Thứ Hai, 26 tháng 9, 2022

CHIÊU TRÒ XUYÊN TẠC CỦA RFA

 

Một trong những chiêu trò nham hiểm của các thế lực thù địch, phản động là cố ý gây ra những trở ngại, khó khăn và sự hoài nghi của người dân vào chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta. Điển hình cho chiêu trò trên có thể kể đến là Đài Á Châu tự do (RFA), trong nhiều bài viết gần đây, RFA dẫn sự kiện “chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô, Đông Âu sụp đổ” rồi bàn luận, tỏ vẻ nghi ngờ về vấn đề “kiên định chủ nghĩa Mác – Lênin” của Việt Nam và cho rằng Đảng, Nhà nước ta đang “kiên định với cái tiêu vong”, “không có căn cứ khoa học”, “mù quáng”, “giáo điều”… Đây thực ra vẫn là âm mưu “bình cũ rượu mới”, hòng phủ nhận chủ nghĩa Mác – Lênin, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Thực tế cho thấy, kiên định, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam là sự lựa chọn hoàn toàn đúng đắn của Đảng ta. Bởi vì:

Mục tiêu, lý tưởng mà chủ nghĩa Mác – Lênin hướng tới là khát vọng chân chính về tiến bộ của nhân loại. Đó là, giải phóng con người hoàn toàn khỏi ách áp bức, bóc lột, làm cho con người được ấm no, tự do và hạnh phúc. Đây là ước vọng của nhân loại tiến bộ trên khắp thế giới. Mặc dù chủ nghĩa tư bản đã đạt được những tiến bộ rất to lớn  so với chế độ phong kiến song nó vẫn không thể khắc phục nạn người áp bức, bóc lột người, nạn dân tộc này áp bức dân tộc khác. Thậm chí còn làm trầm trọng thêm những vấn nạn đó. Vấn đề này được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người.

Chủ nghĩa Mác – Lênin là học thuyết khoa học, không phải là một hệ thống các nguyên lý giáo điều, bất biến mà gắn với quá trình phát triển của tri thức nhân loại và phong trào cách mạng trên thế giới. Chủ nghĩa Mác – Lênin là hệ thống các quan điểm và học thuyết khoa học do C.Mác và Ph.Ăngghen xây dựng, V.I.Lênin bảo vệ và phát triển, trên cơ sở tổng kết thực tiễn và kế thừa những giá trị tư tưởng của nhân loại. Chính C. Mác, Ph. Ăngghen, V.I. Lênin đã nhiều lần khẳng định học thuyết của các ông không phải là cái đã xong xuôi hẳn, còn nhiều điều các ông chưa có điều kiện, thời gian, cơ hội nghiên cứu. Điều này được Hồ Chí Minh chỉ rõ: C.Mác đã xây dựng học thuyết của mình trên một triết lý nhất định của lịch sử, nhưng lịch sử nào? Lịch sử châu Âu. Mà châu Âu là gì? Đó chưa phải là toàn thể nhân loại nên đòi hỏi sự vận dụng sáng tạo, phù hợp thực tiễn. Do vậy, luận điệu cho rằng kiên định chủ nghĩa Mác – Lênin  ở Việt Nam là “không đúng đắn, khoa học, mù quáng” là hoàn toàn không có cơ sở, cần đấu tranh bác bỏ.

Sự vận dụng linh hoạt, sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin của Hồ Chí Minh và Đảng ta. Bản chất cách mạng, khoa học và giá trị của chủ nghĩa Mác – Lênin đã được kiểm nghiệm, khẳng định bởi thực tiễn quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta. Sự kiên định, vận dụng sáng tạo, linh hoạt chủ nghĩa Mác – Lênin vào thực tiễn cách mạng, phù hợp với từng giai đoạn lịch sử của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhân tố quyết định đến những thắng lợi to lớn của cách mạng Việt Nam.

Thực tiễn công cuộc đổi mới đất nước hơn 35 năm qua cho thấy, trước những biến động to lớn của thời cuộc sau sự sụp đổ mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và các nước Đông Âu, trước biến động phúc tạp của tình hình thế giới, khu vực, trong nước, Đảng ta vẫn luôn kiên định chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, không ngừng vận dụng và phát triển sáng tạo phù hợp với thực tiễn đất nước; Nhờ đó, chế độ chính trị được giữ vững, kinh tế – xã hội phát triển, đời sống của nhân dân được cải thiện… “Chưa bao giờ đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như  ngày nay”. Điều này là minh chứng bác bỏ luận điệu của các thế lực phản động, các phần tử cơ hội chính trị nói chung và chiêu trò của RFA nói riêng khi phủ nhận chủ nghĩa Mác – Lênin ở Việt Nam. Vì vậy, mỗi chúng ta cần nêu cao cảnh giác, không để mắc mưu của các thế lực thù địch, làm tổn hại đến lợi ích quốc gia – dân tộc./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét