Trong bài “Mặt nào của văn hóa – đạo đức xuống cấp?” trên Baotiengdan, Chu Mộng Long đã đưa những bình luận về văn hóa, con người Việt Nam chỉ toàn những gam mầu tối sẫm, hòng tạo ra sự hoang mang, dao động trong xã hội. Trong đó, y cho rằng: “với cách xây dựng một nền văn hóa như hiện nay sẽ còn nát bét nhiều thế hệ nữa”, đó là sự xuyên tạc, phủ nhận trắng trợn đường lối, thành tựu trong phát triển văn hóa, con người mà đất nước ta đã đạt được dưới sự lãnh đạo của Đảng, bởi lẽ:
Một là, dưới sự lãnh đạo của Đảng văn hóa, con người Việt Nam không ngừng phát triển, góp phần tích cực, quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Chỉ tính riêng sau hơn 35 năm đổi mới, nhận thức của toàn xã hội về văn hóa ngày càng toàn diện và sâu sắc hơn trên các lĩnh vực, các loại hình; các sản phẩm văn hóa ngày càng đa dạng, phong phú, đáp ứng yêu cầu mới, nhiều mặt của xã hội. Tư tưởng, đạo đức và lối sống – lĩnh vực then chốt của văn hóa đã có những chuyển biến tích cực. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống và di sản văn hóa của dân tộc được kế thừa, bảo tồn và phát triển. Theo đó, hiện cả nước ta có 166 bảo tàng với hơn 3 triệu hiện vật; 3.486 di tích được xếp hạng quốc gia, trong đó có 105 di tích quốc gia đặc biệt, 288 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 27 di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa thế giới. Đây là những giá trị văn hóa được kết tinh, lưu truyền từ hàng nghìn năm qua của cộng đồng 54 dân tộc anh em cư trú trên đất nước Việt Nam và trở thành diện mạo, hình ảnh văn hóa Việt có sức hấp dẫn lớn đối với bạn bè và du khách quốc tế.
Bên cạnh đó chỉ số phát triển con người (HDI-gồm 3 tiêu chí chính là chỉ số giáo dục, sức khỏe, thu nhập) của Việt Nam đã có sự tăng tiến rất mạnh. Nếu như khi Việt Nam mới tham gia vào việc đánh giá chỉ số phát triển con người năm 1990 chỉ đạt một mức thấp là 0,48 điểm thì đến năm 2016 đạt mức 0,682 và tăng lên 0,706 năm 2020, nhờ đó Việt Nam từ nhóm có HDI trung bình lên nhóm có HDI cao của thế giới. Cũng trong hơn ba thập niên qua, có tới hơn 50 triệu người thoát cảnh đói nghèo. Việt Nam là quốc gia về đích sớm hơn cam kết với Liên Hợp Quốc về thực hiện mục tiêu Thiên niên kỷ 10 năm, được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.
Hai là, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn coi văn hóa, con người là một động lực quan trọng để phát triển đất nước nhanh và bền vững.
Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh một trong những quan điểm chỉ đạo cốt lõi và xuyên suốt là: “Phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam” để góp phần khơi dậy nguồn năng lực nội sinh to lớn của văn hóa dân tộc và con người Việt Nam đã được hun đúc, bồi đắp, kết tinh trong hành trình lịch sử mấy nghìn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước. Thực tiễn hơn 35 năm đổi mới đất nước cho thấy, từ đường lối đúng đắn của Đảng về phát triển văn hóa, con người, nội lực văn hóa, con người Việt Nam không chỉ được củng cố mà còn trở thành một động lực quan trọng để xây dựng một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, trong đó sự phát triển thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà chà đạp lên phẩm giá con người.
Văn hóa là sự tích tụ sâu thẳm truyền thống của mỗi quốc gia, dân tộc, nó nằm ở vỉa sâu nên không dễ tác động tức thời, nhanh chóng như một số yếu tố, lĩnh vực khác; nhưng văn hóa lại có sức mạnh tiềm ẩn vô cùng to lớn mà nếu biết khai thác đúng lúc, phát huy đúng chỗ thì có thể tạo ra những thay đổi tích cực cho xã hội, đất nước. Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của nước ta trong hơn 3 thập niên đổi mới vừa qua là sự tích hợp nhiều yếu tố, trong đó có động lực sâu xa là Đảng, Nhà nước ta ngày càng coi trọng, phát huy cao độ nhân tố con người và yếu tố văn hóa để góp phần thúc đẩy đất nước phát triển nhanh, bền vững.
Như vậy, luận điệu mà Chu Mộng Long đưa ra là hoàn toàn trái với thực tiễn của đất nước, với ý đồ chống phá con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Chúng ta cần nâng cao cảnh giác và đấu tranh, vạch trần những luận điệu xuyên tạc, chống phá của y và đồng bọn./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét