cầu đó. Với những chế tài cụ thể, nghiêm minh, Luật An ninh mạng sẽ phục vụ
đắc lực cho nhiệm vụ tranh phòng, chống “Diễn biến hòa bình” trên không gian
mạng; góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Từ những phân tích trên cho thấy, Luật An ninh mạng là văn
bản luật quan trọng, có ý nghĩa to lớn đối với quá trình xây dựng, hoàn thiện
hệ thống pháp luật ở nước ta; nhằm bảo đảm an ninh quốc gia và đáp ứng kịp thời
yêu cầu, nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống “Diễn biến hòa bình” trên không gian
mạng hiện nay./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét