Thứ Hai, 11 tháng 3, 2019

Không thể phủ nhận thành tựu giáo dục của Việt Nam

Những năm qua, cùng với những thành tựu to lớn về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại, giáo dục của Việt Nam đã tích cực đổi mới và thu được nhiều kết quả to lớn. Nhưng đáng tiếc rằng, một số người đưa ra những ý kiến ác ý, phủ nhận thành tựu giáo dục của Việt Nam. Điển hình là, ngày 19/12/2018, trên songchis blog có bài viết: “Một nền giáo dục thất bại. Một nhà nước thất bại. Một quốc gia thất bại” của tác giả Song Chi. Sau đó bài viết được trang mạng Bureau CTM Media – Á châu đăng tải lại vào ngày 21/12/2018. Trong bài viết này, chỉ dựa vào một số biểu hiện tiêu cực trong ngành giáo dục, Song Chi đưa ra luận điệu “Một nền giáo dục thất bại”. Thực tiễn thành tựu giáo dục của Việt Nam đã bác bỏ luận điệu sai trái này.
Lịch sử Việt Nam cho thấy, trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, thực dân Pháp xâm lược coi nền giáo dục phong kiến là công cụ quan trọng để chinh phục thuộc địa. Chúng mở các trường nhằm đào tạo một số công chức cho bộ máy cai trị, các cơ sở kinh doanh… Số trường học ít và số người đi học ngày càng ít hơn. Trong khoảng từ năm 1931 đến năm 1940, cứ 100 người dân chưa được 3 người đi học và hầu hết là học bậc tiểu học và vỡ lòng, trên 3 vạn dân mới có một sinh viên (cao đẳng, đại học).
Từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời, nền giáo dục mới được hình thành và tiến hành trên 3 nguyên tắc: dân tộc, khoa học, đại chúng với mục tiêu cao cả là: Tôn trọng nhân phẩm, rèn luyện chí khí, phát triển tài năng, đề cao tinh thần khoa học, học tập và giảng dạy bằng tiếng Việt từ các trường phổ thông đến đại học.
Đặc biệt là, từ sau 1975, đất nước thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, nền giáo dục Việt Nam dưới chế độ xã hội chủ nghĩa đã đạt đạt nhiều thành tựu to lớn. Đến cuối những năm cuối thập kỷ XX, có hơn 93,7% dân số từ 15 tuổi trở lên biết chữ, 85% tỉnh, thành và 90% quận, huyện đạt chuẩn quốc gia vè xoá mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học. Nhiều tỉnh đang tiến tới phổ cập trung học cơ sở. Giáo dục ở các vùng dân tộc thiểu số đã có những chuyển biến tích cực.
Từ năm 2000 đến nay, nền giáo dục Việt Nam trong sự nghiệp đổi mới tiếp tục đạt được nhiều thành tựu to lớn. Hệ thống trường lớp và quy mô giáo dục phát triển nhanh, thực hiện nền giáo dục toàn dân, đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng tăng của nhân dân và nâng cao được trình độ đào tạo, trình độ và kĩ năng nghề nghiệp của người lao động. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tăng nhanh về số lượng, chất lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục và đào tạo. Cơ sở vật chất – kỹ thuật của hệ thống giáo dục và đào tạo được tăng thêm và từng bước hiện đại hoá. Chất lượng giáo dục và đào tạo được nâng lên, góp phần đáp ứng yêu cầu nhân lực cho xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Những ý kiến chỉ trích giáo dục của Việt Nam lạc hậu, không theo kịp thế giới là không đúng. Báo cáo tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ông Phùng Xuân Nhạ cho biết, kết quả đổi mới giáo dục của Việt Nam được các nước, tổ chức quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Ngày 15/3 /2018, Ngân hàng Thế giới đã ra thông cáo báo chí, theo đó khẳng định, 7/10 hệ thống giáo dục hàng đầu của thế giới nằm ở khu vực Đông Á – Thái Bình Dương, trong đó có hệ thống giáo dục của Việt Nam. Từ năm 2004 đến nay, Việt Nam đăng cai và tổ chức thành công nhiều kỳ thi quốc tế: Olympic Vật lý châu Á (2004), Olympic Toán học quốc tế (2007), Olympic Vật lý quốc tế (2008), Olympic Hóa học quốc tế (2014). Năm 2016, Việt Nam là nước chủ nhà của Cuộc thi Olympic Sinh học quốc tế lần thứ 27-IBO 2016. Đây là minh chứng cho sự tin tưởng, đánh giá cao của quốc tế đối với nền giáo dục Việt Nam.
Như vậy, luận điệu “Một nền giáo dục thất bại” là hoàn toàn sai trái. Những người đưa ra luận điệu này nhằm ý đồ phủ nhận những thành quả to lớn của cách mạng Việt Nam, trong đó có thành quả giáo dục. Chúng ta cần cảnh giác với luận điệu này./.
Nguồn: http://nhanvanviet.com


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét