Chiến lược “Diễn biến
hòa bình” của các thế lực thù địch đã và đang gây ra nhiều tác hại đối với sự
nghiệp cách mạng của Đảng, công tác giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên, năng
lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng. “Tự diễn biến”, “tự chuyển
hóa” là một trong những biến thể của “diễn biến hòa bình”, với những biểu hiện,
như: xa rời mục tiêu, lý tưởng cách mạng, tham ô, tham nhũng, suy thoái về tư
tưởng chính trị, đạo đức, lối sống ở một bộ phận cán bộ, đảng viên,... trong đó
có đội ngũ sĩ quan trẻ Quân đội.
“Tự diễn biến”, “tự
chuyển hóa” của sĩ quan trẻ là quá trình diễn ra trong nhận thức, tư tưởng,
thái độ, tình cảm, hành vi của mỗi người theo chiều hướng tiêu cực, suy giảm và
biến đổi về bản chất, đi ngược lại bản chất, truyền thống cách mạng của Quân
đội nhân dân Việt Nam. Phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của sĩ quan
trẻ là tổng thể hoạt động của tổ chức đảng, chỉ huy, đoàn thể trong Quân đội và
các tổ chức chính trị - xã hội, thực hiện các chủ trương, biện pháp về chính
trị, tư tưởng, tổ chức, chính sách và luật pháp để ngăn chặn nguồn gốc, nguyên
nhân và khắc phục biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ở mỗi sĩ quan trẻ,
góp phần xây dựng đội ngũ sĩ quan trẻ vững mạnh về mọi mặt, có lý tưởng, hoài
bão phấn đấu vươn lên, khẳng định tài năng, trí tuệ trong thực tiễn.
Đội ngũ sĩ quan trẻ
trong Quân đội là những người được đào tạo cơ bản, có nhiệt huyết trong công
việc; có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức, lối sống tốt. Tuy
nhiên, do chưa trải nghiệm nhiều trong thực tiễn, nhất là những tình huống phức
tạp, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt của các thế lực thù địch, nên khi có tình
huống xảy ra dễ lúng túng, mất phương hướng, dẫn đến mắc vào mưu đồ chống phá
của các thế lực thù địch. Nhận rõ điều đó, những năm qua, lãnh đạo, chỉ huy các
cấp đã tích cực, chủ động đấu tranh phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển
hóa” trong đội ngũ sĩ quan trẻ Quân đội; thường xuyên quan tâm, chăm lo giáo
dục, giữ vững bản lĩnh chính trị, lập trường, quan điểm, phẩm chất đạo đức, lối
sống, phong cách lãnh đạo, chỉ huy, tạo sự chuyển biến tích cực góp phần nâng
cao chất lượng công tác lãnh đạo, quản lý, chỉ huy đơn vị. Tuy nhiên, so với
yêu cầu đề ra, việc đấu tranh phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”
trong đội ngũ sĩ quan trẻ Quân đội vẫn còn tồn tại những hạn chế, bất cập. Một
số chủ thể, lực lượng chưa nhận thức đầy đủ về vấn đề này, còn có tư tưởng chủ
quan, coi nhẹ, chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm trong phòng, chống “tự
diễn biến”, “tự chuyển hóa” đối với sĩ quan trẻ; nội dung, hình thức, biện pháp
còn đơn điệu, thiếu đồng bộ, tính hiệu quả chưa cao. Do vậy, một số biểu hiện
lệch chuẩn giá trị trong nhận thức và hành động của sĩ quan trẻ chưa được khắc
phục kịp thời. Một bộ phận sĩ quan trẻ còn bị chi phối bởi những tiêu cực ngoài
xã hội và sự kích động, chống phá của các thế lực thù địch, nên chưa tích cực,
tự giác học tập, tu dưỡng, rèn luyện về mọi mặt, nhất là học tập chính trị;
thiếu yên tâm xây dựng Quân đội, bản lĩnh chính trị chưa thật vững vàng, vi
phạm vào quy định về những điều đảng viên không được làm, có biểu hiện xa rời
thực tiễn, cơ sở, v.v.
Hiện nay, sự nghiệp
xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc đang đặt ra những yêu cầu
mới rất cao và toàn diện; việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về
xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập
và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Cuộc vận động “Phát
huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” đã đạt được những
kết quả tích cực, song còn nhiều vấn đề cần quan tâm giải quyết. Trong khi đó,
tác động từ mặt trái kinh tế thị trường, sự chống phá của các thế lực thù địch,
khoét sâu vào những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ,… đã
tác động nhiều chiều đến sự phấn đấu, rèn luyện của đội ngũ sĩ quan trẻ Quân
đội. Bởi vậy, việc phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của sĩ quan trẻ
đang là vấn đề cấp thiết đặt ra hiện nay; trong phạm vi bài viết, xin đề
xuất một số nội dung, biện pháp sau đây:
Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các chủ
thể trong phòng, chống
“tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của sĩ quan trẻ Quân đội hiện nay. Nhận
thức, trách nhiệm của các chủ thể trong phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển
hóa” của sĩ quan trẻ luôn có vị trí quan trọng hàng đầu để lãnh đạo,
chỉ đạo, tổ chức các hoạt động phòng, chống với biểu hiện này. Nếu các chủ
thể, lực lượng nhận thức không thống nhất, không xác định rõ trách nhiệm thì
không thể phòng, chống có hiệu quả “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội
ngũ sĩ quan trẻ Quân đội. Trong đó, cần tập trung nâng cao nhận thức, trách
nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ chủ trì các cấp, đội ngũ cán bộ, đảng
viên, tổ chức quần chúng, tổ chức chính trị - xã hội trong phòng, chống
“tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Các chủ thể cần nhận thức rõ các biểu hiện,
tác hại, nguyên nhân của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; nhìn nhận, đánh giá
đúng thực trạng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ sĩ quan trẻ hiện
nay; những vấn đề nổi lên cần quan tâm giải quyết, không để lây lan, kéo dài,
chi phối đến tình hình chung toàn đơn vị. Trên cơ sở đó, xác định yêu cầu,
biện pháp thiết thực phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của sĩ quan
trẻ ở các cơ quan, đơn vị trong Quân đội hiện nay.
Hai là, thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức,
phương pháp phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ sĩ quan
trẻ Quân đội. Sĩ quan trẻ trong Quân
đội sinh ra và lớn lên trong hoà bình, nhận thức, tư tưởng, tình cảm, nhu cầu,
lợi ích, quan hệ xã hội có sự phát triển rất cao, song cũng rất đa dạng, phức
tạp. Đặc biệt, họ chưa được rèn luyện, thử thách trước khi vào Quân đội nên dễ
mắc phải những khuyết điểm, hạn chế về phẩm chất chính tri, đạo đức, lối sống,
ý chí quyết tâm, sự hy sinh, cống hiến, trách nhiệm đối với Tổ quốc, gia đình
và bản thân. Nếu không chủ động phòng ngừa những diễn biến tiêu cực về tâm
lý, tư tưởng thì dễ xảy những hiện tượng suy thoái về tư tưởng chính trị,
đạo đức, lối sống - nguyên nhân chính dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”
của sĩ quan trẻ. Để chủ động phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, cần
tích cực đổi mới nội dung, hình thức tiến hành phù hợp lứa tuổi trẻ, đặc điểm,
nhiệm vụ của đơn vị, song phải toàn diện cả về công tác tư tưởng, công tác tổ
chức, công tác quản lý. Đối với công tác tư tưởng, tích cực đổi mới
nội dung giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng; nắm, quản lý, phân tích, đánh
giá, phân loại và giải quyết tư tưởng; dự báo xu hướng vận động của những tư
tưởng tiêu cực dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đối với đội ngũ sĩ quan
trẻ. Đối với công tác tổ chức, chú trọng vận dụng linh hoạt các
hình thức, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Trong công
tác quản lý, đổi mới hình thức, biện pháp quản lý các mối quan hệ xã hội,
quản lý tư tưởng, phát huy dân chủ trong chấp hành kỷ luật, xây dựng nền nếp
chính quy, môi trường văn hóa,... đảm bảo phòng ngừa, ngăn chặn không để xảy ra
suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Bên cạnh đó, cần vận dụng
linh hoạt, sáng tạo các hình thức, biện pháp phòng, chống “tự diễn biến”, “tự
chuyển hóa” đối với sĩ quan trẻ; tăng cường tổ chức các buổi tọa đàm, thông tin
chuyên đề trên các phương tiện thông tin đại chúng; duy trì và phát huy tốt các
hình thức thông báo chính trị, đọc báo, nghe đài, xem truyền hình, truyền thanh
nội bộ, góp phần nâng cao nhận thức về “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” để sĩ
quan trẻ tự điều chỉnh nhận thức, hành vi của mình.
Ba là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức
đảng, cán bộ chủ trì các cấp, các cơ quan chức năng đối với phòng,
chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ sĩ quan trẻ Quân đội. Cấp
ủy, tổ chức đảng các cấp trong Quân đội chịu trách nhiệm lãnh đạo nhiệm vụ
phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đối với đội ngũ sĩ quan trẻ ở cơ
quan, đơn vị mình; xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, được thể hiện trong nghị
quyết lãnh đạo thường kỳ của cấp ủy, tổ chức đảng, kế hoạch công tác của người
chỉ huy, chính ủy, chính trị viên và hoạt động của các tổ chức quần chúng. Cơ
quan chính trị các cấp làm tốt chức năng tham mưu, đề xuất với đảng ủy cấp mình
những chủ trương, biện pháp lãnh đạo phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển
hóa” đối với đội ngũ sĩ quan trẻ; trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra các
đơn vị thuộc quyền thực hiện chủ trương, nghị quyết của đảng ủy cấp mình, sự
chỉ đạo, hướng dẫn của cơ quan chính trị cấp trên về nhiệm vụ quan trọng này.
Với tư cách là người chủ trì về chính trị của đơn vị, chính ủy, chính trị viên
trực tiếp bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ chính trị thuộc quyền, đội ngũ báo cáo
viên, tuyên truyền viên về chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phòng, chống “tự diễn
biến”, “tự chuyển hóa” đối với đội ngũ sĩ quan trẻ. Đồng thời, trực tiếp tiến
hành các hình thức tuyên truyền, giáo dục, nói chuyện thời sự, báo cáo chuyên
đề cho cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị, nhân dân nơi đóng quân về phòng, chống
“tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong Quân đội theo cương vị, chức trách được giao.
Bốn là, phát huy tính tích cực, tự giáo dục, tự rèn
luyện của đội ngũ sĩ quan trẻ. Thông qua tự học, tự giáo dục, rèn luyện, đội ngũ sĩ quan trẻ
củng cố thêm những kiến thức về pháp luật, kỷ luật Quân đội và các kiến thức
cần thiết khác. Đồng thời, bồi đắp, cập nhật thêm nhiều kiến thức mới, giúp cho
quân nhân không bị hụt hẫng, lạc hậu trước sự phát triển của thực tiễn và sự
chống phá của các thế lực thù địch. Từ đó, bồi dưỡng thế giới quan, phương pháp
luận, niềm tin, lý tưởng, lẽ sống, ý thức chấp hành kỷ luật,… góp phần hình
thành và phát triển bản lĩnh cho đội ngũ sĩ quan trẻ trước diễn biến phức tạp
của tình hình. Vì vậy, cùng với sự giáo dục của tổ chức, đoàn thể, mỗi sĩ quan
trẻ phải chủ động xây dựng cho mình kế hoạch, nội dung, biện pháp tự học tập,
tự giáo dục, rèn luyện một cách khoa học, phù hợp với đặc điểm, nhiệm vụ đơn vị
và chức trách của mỗi người. Thông qua những hoạt động đó, giúp cho đội ngũ sĩ
quan trẻ đánh giá đúng mặt mạnh, mặt yếu, nhận thức rõ quan điểm, tư tưởng sai
trái, lệch lạc; tìm ra cách thức, biện pháp tự rèn luyện, tự học tập để phòng
chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” hiệu quả hơn. Để phát huy tính tích cực,
tự giáo dục, tự rèn luyện của sĩ quan trẻ, cần chú trọng xây dựng động cơ đúng
đắn, thái độ, trách nhiệm cao trong mọi hoạt động; quan tâm, định hướng, giúp
sĩ quan trẻ xây dựng nội dung, kế hoạch, phương pháp tự học tập, rèn luyện một
cách khoa học, phù hợp kế hoạch công tác chung của đơn vị; thường xuyên theo
dõi, đôn đốc, kiểm tra, uốn nắn kịp thời những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn,
v.v.
Năm là, xây dựng môi trường văn hóa quân sự lành
mạnh, quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của sĩ quan trẻ. Trước hết, cần giải quyết hài hòa các mối quan
hệ, ứng xử có văn hóa trong đơn vị theo đúng điều lệnh, điều lệ Quân đội; đẩy
mạnh xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn
diện. Cùng với đó, tổ chức tốt các hoạt động thi đua, khen thưởng gắn với Nghị
quyết Trung ương 4 (khóa XII), Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị, Cuộc vận động
“Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” và các
phong trào, cuộc vận động khác; chú trọng nhân rộng điển hình tiên tiến, gương
“người tốt, việc tốt”, mô hình sáng tạo, hiệu quả
để nhân rộng và phát
huy. Đồng thời, quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần; nhu cầu về
đọc báo, đọc sách, văn hóa, văn nghệ, xem phim, thể dục - thể thao, chế độ nghỉ
ngơi, vui chơi giải trí cho sĩ quan trẻ. Những nhu cầu chính đáng đó, cấp ủy,
chỉ huy các cấp quan tâm, chăm lo giải quyết hài hòa, thỏa đáng, vận dụng phù
hợp với điều kiện thực tế của đơn vị, hợp tình, hợp lý, không máy móc, cứng
nhắc. Trên cơ sở đó, khơi dậy, động viên tinh thần, góp phần ngăn chặn các biểu
hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, phòng, chống có hiệu
quả “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của đội ngũ sĩ quan trẻ trong Quân đội hiện
nay.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét