Thứ Tư, 7 tháng 9, 2022

Cảnh giác với chiêu trò lợi dụng quyền tự do ngôn luận của Nguyên Anh

 

Nguyên Anh – cái tên không còn xa lạ trong nhóm mang danh “nhà dân chủ” mới đây lại đăng tải bải viết “Lại chuyện cáo hồ và lũ âm binh thổi ống đu đủ”.  Đây thực chất là “bổn cũ soạn lại”, với những lý lẽ nguỵ biện, đổi trắng thay đen, cố tình đưa ra những nhận định, đánh giá sai lệch, thiếu khách quan về tình hình tự do ngôn luận hòng “làm nóng”, tạo sóng dư luận để vu cáo Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền nhằm hạ thấp vị thế và uy tín của nước ta trên trường quốc tế. Tuy nhiên hiện thực là minh chứng sinh động, bác bỏ mọi luận điệu của y.

1. Việt Nam không có tự do ngôn luận và chà đạp nhân quyền – luận điệu xuyên tạc, lố bịch

Với suy nghĩ của kẻ cơ hội chính trị, bất mãn, Nguyên Anh đã vu khống, bịa đặt trắng trợn rằng Nhà nước Việt Nam là “Nhà nước độc tài” đang “chà đạp nhân quyền, tự do ngôn luận của người dân”. Rõ ràng, chỉ thoạt nhìn vào nhận định đó cũng thấy rõ sự bóp méo, xuyên tạc về quyền tự do ngôn luận hòng phủ nhận những thành tựu về nhân quyền của Việt Nam. Bởi, là quốc gia thành viên có trách nhiệm của Liên hợp quốc, Việt Nam đã sớm tham gia, ký kết các điều ước quốc tế về bảo đảm các quyền cơ bản của con người và quyền công dân, trong đó có quyền tự do ngôn luận. Những quyền cơ bản này đã được hiến định xuyên suốt trong các bản hiến pháp của Việt Nam và tiếp tục được hiến định tại Điều 25 Hiến pháp năm 2013: Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định. Như vậy, về mặt pháp lý, quyền tự do ngôn luận của công dân ở Việt Nam đã được quy định toàn diện, đầy đủ, với những nội dung cụ thể, dễ hiểu, dễ áp dụng, dễ thực hiện trong cuộc sống.

Trên thực tế, Ðảng và Nhà nước Việt Nam luôn lắng nghe, tôn trọng ý kiến đóng góp của mọi tầng lớp nhân dân đối với việc xây dựng, thực thi chính sách, pháp luật, thông qua các hình thức phản biện xã hội, qua hệ thống báo chí, truyền thông. Nhân dân được tạo điều kiện thực hiện quyền phản biện thông qua đại diện của mình là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể, như: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Ðoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, v.v. Ðây là cầu nối giữa nhân dân với Ðảng và chính quyền các cấp, Mặt trận và các đoàn thể xã hội để người dân phát huy quyền làm chủ trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Tự do ngôn luận ở Việt Nam luôn được đảm bảo bằng pháp luật và trên thực tiễn. Như vậy, có thể thấy những ý kiến đánh giá sai lệch của Nguyên Anh là xuất phát từ những mưu đồ xấu, mượn cớ tự do ngôn luận để tuyên truyền, bịa đặt vu cáo Việt Nam trong thực thi nhân quyền. Trong bất cứ chế độ chính trị nào cũng không thể có tự do ngôn luận ngoài quy định của pháp luật, những hành vi lợi dụng tự do ngôn luận như Nguyên Anh sẽ bị xử lý nghiêm khắc.

2. Việt Nam xứng đáng là thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc

Thực chất, đằng sau cái gọi là “chà đạp nhân quyền”, “chà đạp tự do ngôn luận” mà Nguyên Anh “gán” cho Việt Nam chỉ là một “màn kịch” đã được dựng sẵn để rêu rao “một nhà nước như thế mà lại là thành viên của tổ chức nhân quyền Liên hợp quốc” nhằm nhằm kích động, tiếp tay, cổ súy cho các phần tử xấu phản đối Việt Nam ứng cử vào vị trí thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (LHQ) nhiệm kỳ 2023-2025.

Tuy nhiên, không ai có thể phủ nhận những nỗ lực trong thực hiện quyền con người cùng những đóng góp quan trọng của Việt Nam cho sự nghiệp quyền con người của nhân loại. Ngay từ khi trở thành thành viên của LHQ từ năm 1977, Việt Nam đã tham gia tích cực vào quá trình xây dựng và phát triển của tổ chức này, trong đó có Ủy ban Nhân quyền của LHQ. Từ đó đến nay, Việt Nam đã tham gia ký kết hầu hết các văn kiện quyền con người cơ bản, bao gồm các công ước quốc tế và nghị định thư liên quan về quyền con người. Tính đến năm 2021, Việt Nam đã phê chuẩn, gia nhập 7/9 công ước cơ bản của LHQ về quyền con người, 25 công ước của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO). Năm 2013, Việt Nam lần đầu tiên trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2014-2016. Một điều khá đặc biệt trong lần ứng cử đầu tiên này là sự tín nhiệm, đánh giá cao của cộng đồng quốc tế khi Việt Nam trúng cử với số phiếu 184/192, cao nhất trong số các nước thành viên mới. Theo đánh giá của nhiều tổ chức quốc tế và các cá nhân có tiếng nói uy tín trong cộng đồng quốc tế, sở dĩ Việt Nam được bầu vào Hội đồng Nhân quyền LHQ với sự tín nhiệm cao là vì những thành tựu to lớn trên lĩnh vực bảo đảm quyền con người mà Việt Nam đã đạt được, đặc biệt trên lĩnh vực bảo đảm các quyền dân sự, chính trị; kinh tế, xã hội và văn hóa. Điều này thể hiện rất sinh động, thuyết phục trong các thành tựu về thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ. Đặc biệt, từ đại dịch Covid-19 trên toàn thế giới cho thấy, Việt Nam đã nỗ lực ở mức cao nhất nhằm bảo đảm chăm sóc sức khỏe người dân, chăm lo thúc đẩy quyền con người trên các lĩnh vực. Chính các nước phương Tây cũng đánh giá cao vai trò của Việt Nam tại Hội đồng Nhân quyền LHQ; trong nhiều trường hợp, Việt Nam làm trung gian trong các cuộc thương lượng. Ngày 22-2-2021, Việt Nam tuyên bố tiếp tục ứng cử là thành viên của Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025. ASEAN cũng đã chính thức đề cử Việt Nam là ứng cử viên duy nhất của khối. Điều đó cho thấy, Việt Nam thực sự có trách nhiệm và luôn nỗ lực trong việc thực hiện quyền con người cả về chính sách cũng như thực tiễn. Đây là minh chứng thiết thực cho những nỗ lực của Việt Nam nhằm thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, đồng thời nó cũng khẳng định rằng, Việt Nam hoàn toàn xứng đáng để ứng cử vào tổ chức này.

Từ những vấn đề nêu trên cho thấy, chúng ta không được chủ quan, lơ là, mà phải luôn đề cao cảnh giác, tỉnh táo nhận diện, kiên quyết vạch trần, kịp thời bác bỏ mọi âm mưu của các thế lực thù địch, phản động, bất mãn chính trị cố tình lợi dụng tự do ngôn luận, tự do báo chí nhằm đưa ra những thông tin sai trái, xuyên tạc, tác động tiêu cực dư luận xã hội, xâm hại an ninh truyền thông quốc gia, chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét