“Quân đội trung lập”, “đứng ngoài chính trị”
là một trong những thủ đoạn nham hiểm, thâm độc trong chiến lược “diễn biến hòa
bình” của các thế lực thù địch. Đây là luận điểm vô chính trị, phản khoa học,
lừa bịp đã có từ lâu, nhằm tách quân đội ra khỏi sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản
Việt Nam, nhằm vô hiệu hóa và làm lạc hướng quân đội cách mạng. Thực tiễn tổ
chức và hoạt động của quân đội trong lịch sử đã khẳng định: Không có “quân đội
trung lập”, “đứng ngoài chính trị”.
THỰC CHẤT LUẬN ĐIỂM "QUÂN ĐỘI TRUNG
LẬP", "ĐỨNG NGOÀI CHÍNH TRỊ"
Chính trị của quân đội, thực chất là vấn đề bản chất giai cấp của
quân đội, nó trả lời cho câu hỏi: Quân đội đó do giai cấp nào tổ chức, nuôi
dưỡng, sử dụng và lãnh đạo? Nó phục vụ cho giai cấp nào, bảo vệ quyền lợi của
ai? Mục tiêu, lý tưởng chiến đấu của quân đội ấy cho ai, vì ai? Cả lý luận và
thực tiễn đều chỉ ra rằng, trong xây dựng quân đội của bất kỳ quốc gia, dân tộc
nào, bất kỳ giai đoạn lịch sử nào, vấn đề chính trị luôn được đặt lên vị trí
cao nhất, chiếm “ngôi đầu”; là vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, quyết
định sự tồn tại, phát triển của quân đội ấy, ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn
vong của chế độ chính trị - xã hội và vận mệnh của quốc gia dân tộc. Xét về bản
chất, quân đội bao giờ cũng là công cụ bạo lực, phục vụ cho mục đích chính trị của
một giai cấp, nhà nước nhất định. Tính chất chính trị của quân đội thể hiện tập
trung và rõ nét ở mục tiêu chiến đấu, tổ chức lực lượng, cơ chế lãnh đạo, chỉ
huy và chức năng, nhiệm vụ của quân đội; phụ thuộc vào quan điểm, đường lối
chính trị của giai cấp, nhà nước, đảng chính trị tổ chức ra quân đội.
Hiện nay, thông qua cái gọi là “bức thư tâm huyết,” “kiến nghị của
công dân”,… một số người đã lên tiếng “kiến nghị” rằng “các lực lượng vũ trang
phải duy trì tính trung lập về chính trị”, “lực lượng vũ trang phải trung thành
với Tổ quốc và Nhân dân chứ không phải trung thành với bất kỳ tổ chức chính trị
nào, đảng phái nào”, “quân đội chỉ cần tuân theo pháp luật”, “quân đội cần đứng
ngoài chính trị”... Trắng trợn hơn, có kẻ còn viết bài đặt câu hỏi với cán bộ,
chiến sĩ quân đội rằng: “Các anh còn ngủ đến bao giờ?”… Bản chất của những luận
điệu trên là nhằm “phi đảng hóa”, “phi chính trị hóa”, tách quân đội ta ra khỏi
sự lãnh đạo của Đảng, tiến tới phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, vô
hiệu hóa vai trò của quân đội nhân dân.
Trong thế giới đương đại, quan điểm “quân đội trung lập”, “đứng
ngoài chính trị” thường xuất hiện ở các nước có cấu trúc đa nguyên chính trị,
đa đảng đối lập, nhất là khi sự tranh giành quyền lực giữa các đảng phái chính
trị diễn ra gay gắt, dẫn đến khủng hoảng chính trị.
Ở Thái Lan, chính phủ và các đảng phái chính trị đều ra sức tranh
thủ sự ủng hộ, hậu thuẫn về chính trị của quân đội. Trong nền chính trị với cấu
trúc lưỡng đảng ở Mỹ, quân đội Mỹ không hề đứng ngoài chính trị. Chỉ tính từ
năm 1990 đến nay, quân đội Mỹ đã liên tục can dự vào đời sống chính trị của
nhiều nước, ở nhiều khu vực, kể cả tiến hành chiến tranh để can thiệp vào
tình hình chính trị, kích động làn sóng “Mùa xuân Ả Rập”…
Sự sụp đổ mô hình chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô và các nước
Đông Âu là do việc xóa bỏ quy định của Hiến pháp về vai trò lãnh đạo nhà nước,
lãnh đạo xã hội, lãnh đạo quân đội của Đảng Cộng sản.
Thực tiễn cho thấy, ở những nước có sự tồn tại của nhiều đảng phái
chính trị, việc thực hiện cái gọi là “quân đội trung lập”, “đứng ngoài chính
trị” đã dẫn tới tình trạng mâu thuẫn, xung đột, mất đoàn kết nội bộ và bất ổn
chính trị - xã hội.
SỰ PHI LÝ CỦA LUẬN ĐIỂM "QUÂN ĐỘI TRUNG
LẬP", "ĐỨNG NGOÀI CHÍNH TRỊ"
K.Clausewitz - nhà lý luận quân
sự tư sản của nước Phổ đã khái quát luận điểm: Chiến tranh là sự kế tục của
chính trị, được thừa nhận như là một chân lý cả trong khoa học quân sự tư sản
lẫn trong khoa học quân sự vô sản. Một khi đã thừa nhận “chiến tranh là sự kế
tục của chính trị” thì tất yếu phải thừa nhận: không bao giờ và không ở đâu có
thứ quân đội “đứng ngoài chính trị”, hoặc “không dính đến chính trị”. Bởi vì,
bất cứ cuộc chiến tranh nào cũng có mục tiêu chính trị, thể hiện lập trường
chính trị của các bên tham chiến, quân đội của các bên tham chiến đều được lực lượng
chính trị cầm quyền tổ chức, giáo dục để thực hiện mục tiêu chính trị đó. Do
vậy, bất cứ quân đội nào cũng đều được chú ý xây dựng về chính trị.
Vấn đề khác nhau là ở chỗ, một mặt, vấn đề xây dựng về chính trị
được đặt ở vị trí nào trong quá trình xây dựng quân đội, nhất là so với quá
trình hiện đại hóa vũ khí trang bị của mỗi quân đội; mặt khác, là ở mức độ công
khai hóa bản chất chính trị, cũng như nội dung xây dựng về chính trị trong mỗi
loại hình quân đội.
Đối với quân đội do giai cấp tư
sản chi phối, do được xây dựng trên nền tảng thuyết “vũ khí luận”, vấn đề xây
dựng về chính trị xếp sau việc không ngừng hiện đại hóa vũ khí trang bị. Nhưng
không vì thế mà họ không chú ý đến xây dựng về chính trị cho quân đội. Chính
trị được truyền bá vào quân đội của họ là hệ tư tưởng tư sản, là công tác tổ
chức và lối sống, đạo đức theo quan điểm của giai cấp tư sản.
Đối với quân đội do giai cấp công nhân xây dựng, lãnh đạo và giáo
dục, vấn đề chăm lo xây dựng về chính trị cho quân đội được đặt ở vị trí quan
trọng bậc nhất. Điều đó xuất phát từ sự nhận thức đúng đắn về tính chất giai
cấp của quân đội và mối quan hệ biện chứng giữa yếu tố con người với vũ khí
trang bị. Những người cộng sản chưa bao giờ xem nhẹ vai trò của vũ khí trang
bị, nhưng luôn coi con người là yếu tố quyết định thắng lợi: “Trong mọi cuộc
chiến tranh, rốt cuộc thắng lợi đều tùy thuộc vào tinh thần của quần chúng đang
đổ máu trên chiến trường”(1). Đây là nội dung then chốt, căn bản
nhất thể hiện nguyên tắc xây dựng quân đội kiểu mới về chính trị của giai cấp
công nhân.
Trong bất cứ xã hội nào, với
tính cách là một bộ phận của kiến trúc thượng tầng, một tổ chức của nhà nước,
quân đội đều phụ thuộc vào đường lối chính trị của giai cấp cầm quyền: “Bản
chất giai cấp và nội dung của nhà nước như thế nào thì quân đội - người bảo vệ
lợi ích của nó như thế ấy”(2). Đồng thời, các lực lượng chính trị
cầm quyền luôn tìm mọi cách để nắm chắc quân đội thông qua nhiều biện pháp về
chính trị, tư tưởng, tổ chức và chính sách đãi ngộ. Quân đội là công cụ bạo lực
vũ trang của một giai cấp, một nhà nước nhất định. Do đó, bản chất giai cấp của
quân đội là bản chất của giai cấp, nhà nước tổ chức ra nó: “Hiện nay, cũng như
trước kia và sau này, quân đội sẽ không bao giờ có thể trung lập được”(3).
Quân đội chỉ mang bản chất của một giai cấp - giai cấp thống trị chi phối quyền
lực nhà nước và tổ chức, nuôi dưỡng sử dụng quân đội đó. V.I.Lênin đã đề ra
những nguyên tắc căn bản về xây dựng quân đội kiểu mới, trong đó, sự lãnh đạo
của Đảng Cộng sản là nguyên tắc quan trọng nhất và quyết định: “Hãy chăm lo đến
khả năng quốc phòng của nước ta và của Hồng quân như chăm lo đến con ngươi trong
mắt mình”(4).
Vận dụng sáng tạo lý luận của V.I.Lênin về quân đội, Chủ tịch Hồ
Chí Minh đã sáng lập ra quân đội kiểu mới của dân tộc Việt Nam. Người đặc biệt
coi trọng nhân tố chính trị trong xây dựng quân đội: “Tên Đội Việt Nam tuyên
truyền giải phóng quân nghĩa là chính trị trọng hơn quân sự”(5).
Người đặt lên hàng đầu vấn đề xây dựng quân đội về chính trị: “Quân sự mà không
có chính trị như cây không có gốc, vô dụng lại có hại”(6). Đây là
vấn đề có ý nghĩa quyết định bảo đảm cho “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với
dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã
hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng
đánh thắng”(7). Sức mạnh chiến đấu của Quân đội nhân dân Việt Nam là
sức mạnh tổng hợp, trong đó, yếu tố con người với trình độ giác ngộ chính trị
cao giữ vai trò quyết định. Chính trị có vai trò định hướng toàn bộ hoạt động
của quân đội phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong từng giai đoạn lịch
sử. Chính trị còn có khả năng thẩm thấu, liên kết chặt chẽ các yếu tố tạo thành
sức mạnh chiến đấu tổng hợp của quân đội ta.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét