Thứ Hai, 18 tháng 11, 2019

TỈNH TÁO VỚI NHỮNG LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC ĐƯỜNG LỐI, CHỦ TRƯƠNG, CHÍNH SÁCH CỦA ĐẢNG, NHÀ NƯỚC TA VỀ TÌNH HÌNH BIỂN ĐÔNG


Thời gian gần đây, lợi dụng tình hình phức tạp ở Biển Đông, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị đã đăng nhiều bài viết trên các trang mạng xã hội với những luận điệu xuyên tạc đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta trong giải quyết vấn đề Biển Đông, khi cho rằng: Lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam không dám lên tiếng, không dám chỉ đích danh nước nào đang xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và Đảng, Nhà nước Việt Nam không có một hành động, biện pháp cụ thể nào để giải quyết tình hình phức tạp ở Bãi Tư Chính.
Đây hoàn toàn là những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch. Bởi vì, trước những vấn đề phức tạp ở Biển Đông, mà trực tiếp ở khu vực Bãi Tư Chính, bằng những giải pháp và hành động cụ thể, Đảng, Nhà nước Việt Nam đã xử lý rất phù hợp, vừa mềm dẻo nhưng vừa cương quyết, kiên trì để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc.
Thứ nhất, trên diễn đàn quốc tế, phát biểu tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 35, tổ chức tại Thái Lan. Về vấn đề Biển Đông, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Điều kiện tiên quyết để có được hòa bình, ổn định là duy trì một trật tự tuân thủ luật pháp quốc tế. Vừa qua, có những vụ việc nghiêm trọng vi phạm luật pháp quốc tế xảy ra trên vùng biển khu vực và Việt Nam, tuy mới chấm dứt gần đây nhưng để lại những bài học sâu sắc cho ASEAN. Điều này càng cho thấy an ninh và ổn định trên Biển Đông hiện rất mong manh, đòi hỏi cam kết nghiêm túc và trách nhiệm gìn giữ của tất cả các quốc gia trong khu vực, để bảo đảm rằng những vụ việc tương tự không lặp lại. Việt Nam quyết tâm và kiên trì bảo vệ luật pháp quốc tế trong các quan hệ quốc tế nói chung và trong vấn đề Biển Đông nói riêng”.
Thứ hai, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã 2 lần lên tiếng phản đối, tuyên bố rõ ràng những hành động của Trung Quốc đã xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam. Việt Nam mong muốn Trung Quốc và các nước trong và ngoài khu vực tuân thủ nghiêm Công ước Liên Hợp quốc về Luật biển năm 1982, đảm bảo hòa bình, ổn định cho khu vực. Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng đã trao công hàm phản đối cho phía Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc phải rút tàu Hải Dương 8 và các tàu khác khỏi khu vực Bãi Tư Chính của Việt Nam tại lô 06.1.
Thứ ba, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, sáng 21/10/2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội năm 2019 và kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2020. Báo cáo nêu rõ: Tình hình Biển Đông gần đây diễn biến phức tạp, trong đó có việc vi phạm nghiêm trọng các vùng biển của Việt Nam được xác định theo luật pháp quốc tế, trái với Tuyên bố DOC và các thỏa thuận cấp cao giữa 2 Đảng và Nhà nước. Theo đó, Đảng và Nhà nước ta đã nhất quán chủ trương những gì thuộc về độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, chúng ta không bao giờ nhân nhượng; đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước. Chúng ta đã, đang và tiếp tục kiên quyết, kiên trì đấu tranh bằng nhiều biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp quốc về Luật biển năm 1982 và đấu tranh trên thực địa; đồng thời gìn giữ môi trường hòa bình và quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước. Chủ trương đúng đắn, lập trường chính nghĩa và các nỗ lực của Đảng, Nhà nước ta đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân cả nước và cộng đồng quốc tế.
Như vậy, Việt Nam không im lặng trước những diễn biến phức tạp ở Biển Đông như những luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc trên không gian mạng trong thời gian vừa qua. Các hoạt động trên của Đảng, Nhà nước ta đã bác bỏ hoàn toàn những luận điệu xuyên tạc vô căn cứ của các thế lực thù địch. Thiết nghĩ, mỗi chúng ta phải luôn tỉnh táo, đề cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh, vạch trần những luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc, sai trái của các thế lực thù địch, nhằm chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam./.

TXV

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét